Bất cập chính sách thuế với dầu thô khai thác từ mỏ Bạch Hổ tiêu thụ nội địa
02:16 SA @ Thứ Hai - 15 Tháng Chín, 2014

Từ trước năm 2012, dầu thô khai thác từ Bạch Hổ để bán cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được thực hiện thủ tục hải quan và quản lý như đối với hàng hóa XNK thông thường theo quy định tại Thông tư 98/2009/TT-BTC ngày 20-5-2009 của Bộ Tài chính. Có nghĩa là, bên bán làm thủ tục XK, kê khai thuế như hàng XK, bên mua làm thủ tục NK kê khai thuế NK thuế GTGT như hàng NK.

mỏ bạch hổ

Tuy nhiên, từ năm 2012 trở đi, theo Hiệp định giữa Việt Nam và Liên bang Nga năm 2010 (gọi tắt là Hiệp định năm 2010) và Thông tư 155/2011/TT-BTC ngày 11-11-2011, cơ quan Hải quan không làm thủ tục XNK đối với dầu thô Bạch Hổ (dầu thô khai thác từ lô 09-1). Dầu thô Bạch Hổ bán cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất chỉ phải chịu thuế Tiêu thụ đặc biệt theo Hiệp định năm 2010 và Thông tư 155/2011/TT-BTC, khi tiêu thụ dầu thô Bạch Hổ tại thị trường Việt Nam. Bên bán không phải kê khai, nộp thuế GTGT (bên mua dầu thô không phải thanh toán khoản thuế GTGT cho bên bán do hóa đơn không có thuế GTGT).

Vấn đề này đã phát sinh một số bất hợp lý như sau:

Thứ nhất: Thông tư 98/2009/TT-BTC ngày 20-5-2009 của Bộ Tài chính đến nay vẫn chưa hết hiệu lực, vẫn chưa bị bất kỳ văn bản nào bãi bỏ hoặc thay thế. Như vậy, Thông tư 98/2009/TT-BTC còn hiệu lực.

Thứ hai: Hiệp định năm 2010 và Thông tư 155/2011/TT-BTC không điều chỉnh đối với người mua dầu thô Bạch Hổ trong nước, không bãi bỏ Thông tư 98/2009/TT-BTC. Do đó, căn cứ quy định tại Điều 82 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì các quy định về XK tại Thông tư 98/2009/TT-BTC sẽ hết hiệu lực do trái với thỏa thuận giữa Việt Nam - Nga theo Hiệp định năm 2010. Đối với các quy định về NK tại Thông tư 98/2009/TT-BTC vẫn tiếp tục còn hiệu lực.

Thứ ba: Tạo sự bất bình đẳng trong hoạt động thương mại trong nước nếu tiếp tục thực hiện như hiện nay khi DN tiêu thụ dầu thô Bạch Hổ so với tiêu thụ dầu thô của các mỏ khác trong nước. Cụ thể: DN mua dầu thô Bạch Hổ chỉ thanh toán tiền hàng mà không phải thanh toán khoản tiền thuế GTGT đầu vào (vì hóa đơn bán hàng không có phần thuế GTGT) như khi mua dầu thô từ các mỏ khác trong nước vì phải thanh toán vừa tiền hàng vừa khoản thuế GTGT 10%.

Ví dụ: Giả sử một lô dầu thô trị giá khoảng 1.500 tỷ đồng. Khi mua dầu thô Bạch Hổ thì DN chỉ phải thanh toán đúng 1.500 tỷ đồng, còn nếu DN mua dầu thô từ mỏ khác trong nước thì sẽ phải thanh toán 1.650 tỷ đồng (1.500 tỷ đồng cộng thêm 10% thuế GTGT, tức thêm 150 tỷ tiền thuế GTGT của lô hàng). Rõ ràng khi mua dầu thô Bạch Hổ, DN được lợi rất nhiều khi không phải thanh toán 150 tỷ đồng thuế GTGT này. Việc nộp 150 tỷ đồng thuế GTGT chỉ được thực hiện tại cơ quan thuế đến khi DN bán sản phẩm đầu ra theo chu kỳ sản xuất của doanh nghiệp. Giả sử chu kỳ sản xuất này là 30 ngày và 150 tỷ đồng này được tính theo lãi suất ngân hàng hiện nay là 8%/năm thì mỗi ngày DN sẽ được lợi hơn 33 triệu đồng nếu so sánh với việc DN tiêu thụ dầu thô khai thác từ các mỏ khác trong nước.

Để đảm bảo công bằng hoạt động thương mại trong nước giữa tiêu thụ dầu thô Bạch Hổ và các loại dầu thô khác trong nước, đồng thời không trái với các thỏa thuận tại Hiệp định năm 2010 giữa Việt Nam - Nga, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan cần sớm có chỉ đạo để giải quyết các bất hợp lý nêu trên.

Nguồn: