Giá dầu diễn biến trái chiều trong phiên đầu tiên của tháng Sáu
01:51 SA @ Thứ Ba - 02 Tháng Sáu, 2020

Thị trường dầu mỏ thế giới khá ổn định trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng Sáu.

Giá dầu biến động trái chiều. Ảnh minh họa: TTXVN

Giá dầu thế giới tăng giảm trái chiều trong phiên giao dịch đầu tuần (1/6), giữa bối cảnh căng thẳng leo thang trong quan hệ Mỹ-Trung đè nặng lên tâm lý của giới đầu tư, song báo cáo về việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Nga gần tiến tới một thỏa thuận mở rộng chương trình cắt giảm sản lượng đã hỗ trợ cho giá “vàng đen”.

Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 7/2020 giảm 5 xu Mỹ (0,1%), xuống 35,44 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 8/2020 tăng nhẹ 48 xu Mỹ (1,3%), lên 38,32 USD/thùng.

Thị trường nhận được sự hậu thuẫn đáng kể từ thông tin cho hay các thành viên OPEC cùng các nhà sản xuất liên minh bao gồm cả Nga, còn gọi là OPEC+, đang tiến tới sự đồng thuận về việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng hiện nay thêm 1-2 tháng. Thông tin này được đưa ra ngay trước thềm cuộc họp của OPEC+, có thể diễn ra vào ngày 4/6, thay vì dự kiến trước đó vào ngày 9-10/6.

Sự kết hợp giữa việc cắt giảm sản lượng trên thế giới và sự lạc quan về triển vọng tiêu thụ năng lượng đã giúp thúc đẩy giá dầu thô từ mức đáy, khi các quốc gia triển khai các biện pháp phong tỏa xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19.

Dự trữ dầu tại trung tâm Cushing, Oklahoma (Mỹ) đã giảm 54,3 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 29/5.

Tuy nhiên, nhà đầu tư tiếp tục theo dõi diễn biến liên quan căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Bloomberg News ngày 1/6 đưa tin Bắc Kinh đã yêu cầu các công ty quốc doanh của nước này tạm ngừng nhập khẩu đậu nành và thịt lợn của Mỹ. Động thái này được đưa ra sau khi Washington tuyên bố sẽ loại bỏ một số chính sách ưu đãi riêng đối với khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) nhằm đáp trả việc Bắc Kinh thông qua luật an ninh đối với đặc khu hành chính này, qua đó làm gia tăng nguy cơ leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Điều này có thể tạo thêm áp lực lên giá dầu.

Thêm vào đó, mối quan tâm về triển vọng kinh tế và sự phục hồi nhu cầu nhiên liệu cũng đè nặng lên giá dầu trong phiên này./.

Nguồn: