Nga lấy lòng các nước nhỏ bằng đường ống khí đốt mới
02:09 SA @ Thứ Ba - 03 Tháng Ba, 2015

Dự án xây dựng tuyến đường ống Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là một đòn bẩy lợi thế của Nga trước phương Tây, góp phần giúp nước này tranh thủ sự ủng hộ của một số nước ở nam châu Âu.

gas-to-eu-final-xong-4377-1421-2235-8833

Các đường ống chuyển khí đốt đến châu Âu của Nga. Đồ họa: RT

Đầu tháng 12 năm ngoái, Nga tuyên bố hủy bỏ dự án xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Nam, trị giá gần 40 tỷ USD, đi xuyên Biển Đen và qua Bulgaria. Thay vào đó, Mosccow chuyển hướng sang hợp tác với các nhóm đồng minh nhỏ bé hơn, bắt tay đặt nền móng xây dựng tuyến đường ống mới, tạm gọi là Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo Reuters, đường ống này dự kiến dài 180 km, có khả năng vận chuyển tối đa 63 tỷ mét khối khí mỗi năm, đi qua một loạt quốc gia châu Âu như Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Macedonia, Serbia rồi đổ vào Hungary. Nếu thành công, dự án sẽ góp phần giúp Moscow duy trì một đòn bẩy lợi thế trước phương Tây.

Thế độc quyền

Hầu hết lượng khí đốt thiên nhiên mà vùng đông nam châu Âu đang sử dụng đều do Nga cung cấp dựa vào hệ thống đường ống qua Ukraine. Nhưng căng thẳng giữa Kiev và Moscow, bắt nguồn từ việc Crimea sáp nhập vào Nga và các cáo buộc của phương Tây cho rằng Kremlin hậu thuẫn phe ly khai miền đông Ukraine, khiến tuyến cung cấp quan trọng này trở nên dễ bị gián đoạn.

Nga từng ngừng bơm khi đốt tới Ukraine ba lần trong một thập kỷ, vào các năm 2006, 2009 và 2014. Hành động này phát sinh từ những bất đồng về giá cả. Tuy nhiên, các học giả châu Âu cho rằng thực chất Moscow muốn sử dụng át chủ bài năng lượng như một vũ khí để thu về lợi thế địa chính trị.

Hôm 24/2, Tập đoàn Khí đốt Quốc gia Nga Gazprom tiếp tục dọa sẽ cắt nguồn cung cấp tới Ukraine nếu Kiev không trả trước tiền khí đốt cho tháng ba. Công ty này cũng cảnh báo tuyến vận chuyển khí đốt tới châu Âu đang trong tình thế nguy hiểm. Thực tế, 1/3 lượng dầu mỏ, khí đốt mà EU sử dụng đều nhập từ Nga.

EU đang áp đặt nhiều lệnh trừng phạt nối tiếp lên Moscow. Tuy nhiên, khối này phải đối mặt với không ít thử thách trong việc thuyết phục 28 quốc gia thành viên gia tăng áp lực lên Nga. Nhiệm vụ càng trở nên khó khăn khi Tổng thống Vladimir Putin gần đây tích cực tranh thủ sự ủng hộ của một số thành viên EU, ví dụ như Hungary, bằng những hợp đồng khí đốt hấp dẫn.

Mỹ và EU đều đồng tình cho rằng việc cần làm nhất hiện tại là đa dạng hóa nguồn cung bằng cách liên kết chặt chẽ hơn với mạng lưới các láng giếng của EU hay nhập khí gas hóa lỏng từ Qatar.

Những giải pháp này sẽ đe dọa vị thế độc quyền của Nga đối với vùng đông nam châu Âu. Vì thế, Điện Kremlin phải cố gắng tìm mọi cách để vận chuyển khí đốt tới khu vực nhưng không cắt qua Ukraine nhằm bảo toàn lợi thế độc quyền. Tuyến Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ là một phần của nỗ lực đó.

"Nga chưa từ bỏ kế hoạch duy trì thế độc quyền về khí đốt", Reuters dẫn lời ông Michael Labelle, chuyên gia về dầu khí tại Đại học Trung Âu, Budapest, nhận định.

Tuyến đường ống giao hảo

ghep-8689-1423188580-8140-1424949552.jpg
Ông Putin ký vào một đường ống khí đốt Nga. Ảnh: Politico

Theo Reuters, trong khi các nước như Anh, Pháp, Đức quay lưng với Nga, Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phần nào giúp Moscow củng cố mối giao hảo với một số nước châu Âu khác.

Nếu trở thành hiện thực, hệ thống đường ống mới sẽ " tạo cơ hội lớn cho Thổ Nhĩ Kỳ trong việc hiện thực hóa mục tiêu trở thành một trung tâm năng lượng trong khu vực", ông Sinan Ulgen từ Viện Cernegie, Brussels, nhận xét. Thổ Nhĩ Kỳ từ đó có thể "tổng hợp nhiều nguồn khí đốt tự nhiên khác nhau, trao đổi và xuất khẩu chúng sang châu Âu với các điều kiện của riêng mình", ông nói thêm. Chính vì những lợi thế tiềm năng này, việc Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng bênh vực và ủng hộ Nga là dễ hiểu.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cho hay nước này sẵn sàng thảo luận về phương án luân chuyển khí đốt của Nga tới đông nam châu Âu. "Lưu lượng cũng như nhu cầu chi tiết cần được thảo luận kỹ càng hơn", ông nói trong cuộc họp báo tại Budapest.

Tuyến đường ống Nabcco - phương Tây và Dòng chảy phương Nam giúp luân chuyển khí đốt từ Nga sang Hungary đã không thể thành hiện thực. Việc Nga định ngừng bơm khí đốt sang châu Âu thông qua Ukraine trong những năm tới khiến Hungary không khỏi lo lắng trong việc tìm cách giải quyết vấn đề về nguồn cung khí đốt. Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là cách giúp nước này tháo gỡ rắc rối trên.

Hungary vừa trở thành thành viên EU đầu tiên ông Putin tới thăm trong 6 tháng trở lại đây. Nhân cơ hội này, Thủ tướng Viktor Orban gửi thông điệp tới các nước châu Âu rằng suy nghĩ có thể tự lực cánh sinh mà không cần Nga chẳng khác gì "đuổi theo những bóng ma".

"Hungary đang theo đuổi một chính sách chủ động để có thể tiếp nhận dòng khí đốt chuyển tới từ Thổ Nhĩ Kỳ" Ông Orban nói sau cuộc gặp mặt với Thủ tướng Davutoglu.

Sự khoa trương?

Đến nay vẫn còn khá nhiều mối nghi hoặc xung quanh tính khả thi của dự án. Nga sẽ phải rất vất vả để có thể huy động đủ tiền đầu tư cho công trình khi không thể tiếp cận với nguồn vốn từ phương Tây bởi áp lực của các lệnh trừng phạt.

Bên cạnh đó, tình hình tài chính của những quốc gia mà tuyến đường ống đi qua cũng không khả quan. Trưởng ban phụ trách vấn đề năng lượng của EU từng nhận định dự án của Moscow thật sự là một sai lầm, xét trên khía cạnh kinh tế. Mặt khác, nó cũng vi phạm một số hợp đồng ràng buộc về pháp lý.

"Hiện tại, dự án đó không khác gì một câu chuyện cổ tích", Attila Holoda, giám đốc điều hành công ty tư vấn năng lượng Aurora Energy Kft, trụ sở ở Hungary, nhận xét. Ông này cho rằng đề xuất mà Nga đưa ra chỉ là một sự "khoa trương".

Tuy nhiên, miễn là dự án còn triển vọng trở thành hiện thực, nó vẫn có khả năng gây cản trở đối với các đối thủ khi tạo ra một môi trường nhiễu loạn khiến các nhà đầu tư cẩn trọng và dè dặt hơn.

22STREAMjp-articleLarge-1327-1425031599.

Đường ống dùng trong dự án Dòng chảy phương Nam đã bị hủy bỏ của Nga. Ảnh: Reuters

Bên cạnh đó, trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây ngày càng gay gắt bởi xung đột ở đông Ukraine, đường ống mới sẽ là tác nhân gây bất đồng ý kiến trong nội bộ các nước châu Âu quanh việc có nên tiếp tục phụ thuộc về năng lượng vào Nga hay không.

Nguồn: