Cổ phiếu tập đoàn khí đốt Nga Gazprom đang giảm mạnh
02:18 SA @ Thứ Sáu - 27 Tháng Hai, 2015

Giá cổ phiếu của Tập đoàn dầu khí Nga OAO Gazprom đang giảm mạnh trong tình hình công ty sản xuất khí đốt lớn nhất thế giới này có thể ngừng cung cấp khí tự nhiên đến thị trường Châu Âu do xung đột tại Ucraina.

Tại thị trường Moscow phiên 25/2/2015, giá cổ phiếu của Gazprom đã giảm ngày thứ 3 liên tiếp xuống mức 153,20 Rúp, mức thấp nhất trong 2 tuần qua.

Tập đoàn Gazprom, cung cấp khoảng 30% lượng khí đốt cho thị trường Liên minh Châu Âu (EU), đã đe dọa sẽ ngừng cung cấp khí đốt cho Ucraina khi công ty này chuyển giao hết lượng khí đốt dựa trên số tiền trả trước. Phía Ucraina đã từ chối thanh toán thêm tiền trả trước cho Gazprom vì cho rằng công ty này đã tính cả chi phí khí đốt mà Gazprom cung cấp cho khu vực của quân đội ly khai miền Đông Ucraina.

Chuyên gia phân tích Ildar Davletshin của Renaissance Capital cho biết “Xuất khẩu khí đốt của Gazprom sang Châu Âu hiện đã ở mức thấp, nên lợi nhuận của tập đoàn này đang chịu áp lực và có thể cổ tức của công ty cũng sẽ bị giảm. Tình hình hiện nay có rất nhiều biến động. Gazprom rất nhạy cảm với cuộc khủng hoảng tại Ucraina và việc ngừng cung cấp khí đốt cho thị trường EU qua các đường ống tại Ucraina sẽ là một yếu tố rất xấu.”

Phía Ucraina cho biết họ mới chỉ nhận được chưa đến một nửa lượng khí đốt theo thỏa thuận và cáo buộc phía Gazprom vi phạm hợp đồng. Lợi nhuận ròng quý 3/2014 của Gazprom đã giảm 62% do suy khẩu khí đốt giảm xuất và giá dầu giảm.

Nợ tiền khí đốt?

Ucraina là một nước phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga và hệ thống đường ống khí đốt tại đây chiếm 40% lượng cung khí đốt xuất khẩu của tập đoàn Gazprom. Nga đã từng ngừng cung cấp khí đốt qua Ucraina vào mùa đông năm 2006 và 2009, thời gian mà lượng tiêu thụ khí đốt lên mức cao nhất, do những tranh chấp liên quan đến thanh toán, qua đó gây nên sự gián đoạn ngưồn cung khí đốt tại Châu Âu.

Giám đốc điều hành Gazprom Alexey Miller cho biết nếu Ucraina không trả tiền thì Nga sẽ không cung cấp khí đốt. Số tiền mà Ucraina đã trả chỉ đủ cho lượng khí đốt cung cấp đến hết tuần này và hiện đang có nguy cơ “nguồn cung khí đốt từ Nga sang Ucraina sẽ bị chấm dứt hoàn toàn”, tạo ra một “rủi ro nghiêm trọng cho việc chuyển tiếp khí đốt sang Châu Âu”.

Công ty dầu khí quốc gia Naftogaz Ukrainy của Ucraina, là công ty trung chuyển hơn một nửa lượng khí đốt xuất khẩu của Gazprom sang Châu Âu, cho biết hiện vẫn chưa nhận được lời giải thích nào về việc tại sao phía Nga chỉ cung cấp 42% lượng khí đốt so với thỏa thuận và cáo buộc rằng động thái này của Gazprom là một hành vi “tống tiền” đối với Ucraina.

Xếp hạng tín dụng rác

Cuộc tranh chấp khí đốt này diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế của Ucraina đang bị suy giảm do xung đột giữa chính phủ với lực lượng ly khai miền Đông Ucraina. Đồng Hryvnia của Ucraina đã giảm 72% so với đồng USD trong 1 năm qua và tỷ lệ dự trữ ngoại hối trong 4 tháng qua đã giảm 61% xuống 6,4 tỷ USD.

Kinh tế của Nga cũng đang xấu đi, khiến Moody’s Investors Service hạ xếp hạng tín dụng của nước này xuống mức dưới khuyến nghị đầu tư, hay còn gọi mức rác, vào ngày 20/2 với triển vọng tiêu cực. GDP của Nga được dự đoán sẽ tăng trưởng âm 4% trong năm nay do giá dầu và giá đồng Rúp giảm mạnh.

Lợi nhuận ròng của Gazprom đã giảm xuống 106 tỷ Rúp (1,7 tỷ USD) trong quý 3, còn doanh thu đã giảm 5,9%. Theo báo cáo của công ty, lượng tiền mặt khả dụng trong quý 3/2014 của công ty đã giảm xuống 4,7 tỷ Rúp, giảm 94% so với quý trước đó. Nợ ròng của Gazprom đã tăng 14% so với đầu năm. Mức giá trong hầu hết các hợp đồng xuất khẩu dầu và các sản phẩm tinh chế liên quan của Gazprom có độ trễ khoảng 9 tháng. Vì vậy ngay cả khi giá dầu và khí đốt tăng trở lại thì phải 9 tháng sau mới có ảnh hưởng đến tập đoàn này.

Chuyên gia phân tích Farid Abasov của SBG Securities cho rằng “Tất cả những động thái trên có thể chỉ là chiến lược trong một kế hoạch to lớn khi đàm phán với Ucraina. Việc Gazprom ngừng xuất khẩu khí đốt sang thị trường Châu Âu sẽ là một quyết định tự gây tổn hại cho bản thân, nhưng khi có sự liên quan đến chính trị thì các quyết định kinh tế có thể không cần những lý do hợp lý.”