Đằng sau siêu dự án Yamal của Nga ở Bắc Cực
02:13 SA @ Thứ Ba - 21 Tháng Tư, 2015

Giới phân tích cho rằng, việc Nga rốt ráo triển khai dự án khí đốt khổng lồ Yamal ở Bắc Cực là nhằm tránh bị rơi vào tình trạng bị “đóng băng” do khủng hoảng Ukraine.

Trải rộng trên vùng đất trắng lạnh lẽo ở Bắc Cực, siêu dự án năng lượng đầy tham vọng của Nga - Yamal với trị giá 27 tỷ USD - đang thách thức cả nhiệt độ khắc nghiệt và cả những tác động từ cuộc khủng hoảng Ukraine.

Khu Yamal - liên doanh của Tập đoàn Novatek của Nga với Total của Pháp và CNPC của Trung Quốc – là một trong những dự án khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới – vốn kết nối cả Châu Á và Châu Âu. Cách đây không lâu, khu vực này chỉ là “khu vực không có gì” như lời Dmitry Fonin, người đang dẫn dắt dự án xây dựng Yamal LNG nhận xét. Nhưng 2 năm sau đó là quá trình phát triển hoàn hảo khi có khoảng 9.000 công nhân nỗ lực làm việc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt để Yamal có thể đi vào hoạt động vào năm 2017, sản xuất khoảng 16,5 triệu tấn LNG mỗi năm.


Dự án Yamal của Nga ở Bắc Cực. Ảnh: AFP

Tham vọng Đông-Tây

Những kế hoạch cho dự án Yamal LNG trở lại khoảng 10 năm nay, rất lâu trước khi bùng nổ bế tắc Nga với phương Tây về vấn đề Ukraine và các chế tài trừng phạt mà Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) áp đặt nhằm vào Moscow.

Điện Kremlin hy vọng, vị thế của Yamal sẽ cho phép họ đa dạng hóa xuất khẩu năng lượng và vận chuyển đến thị trường Châu Âu và Châu Á, thông qua các tuyến đường phía bắc, tuyến đường ngắn nhất kết nối Nga và Châu Á-Thái Bình Dương. Mặc dù không bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt của phương Tây - Total và CNPC vẫn còn nắm giữ 20% cổ phần - nhưng siêu dự án này vẫn bị ảnh hưởng theo những cách khác. Giữa tháng 7-2014, Novatek bị đưa vào danh sách đen của Bộ Tài chính Mỹ. Và mặc dù không trực tiếp bị xử phạt, các biện pháp trừng phạt từ phương Tây khiến giới đầu tư do dự khi đổ tiền vào Yamal. Dự án vẫn cần 18 tỷ USD đầu tư và vấn đề kinh phí càng trở nên cấp bách hơn khi giá dầu giảm.

“Các ngân hàng cần thời gian để đảm bảo, họ không vi phạm lệnh trừng phạt, và tự hỏi liệu phương Tây có thắt chặt các biện pháp trừng phạt hay không”, một chuyên gia nhận định.

Những hợp đồng đã được ký kết

Bất chấp những thách thức hiện tại, các ông trùm năng lượng vẫn lạc quan về dự án Yamal.

“Chúng tôi có thể cung cấp năng lượng lớn cho các thị trường Châu Âu và các thị trường Châu Á”, Tổng giám đốc Total Patrick Pouyanne cho biết đồng thời mô tả Yamal như “bệ phóng cho sự tăng trưởng” ở Nga. Cam kết của Total với Nga, từ người tiền nhiệm của ông Pouyanne, cố Tổng giám đốc Christophe de Margerie, đang ngày càng được củng cố và phát triển. Hiện nay, tất cả các bên khẳng định tính khả thi của dự án này. “Chúng tôi ký hợp đồng cho gần 100% khí hóa lỏng. Dĩ nhiên khối lượng lớn sẽ đi vào khu vực Châu Á-Thái Bình Dương”, lãnh đạo Novatek Leonid Mikhelson cho biết. Đối với Nga, các nhà phân tích nói rằng, dự án Yamal là tối quan trọng, khi Moscow cần phải bắt đầu khai thác các lĩnh vực mới.

Tất nhiên, dự án này có thể sẽ phải đối mặt với sự chậm trễ đáng kể, do chi phí cao, địa chính trị và biện pháp trừng phạt tài chính. Nhưng cuối cùng Yamal sẽ là tiêu điểm trong nền kinh tế phát triển của Nga vào thập kỷ tiếp theo.

Nguồn: