Đề phòng Thụy Điển, Nga đưa quân bảo vệ 'vàng đen' ở Bắc Cực
02:05 SA @ Thứ Năm - 23 Tháng Mười, 2014

Ngay lúc hải quân Thụy Điển truy tìm “tàu ngầm lạ” nghi của Nga xâm nhập lãnh hải nước mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh đưa quân đi bảo vệ “vàng đen”, tức các mỏ dầu mà Nga tuyên bố chủ quyền ở Bắc Cực.

Quân đội Nga ở Bắc CựcQuân đội Nga ở Bắc Cực

Ông Putin không muốn để hàng xóm Bắc Âu sử dụng quân sự để đe dọa những mỏ dầu do Nga phát hiện, nên ông ra lệnh triển khai quân và các “lính gác” người máy đến Bắc Cực.

Reuters đưa tin Bộ quốc phòng Nga nói các đơn vị quân Nga sẽ bảo vệ toàn bộ vùng biên giới Bắc Cực, từ Murmansk đến Chukotka trong năm 2014.

Hãng tin RIA-Novosti (Nga) nói các căn cứ quân sự thời Liên Xô đã tái hoạt động, như một phản ứng trước việc NATO lại quan tâm Bắc Cực. Theo chính quyền Nga, căn cứ không quân Novaya Zemlya nay có thể chứa chiến đấu cơ và Hạm đội Biển Bắc của hải quân Nga có căn cứ ở gần Murmansk, phía tây vùng lãnh thổ Bắc Cực rộng lớn của Nga.

Hạm đội này đang được củng cố bằng lực lượng tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Yasen hiện đại nhất của Nga.

Chiếc Yasen đầu tiên có tên là Severodvinsk đã chính thức gia nhập Hạm đội Biển Bắc vào tháng 6.2014.

Một cơ số quân cũng sẽ được lập, gồm 2 lữ đoàn (tổng cộng 6.000 lính) ở vùng Murmansk rồi vùng tự trị Yamal-Nenets.
Radar và hệ thống tên lửa điều khiển phóng từ trên bộ cũng sẽ được đặt tại vùng Novaya Zemlya, trong khi Cục an ninh liên bang Nga dự tính tăng số quân biên phòng ở vùng biên giới Nga ở Bắc Cực.

Hãng tin Interfax (Nga) còn cho biết các đơn vị “quân nhân người máy” được triển khai để bảo vệ các cơ sở hạ tầng dầu khí Nga ở Bắc Cực vốn có môi trường khắc nghiệt.
Trong cuộc tập trận Vostok 2014 (lớn nhất từ khi Liên Xô sụp đổ), quân Nga cũng rèn luyện kỹ năng chiến đấu tại Bắc Cực, sử dụng các hệ thống tên lửa Pantsir-S và Iskander-M.
Ngày 8.9, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga, đại tá Alexander Gordeyev tuyên bố quân đội Nga bắt đầu xây dựng các căn cứ quân sự mới tại Bắc Cực, nhằm khôi phục sự hiện diện của Nga ở vùng tranh chấp và giàu tài nguyên này.

“Trên đảo Wrangel và mũi Schmidt, những khối bê tông đã được dỡ khỏi tàu để xây dựng các tiền đồn quân sự”, theo đại tá Gordeyev.

Đây sẽ là những cơ sở quân sự đầu tiên được hình thành kể từ khi Liên Xô từ bỏ các điểm đóng quân tại khu vực vào cuối giai đoạn Chiến tranh Lạnh.

Đặc biệt, mũi Schmidt từng là căn cứ của các máy bay ném bom chiến lược tầm xa thời Liên Xô, là nơi có vị trí địa lý gần nhất trong trường hợp cần tấn công phủ đầu Mỹ.

RIA-Novosti cho biết hai tổ hợp căn cứ trên đảo Wrangel và Cape Schmidt sẽ gồm các khu vực cư trú, buôn bán, hành chính và giải trí. Tháng 7.2014, Nga cho biết sẽ thành lập 6 tổ hợp như vậy khắp Bắc Cực.

Các động thái này làm sống lại bầu khí Chiến tranh Lạnh, khi Bắc Cực là trung tâm thu hút sự chú ý của Mỹ và NATO, vì họ cho rằng đó sẽ là bệ phóng để Nga phát động các cuộc tấn công hạt nhân.

Tàu ngầm của hải quân Nga ở Bắc Cực

Từ nhiều năm nay, Nga luôn muốn quân sự hóa vùng Bắc Cực. Nó là một phần của chiến lược lớn nhằm khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên dầu mỏ và các tuyến đường biển vận chuyển hàng hóa gần hơn.
Nga, Mỹ Canada, Đan Mạch và Na Uy đang cạnh tranh nhau để kiểm soát lượng dầu mỏ, khí đốt và kim loại quý ở Bắc Cực.

Báo Guardian (Anh) so sánh nguồn hydrocarbon ở Bắc Cực là “Trung Đông thứ hai” với nguồn dự trữ dầu chiếm 17% và khí chiếm 30% trong tổng nguồn dự trữ toàn cầu.

Nhưng điều kiện thời tiết cực khắc nghiệt, cùng những án cấm vận chống Nga đang kiến nhiều dự án của Nga bị treo. Hiện Nga chỉ khai thác không quá 6,6 triệu tấn dầu thô/năm ở Bắc Cực, so với “4,5 triệu tấn để thất thoát trên toàn Nga do đường ống dẫn dầu bị thủng, xì”, theo tổ chức Hòa Bình Xanh (Greenpeace).

Hoạt động khai thác dầu khí ở Bắc Cực vấp phải sự phản đối kịch liệt từ các nhà bảo vệ môi trường. Họ cho rằng chúng không có lợi và gây nguy hiểm cho hệ sinh thái mong manh của Bắc Cực, với những công nghệ không đảm bảo an toàn cho môi trường trong điều kiệm giá lạnh và khiến đội cao chi phí mỗi thùng dầu lấy từ Bắc Cực.
Hiện 2 công ty khai thác Gazprom và Rosneft của chính phủ Nga đang nắm độc quyền thăm dò và khai thác dầu khí ở Bắc Cực, bắt đầu sản xuất từ năm 2011.

Nga cực kỳ xem trọng việc kiểm soát nguồn dự trữ này, bất kỳ quốc gia Bắc Âu nào cũng muốn tìm quyền lực kinh tế và chính trị ở Bắc Cực trong tương lai, khi nguồn năng lượng ở Trung Đông tiếp tục cạn kiệt dần.

Thực tế là trong 40 năm qua, Mỹ và đặc biệt Saudi Arabia kiểm soát một phần lớn chính sách kinh tế thế giới thông qua thỏa thuận dầu mỏ-đô-la của họ, cùng Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) thống trị sản lượng dầu mỏ.

Nhưng khi thế giới đang muốn cách xa khỏi đồng USD và Trung Đông bắt đầu giảm sản lượng, thì nước nào có thể kiểm soát biên giới năng lượng kế tiếp sẽ có quyền chỉ huy các chính sách kinh tế mới, tức là cũng nắm ưu thế chính trị.

Từ năm 2007, Nga đã cắm cờ (trong một capsule bằng titanium) ở độ sâu 4.200m dưới Bắc Cực để khẳng định chủ quyền. Hồi đầu tháng 10, hãng tin RIA-Novosti còn đưa tin phi công Nga phát hiện một đảo nhỏ và đặt tên là Yaya. Nó chỉ nổi 1m so với mặt biển và chỉ rộng 500m2.

Sau đó, tàu nghiên cứu Đô đốc Vladimirsky xác nhận sự hiện hữu của Yaya và đảo này sẽ sớm được vẽ trên bản đồ lãnh thổ Nga, theo RIA-Novosti.

Đó là một loạt nỗ lực bảo vệ quyền lợi ở vùng Bắc Cực băng giá của Nga và Nga phải tăng cường quân sự khi có đến 4 láng giềng Na Uy, Đan Mạch, Mỹ và Canada dòm ngó Bắc Cực. Các động thái của Nga đã làm các quốc gia trong Hội đồng Bắc cực, các nước có chung đường biên giới ở Bắc Cực, cảm thấy lo ngại. Cuối tháng 8.2014, Ngoại trưởng Canada John Baird đã nâng mức báo động vì những hoạt động quân sự của Nga trong khu vực.

Ông chỉ trích Nga khôi phục các căn cứ quân sự từ thời Liên Xô tại Bắc Cực. Ông nói trên báo Berlingske (Đan Mạch) rằng, Ottawa đã "quyết tâm thúc đẩy và bảo vệ chủ quyền của Canada ở Bắc Cực" khi đối mặt với mối đe dọa từ Nga.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã bác bỏ cáo buộc Baird là "vô lý". Tổng thống Putin sau đó đã nói rằng Nga quyết tâm bảo vệ lợi ích của mình ở Bắc Cực, nhưng sẽ chỉ làm những điều phù hợp với luật pháp quốc tế.

"Nhiều người lo ngại về các nỗ lực của chúng tôi (ở Bắc Cực), đe dọa họ. Chúng tôi đã nói nhiều lần rằng chúng tôi sẽ chỉ hành động trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, như chúng tôi đã luôn luôn thực hiện và tương lai cũng vậy", ông Putin nói.

Theo RIA- Novosti, Nga hy vọng sẽ khôi phục lại toàn bộ các căn cứ quân sự của Liên Xô ở Bắc Cực vào năm 2015.

Nguồn: