Bà Nguyễn Thanh Phượng: Chúng tôi hy vọng sở hữu 49% cổ phần BSR
02:45 SA @ Thứ Năm - 18 Tháng Giêng, 2018

Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), đơn vị trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và hiện đang vận hành NMLD Dung Quất, vừa tổ chức thành công phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng.

Theo công bố của BSR, phiên đấu giá lần này có sự tham dự của rất nhiều nhà đầu tư tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước. Cụ thể, có tổng số 4.079 nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá cổ phần của BSR, trong đó có 3.957 nhà đầu tư cá nhân trong nước, 7 nhà đầu tư cá nhân nước ngoài, 48 nhà đầu tư tổ chức trong nước và 67 nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.

Toàn bộ 241.556.969 cổ phần (tương đương 7,79% cổ phần BSR) đã được đấu giá thành công, mức giá trung bình là 23.043 đồng/cổ phần. Dự kiến, Nhà nước thu về hơn 5.566 tỷ đồng sau đợt IPO này của Công ty BSR.

Sau đợt đấu giá này, BSR sẽ bán tiếp cho nhà đầu tư chiến lược 49% cổ phần (bao gồm cả nhà đầu tư trong và ngoài nước). Nhà nước sẽ chỉ nắm giữ 43% cổ phần tại BSR. Thông tin bán 49% cổ phần BSR cho nhà đầu tư chiến lược đã lập tức thu hút rất nhiều nhà đầu tư tổ chức “có máu mặt”.

Tại buổi roadshow giới thiệu cổ phiếu BSR ở Hà Nội vừa qua, ông Darrell Ec, đại diện Tập đoàn Vitol cho biết, rất mong muốn được hợp tác với BSR, cũng như được trở thành nhà đầu tư chiến lược của BSR khi công ty cổ phần hóa, việc trở thành nhà đầu tư chiến lược của BSR là cơ hội rất tốt để Vitol tham gia vào thị trường xăng dầu Việt Nam.

Đáng chú ý, Tập đoàn năng lượng SNT của Hoa Kỳ cũng có thể sẽ trở thành đối tác chiến lược của BSR. Bà Nguyễn Thanh Phượng, Giám đốc khu vực châu Á và Việt Nam của Tập đoàn SNT nhận định: “Với hoạt động kinh doanh khả quan hiện nay và tiềm năng phát triển mạnh của BSR trong những năm tới, chúng tôi đánh giá đây là cơ hội đầu tư rất tốt và hi vọng trở thành đối tác chiến lược của BSR với khả năng sở hữu đến 49% cổ phần”.

\

Bà Nguyễn Thanh Phượng, Giám đốc khu vực châu Á và Việt Nam của Tập đoàn SNT. Ảnh: ĐTCK.

Bà Nguyễn Thanh Phượng cũng hé lộ mục tiêu tiếp theo nếu Tập đoàn SNT trở thành đối tác chiến lược của BSR gồm: Nâng cấp mở rộng nhà máy, mở rộng khu bồn chứa dầu thô, bồn chứa các sản phẩm lọc hóa dầu, xây dựng kho ngoại quan và bồn chứa để tham gia phương án cho thuê kho chứa về dầu phục vụ các đối tác tạm nhập tái xuất; bao tiêu các sản phẩm do BSR sản xuất.

Ngoài Vitol và SNT, Tập đoàn Macron Petroleum (châu Phi), Tập đoàn Năng lượng Repsol (Tây Ban Nha) cũng quan tâm và mong muốn trở thành cổ đông chiến lược của BSR. Cụ thể, Repsol mong muốn không chỉ sở hữu cổ phần tại BSR mà còn tham gia sâu hơn vào công tác quản trị, điều hành, thương mại, mua bán dầu thô của NMLD Dung Quất.

Được biết, Tập đoàn Xăng dầu Petrolimex cũng mong muốn trở thành đối tác chiến lược thông qua việc mua cổ phần của BSR, và ưu tiên tiêu thụ tối đa sản phẩm xăng dầu của NMLD Dung Quất.

Nguồn: