Lam Sơn JOC đón dòng dầu đầu tiên từ mỏ Thăng Long- Đông Đô
01:40 SA @ Thứ Ba - 22 Tháng Bảy, 2014

Ngày 18/7 tại TP HCM, Công ty điều hành chung Lam Sơn (Lam Sơn JOC) đã làm lễ đón dòng dầu đầu tiên từ mỏ Thăng Long- Đông Đô và vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba do Đảng và Nhà nước trao tặng.

Ông Phùng Đắc Hải - Tổng Giám đốc Lam Sơn JOC phát biểu tại buổi lễ

Tham dự buổi lễ có ông Nguyễn Ngọc Điệp - Vụ trưởng Vụ Kinh tế ngành (Văn phòng Chính phủ); Ông Cao Quốc Hưng - Thứ trưởng Bộ Công thương; Đại diện lãnh đạo Nhà nước, các Bộ, ngành, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, các nhà thầu và các công ty dịch vụ kỹ thuật dầu khí của Petrovietnam như PTSC, PVD, Vietsovpetro, DMC, PVE..những đối tác quan trọng của Lam Sơn JOC.

Mỏ Thăng Long - Đông Đô được phát hiện tại lô 01/97 và 02/97 thuộc bể trầm tích Cửu Long, cách vùng biển Vũng Tàu 160 km về phía Đông, nơi có độ sâu nước biển xấp xỉ 70m. Diện tích vùng mỏ Thăng Long - Đông Đô là 115,81 km2 do Lam Sơn JOC làm chủ đầu tư và là nhà điều hành. Kế hoạch phát triển mỏ Thăng Long - Đông Đô bao gồm 2 giàn (WHP) và một kho nổi chứa, xử lý và xuất dầu (FPSO).

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng

Giàn Thăng Long và giàn Đông Đô do Công ty Cơ khí Hàng hải (PTSC MC), đơn vị thành viên của PTSC làm tổng thầu từ thiết kế, mua sắm, xây dựng (EPC) đến vận chuyển và lắp đặt giàn ngoài khơi (T&I). Đồng thời, PTSC còn là nhà cung cấp FPSO PTSC Lam Sơn cho dự án phát triển mỏ Thăng Long - Đông Đô.

Báo cáo của Lam Sơn JOC cho biết: Vào lúc 17 giờ 29 phút ngày 6/6/2014, mỏ Thăng Long - Đông Đô đón dòng dầu thương mại đầu tiên (First Oil) sau 11 năm Lam Sơn JOC tiến hành công tác tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ tại lô 01/97 và 02/97 thuộc bể trầm tích Cửu Long. Và dòng dầu đầu tiên đã về đến tàu FPSO PTSC Lam Sơn vào lúc 23 giờ 30 phút tối cùng ngày, khí đã đốt ở flare lúc 23 giờ 46 phút.

Ông Đỗ Văn Hậu - Tổng Giám đốc tập đoàn Dầu khí Việt Nam

Đây là sự kiện đánh dấu sự tiếp nối thành công về hợp tác đầu tư trong lĩnh vực dầu khí của các bên đối tác tham gia đề án gồm Tổng Công ty Thăm dò Khai thác dầu khí (50%) và công ty PC Vietnam Limited (50%). Công ty Điều hành chung Lam Sơn là doanh nghiệp thay mặt cho các bên đối tác điều hành và quản lý dự án.

Việc đưa mỏ Thăng Long và tiếp sau đó là mỏ Đông Đô vào khai thác ở thời điểm này có một ý nghĩa nhất định, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và đóng góp vào việc hoàn thành kế hoạch sản lượng khai thác dầu khí năm 2014 của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Với một chiến lược phát triển, xây dựng mỏ hợp lý, phù hợp với mô hình mỏ nhỏ và sự quản lý giám sát chặt chẽ toàn bộ các hạng mục công trình lớn của dự án từ giàn đầu giếng, hệ thống đường ống tàu chứa FPSO và khoan bảy giếng phát triển đã hoàn thành an toàn, có chất lượng và giá thành hạ. Đây là thành quả đáng tự hào của tập thể cán bộ công nhân viên công ty điều hành chung Lam Sơn, Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí, Công ty Petronas Việt Nam cùng các nhà thầu.

Phát biểu khai mạc chương trình, ông Phùng Đắc Hải - Tổng Giám đốc Lam Sơn JOC chia sẻ: “3830 ngày lao động và chờ đợi kể từ khi Hợp đồng dầu khí lô 01/97 và 02/97 được ký kết vào ngày 7/1/2003, ngày 6/6/2014 Lam Sơn JOC đã có được dòng dầu khai thác đầu tiên từ mỏ Thăng Long và sau đó một tháng là mỏ dầu thứ hai- Đông Đô. Đây là những ngày hạnh phúc nhất của những người đã và đang làm việc tại Công ty điều hành chung Lam Sơn!”.

Thay mặt Công ty điều hành chung Lam Sơn, Tổng Giám đốc Phùng Đắc Hải gửi lời cảm ơn sâu sắc đến sự giúp đỡ tận tình của lãnh đạo các bên PVEP và PCVL, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các chuyên gia, các nhà thầu …những người đã vất vả ngày đêm luôn sát cánh cùng Lam Sơn JOC.

Thay mặt Lãnh đạo Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng đã đánh giá rất cao những cố gắng của Lamson JOC, các nhà đầu tư Petronas (PCVL), PVEP và Petrovietnam đã đưa 2 mỏ Thăng Long và Đông Đô vào khai thác trong vòng một tháng với sản lượng khoảng 5.500 thùng/ngày, góp phần vào gia tăng sản lượng khai thác dầu thô năm 2014 của Ngành Dầu khí Việt Nam. Ông Hưng nói: "Việc Petrovietnam và các nhà thầu dầu khí đã phát triển mỏ nhỏ, cận biên như mỏ Thăng Long - Đông Đô là một hướng đi đúng đắn. Những yếu tố quyết định mang lại sự thành công của các dự án là do các nguyên nhân định hướng phát triển đúng, lựa chọn công nghệ phù hợp và tiết kiệm chi phí. Dự án được phát triển với đầu tư khoảng 668 triệu USD mà Lam Sơn JOC vừa hoàn thành với kinh phí thấp hơn tổng mức đầu tư được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là một điều đáng được ghi nhận và biểu dương. Bên cạnh đó, sự thành công đưa mỏ Thăng Long – Đông Đô vào khai thác có sự đóng góp rất lớn của các công ty dịch vụ kỹ thuật dầu khí của Petrovietnam như PTSC, PVD, Vietsovpetro, DMC, PVE ... Bộ Công thương luôn đánh giá cao việc các công ty này đã đảm nhận hầu hết các hợp đồng của dự án Thăng Long - Đông Đô với chất lượng đảm bảo và đúng tiến độ. Điều này đã khẳng định năng lực của các công ty dịch vụ kỹ thuật của Ngành dầu khí Việt Nam".

Trong bài phát biểu của mình, ông Đỗ Văn Hậu - Tổng Giám đốc tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết: "Trải qua một thời gian khá dài các nhà đầu tư PVEP và PCVL mới đi đến quyết định phát triển mỏ Thăng Long - Đông Đô theo phương án độc lập với 2 giàn đầu giếng và một tầu chứa xử lý dầu (FPSO), điều đó nói lên sự khó khăn và thách thức của dự án này. Với mỏ nhỏ, cận biên lại còn có dấu hiệu của đối tượng chứa phi truyền thống (vỉa dầu nặng chứa H2S) không cho phép có sai lầm trong lựa chọn công nghệ và quản lý điều hành dự án".

Báo cáo của ông Phùng Đắc Hải - Tổng Giám đốc Lam Sơn JOC và đại diện 2 nhà đầu tư cho thấy, dự án phát triển mỏ Thăng Long - Đông Đô được nghiên cứu chuẩn bị rất kỹ lưỡng trên cơ sở các luận chứng kinh tế kỹ thuật, trong quá trình triển khai được quản lý, điều hành tốt cùng với sự giám sát kiểm tra chặt chẽ của các nhà đầu tư cũng như của phòng ban chức năng PVN. Chính vì vậy, đến ngày hôm nay, khi công tác xây dựng mỏ về cơ bản đã hoàn thành nhưng không có sự cố lớn nào xảy ra và chi phí vẫn trong hạn mức phê duyệt. Ông Hải cho biết: "Bên cạnh tin vui đưa hai mỏ vào khai thác, trong khoảng một tuần nữa, Lam Sơn JOC sẽ bán mẻ dầu đầu tiên với giá trị ước tính khoảng 20 triệu USD".

Việc mỏ Thăng Long - Đông Đô được đưa vào khai thác có ý nghĩa quan trọng trong việc đóng góp cho sự phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh khó khăn như hiện nay. Trong giai đoạn có nhiều căng thẳng trên Biển Đông, mỏ Thăng Long - Đông Đô cũng có ý nghĩa rất lớn về mặt chính trị, góp phần khẳng định chủ quyền của Tổ quốc.

Ngay tại buổi lễ đón dòng dầu đầu tiên từ mỏ Thăng Long- Đông Đô, Công ty điều hành chung Lam Sơn đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba do Đảng và Nhà nước trao tặng vì những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước và sự phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam.

Nguồn: