Lờ Trung Quốc, Ấn Độ quyết khai thác dầu ở biển Đông với Việt Nam
02:01 SA @ Thứ Năm - 30 Tháng Mười, 2014

Việt Nam và Ấn Độ đang hợp tác để thăm dò và khai thác dầu ở biển Đông trong khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đó là sự hợp tác minh bạch phù hợp với luật pháp quốc tế. Nhưng Hoàn cầu thời báo Trung Quốc lại lớn tiếng đe dọa Ấn Độ việc khai thác dầu ở biển Đông là rủi ro.

Quan hệ Việt - Ấn đang ngày càng tốt đẹpQuan hệ Việt - Ấn đang ngày càng tốt đẹp

Trích dẫn từ truyền thông Ấn Độ, Hoàn cầu cho rằng, nhiều khả năng là Ấn Độ sẽ chấp nhận đề nghị hợp tác cùng Việt Nam trong khai thác dầu tại Biển Đông khi Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng sang thăm New Delhi vào 27.10. Hoàn cầu còn nói rằng Việt Nam và Ấn Độ sẽ thúc đẩy quan hệ kinh tế cũng như hợp tác về an ninh, quốc phòng trong chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Syed Akbaruddin cho biết vào 24.10 rằng, Việt Nam đã mời Ấn Độ cùng khai thác một số các mỏ dầu ở biển Đông và Ấn Độ sẽ xem xét việc đề nghị trên nếu đạt được lợi ích thương mại. Trong một thông điệp có ý chĩa mũi nhọn sang Trung Quốc, Akbaruddin nói thêm mối quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam không phụ thuộc vào các nước khác.

Ấn Độ đã và đang hợp tác khai thác dầu cùng Việt Nam ở biển Đông từ năm 1988. Năm 2006, Ấn Độ đã được Việt Nam cấp quyền thăm dò khai thác 2 mỏ dầu nằm trong khu vực mà Trung Quốc nhận vơ chủ quyền một cách phi pháp. Tháng 11.2013, Việt Nam đề nghị 5 khu vực được đánh giá có trữ lượng dầu để Ấn Độ lựa chọn đầu tư.

Việt Nam cũng cung cấp nhiều điều kiện được đánh giá rất tốt cho các công ty dầu khí Ấn Độ khi khai thác dầu ở biển Đông, bao gồm cả bảo đảm an toàn và an ninh cho các công nhân Ấn Độ.

Xu Liping, một nhà chuyên nghiên cứu về châu Á - Thái Bình Dương và chiến lược toàn cầu tại Học viện Khoa học xã hội của Trung Quốc, nói với Hoàn Cầu hôm 26.10 với giọng hăm dọa rằng thăm dò dầu khí là một đầu tư có độ rủi ro cao, không có đảm bảo rằng vẫn còn dầu được tìm thấy trong các khu vực Việt Nam mời chào Ấn Độ.

Ông Xu còn nói Bắc Kinh luôn "ủng hộ ý tưởng chia sẻ nguồn lực để khai thác dầu ở biển Đông với Việt Nam", nhưng lại đòi "Việt Nam cần phải thể hiện sự chân thành hơn trong các giao dịch với Trung Quốc".

Trên thực tế, tất cả các hợp đồng hợp tác khai thác dầu khí của Việt Nam với nước ngoài đều trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, được luật pháp quốc tế công nhận.

Ngược lại, các nỗ lực thăm dò khai thác dầu gần đây của Trung Quốc ở biển Đông đã có vụ vi phạm chủ quyền của Việt Nam mà điển hình là vụ giàn khoan Hải Dương 981 hoạt động phi pháp trong vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế Việt Nam từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 7 năm 2014.

Nguồn: