Hội đồng Bảo an gia hạn cấm xuất khẩu dầu mỏ trái phép từ Libya
02:15 SA @ Thứ Năm - 13 Tháng Hai, 2020

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết 2509 gia hạn cấm xuất khẩu dầu mỏ trái phép từ Libya, bao gồm dầu thô và các sản phẩm dầu, cho đến ngày 30/4/2021.

Hoi dong Bao an gia han cam xuat khau dau mo trai phep tu Libya hinh anh 1

Một cơ sở lọc dầu tại thị trấn al-Buraqah, Libya. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 11/2, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết 2509 gia hạn cấm xuất khẩu dầu mỏ trái phép từ Libya, bao gồm dầu thô và các sản phẩm dầu, cho đến ngày 30/4/2021.

Lệnh cấm hiện hành sẽ hết hiệu lực vào ngày 15/2 tới.

Nghị quyết trên được 14/15 thành viên của Hội đồng Bảo an ủng hộ. Riêng Nga bỏ phiếu trắng.

Nghị quyết cũng gia hạn nhiệm kỳ của Hội đồng chuyên gia hỗ trợ Ủy ban trừng phạt Libya của Hội đồng Bảo an đến ngày 15/5/2021, theo đó hội đồng này sẽ trình Hội đồng Bảo an một báo cáo sơ bộ về công tác của hội đồng trước ngày 15/9 tới và trình báo cáo chính thức, bao gồm những phát hiện và khuyến nghị, trước ngày 15/3/2021.

Nghị quyết 2509 cũng kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc tuân thủ đầy đủ lệnh cấm vận vũ khí, lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản, cũng như không can thiệp hoặc thực hiện các biện pháp làm trầm trọng thêm cuộc xung đột hiện nay ở Libya.

Hội đồng Bảo an thông báo ngày 12/2 sẽ tiến hành bỏ phiếu về nghị quyết thúc đẩy ngừng bắn ở Libya. Nếu được thông qua, nghị quyết do Anh soạn thảo này sẽ là văn bản mang tính pháp lý đầu tiên của Hội đồng Bảo an đối với vấn đề Libya kể từ khi giao tranh bùng phát ở quốc gia Bắc Phi này hồi tháng 4 năm ngoái.

Nghị quyết trên khẳng định các bên xung đột tại Libya, gồm chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA) và Quân đội miền Đông (LNA) phải nhanh chóng ký kết một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài, vô điều kiện.

Nghị quyết cũng đề cập việc mời Liên minh châu Phi (AU), Liên đoàn Arab (AL) và Liên minh châu Âu (EU) giám sát việc thực thi thoả thuận ngừng bắn.

Libya rơi vào tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi.

Hiện ở nước này tồn tại hai chính quyền với lực lượng vũ trang riêng. GNA hoạt động ở thủ đô Tripoli được Liên hợp quốc công nhận và được Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar ủng hộ, trong khi lực lượng LNA ở miền Đông Libya được Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) hỗ trợ, đồng thời nhận được sự ủng hộ chính trị từ Mỹ, Nga và Pháp.

Bạo lực gia tăng kể từ tháng 4/2019 khi LNA bắt đầu các cuộc tấn công vào thủ đô Tripoli. LNA đã kiểm soát nhiều khu vực của Libya, trong khi GNA chỉ kiểm soát một phần nhỏ của đất nước.

Cuối tháng 1 vừa qua, một hội nghị quốc tế về Libya đã được tổ chức tại thủ đô Berlin của Đức với sự tham gia của các bên liên quan xung đột, đại diện của các cường quốc cũng như các nước trong khu vực.

Hội nghị đã nhất trí tìm kiếm một giải pháp chính trị nhằm chấm dứt khủng hoảng tại Libya, kêu gọi các nước bên ngoài chấm dứt can thiệp, cũng như tôn trọng lệnh cấm vận vũ khí mà Liên hợp quốc đã áp đặt với Libya./.

Nguồn: