Cuộc khủng hoảng khai thác dầu của Venezuela
02:23 SA @ Thứ Ba - 23 Tháng Tám, 2016

Venezuela đang khép lại năm 2016 với lượng dầu sản xuất giảm ở mức thấp nhất kể từ cuộc tổng đình công cách đây 14 năm gây tổn thương cho ngành công nghiệp xương sống của quốc gia Nam Mỹ này.

Mặc dù có thể còn có những nguyên nhân sâu xa, nhưng việc trì hoãn đầu tư kéo dài, chậm thanh toán cho các nhà cung cấp cộng với sự quản lý yếu kém của Tập đoàn Dầu khí Nhà nước Venezuela (PDVSA) đang bị xem là những lý do chính gây ra hậu quả một chu kỳ giá dầu thấp kéo dài. Trong suốt 7 năm qua, sản xuất dầu của Venezuela suy giảm một cách nghiêm trọng, và còn giảm sút rõ rệt hơn trong năm nay. Lượng dầu sản xuất trong tháng 6/2016 chỉ đạt khoảng 2,3 triệu thùng/ngày, đánh dấu mức giảm 9%/năm, trong khi đó các thành viên khác của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) thông báo tăng trung bình 4%.


Công nhân làm việc trên giàn khoan Aban Pearl của PDVSA năm 2010. Ảnh: AFP/TTXVN

Ông Eulogio Del Pino - Bộ trưởng Dầu khí Venezuela đồng thời là Chủ tịch PDVSA - tháng trước cho biết: Trong năm nay, khai thác dầu trong nước giảm 220.000 thùng/ngày, khoảng 8%/năm. Ông Del Pino cho biết việc cắt điện và các vấn đề liên quan tới chế biến dầu thô siêu nặng tại Dải Orinoco cũng là nguyên nhân ảnh hưởng tới việc khai thác dầu mỏ, khiến Venezuela phải nhập khẩu 95.000 thùng dung môi mỗi ngày trong thời điểm đất nước dầu mỏ này gần như đang cạn kiệt ngoại tệ.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Del Pino khẳng định sự “suy giảm theo chu kỳ” đã bắt đầu có dấu hiệu chững lại. Bộ Dầu khí vừa qua thông báo mức sản xuất trung bình của cả nước đã tăng trở lại với hơn 2,3 triệu thùng/ngày.

Thống kê về ngành công nghiệp dầu mỏ của Venezuela là đề tài của các cuộc tranh luận trong nhiều năm qua. Nhưng dữ liệu nội bộ về thương mại và phân phối dầu mỏ của PDVSA do hãng Reuters tự thu thập cho thấy xuất khẩu dầu của tập đoàn quốc doanh này, nguồn thu ngoại tệ lớn nhất của Venezuela, giảm xuống 1,19 triệu thùng/ngày trong tháng 7/2016, không bao gồm doanh số bán hàng nước ngoài từ các công ty liên doanh. PDVSA cũng không đưa ra câu trả lời cho những yêu cầu bình luận về xuất khẩu của mình.

Sự gián đoạn trong sản xuất cũng xảy ra đồng thời với việc một số công ty dịch vụ dầu khí giảm lao động trong nước, khiến các nhà phân tích dự đoán rằng việc khai thác dầu khó lòng phục hồi trong nửa cuối năm, thậm chí có thể xuống mức thấp nhất kể từ năm 2003. Số lượng giàn khoan hoạt động (một chỉ số thể hiện năng suất khai thác dầu) trong tháng 7/2016 cũng tiếp tục giảm xuống còn 49 giàn, thấp nhất từ cuối năm 2011.

Báo cáo kết quả mới nhất do Công ty dịch vụ Mỹ Schlumberger cho biết hoạt động khai thác dầu tại Venezuela suy giảm đáng kể, theo đó Venezuela là một trong số ít các nước Mỹ Latinh có thêm các giàn khoan dầu ngừng hoạt động trong quý II/2016.

Việc giảm cung cấp dịch vụ đặc biệt ảnh hưởng đến khu vực sản xuất lớn thứ hai nằm tại phía bắc bang Monagas, nơi mà một số công ty đã buộc phải ngừng hoạt động và sa thải nhân viên. Đại diện công đoàn cho biết cứ mỗi giàn khoan ngừng hoạt động thì có 60 công nhân thất nghiệp. PDVSA đã buộc phải cho công nhân nghỉ việc vì không có ngoại tệ để trả lương. Ngoài ra, có những giàn khoan ngừng hoạt động do thiếu phụ tùng thay thế.

Là khu vực gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật, việc khai thác dầu mỏ tại Monagas đã giảm nhanh hơn so với mức giảm trung bình của cả nước trong những năm gần đây, gây thiếu hụt nguồn dầu thô trung bình và nhẹ cần thiết để pha loãng dầu thô siêu nặng dành cho xuất khẩu. Sau khi quốc hữu hóa hàng chục công ty dịch vụ dầu khí tại Venezuela vào năm 2009, PDVSA đang phải đối mặt với nhiều vấn đề trong lĩnh vực kỹ thuật.

Cựu giám đốc điều hành PDVSA cho biết để có thể vực lại sức khai thác dầu, PDVSA sẽ phải đầu tư vào việc thăm dò và sản xuất nhiều hơn. Tuy nhiên, với mức giá dầu thấp như hiện nay, điều đó sẽ không xảy ra. Sự sụt giảm khối lượng sản xuất, cùng với việc giá dầu đi xuống đã buộc chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro năm nay phải lựa chọn giữa việc trả nợ nước ngoài hoặc chi ngoại tệ để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu.

Nguồn: