Quan điểm của VINPA về bài viết "Giá xăng: giảm như xoa, tăng như đấm"
09:02 SA @ Thứ Năm - 21 Tháng Năm, 2015

Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã nghiên cứu bài “Giá xăng: Giảm như xoa, tăng như đấm” của tác giả Ngọc Anh đăng trên báo Đời sống Pháp luật ngày 21/5/2015. Với tư cách là đại diện của các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh xăng dầu và là cầu nối giữa doanh nghiệp với cơ quan nhà nước và người tiêu dùng, Hiệp hội xin có một số trao đổi về nội dung bài viết trên:

Giá xăng:Giảm như xoa, tăng như đấm - Ảnh 2

Nguồn: Báo Đời sống Pháp luật

Thứ nhất: về sự hình thành giá bán xăng dầu tại Việt Nam

Hiện nay giá xăng dầu trong nước phụ thuộc rất nhiều vào giá xăng dầu thế giới do chúng ta nhập khẩu lượng xăng dầu thế giới chiếm đến 70%. Do vậy, việc hình thành giá dựa trên giá xăng dầu thế giới (mà cụ thể là giá xăng dầu thành phẩm Platts Singapore chứ không phải giá dầu thô WTI và dầu Brent) để làm tham chiếu điều hành giá xăng dầu trong nước. Theo đó, giá xăng dầu thành phẩm thời gian gần đây biến động tăng liên tục (ngày 18 tháng 5 năm 2015, giá xăng RON 92 đã tăng lên mức 83.97 USD/thùng) khiến cho giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu kỳ tính giá ngày 20 tháng 5 năm 2015 chênh lệch lớn so với giá bán. Cụ thể như sau: xăng RON 92: cao hơn 2.254 đồng/lít; xăng E5: cao hơn 2.089 đồng/lít; dầu diesel 0.05S: cao hơn 1.070 đồng/lít; dầu hỏa: cao hơn 782 đồng/lít; dầu mazut 3.5S: cao hơn 1.127 đồng/kg.

Để giá bán trong nước tiệm cận với giá xăng dầu thế giới, nhằm hỗ trợ chi phí đầu vào của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, hỗ trợ đời sống sinh hoạt của người dân và hạn chế tình trạng buôn lậu qua biên giới; Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã quyết định tăng giá một số mặt hàng xăng dầu và cho chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá vào ngày 20/5 vừa qua.

Trong bài viết trên, tác giả cho rằng giá dầu thô thế giới giảm mà giá trong nước lại tăng là hoàn toàn không đúng bản chất cấu thành giá cơ sở.

Thứ hai: về việc tăng thuế bảo vệ môi trường (BVMT)

Thuế BVMT tăng không làm tăng giá bán xăng dầu, bởi lẽ song song với việc tăng thuế BVMT, nhà nước cũng giảm thuế nhập khẩu theo đúng lộ trình cam kết quốc tế. Tiếp sau Thông tư 61/2015/TT-BTC, ngày 20/5/2015 Bộ Tài chính tiếp tục giảm thuế nhập khẩu dầu diesel 2% (từ 12% xuống còn 10%); giảm thuế nhập khẩu dầu hỏa 7% (từ 20% xuống còn 13%) và giảm thuế nhập khẩu dầu mazut 3% (từ 13% xuống còn còn 10%).

Thuế BVMT và thuế nhập khẩu đều là các yếu tố cấu thành giá cơ sở. Vì vậy có thể khẳng định giá xăng dầu trong nước tăng là do giá thế giới tăng chứ không phải do tăng thuế BVMT như trong bài báo đã đề cập.

Thứ ba: về việc điều hành giá xăng dầu trong nước của các cơ quan quản lý

Từ ngày 01/11/2014, Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực, các cơ quan quản lý đã điều hành giá theo đúng tinh thần Nghị định 83 về tần suất và biên độ điều chỉnh giá. Vì vậy, không có chuyện giá xăng dầu “giảm như xoa, tăng như đấm”, việc tăng giảm giá phải dựa trên cơ sở tính toán giá xăng dầu thế giới trong chu kỳ 15 ngày, càng không có chuyện cơ quan quản lý kiềm giá, không cho điều hành đúng chu kỳ khiến áp lực tăng giá càng tăng như trong bài báo nêu. Ngoài ra, mỗi lần điều hành, Liên Bộ đều có thông cáo báo chí và thông tin đến các phương tiện thông tin đại chúng đồng thời công khai trên trang web để người dân theo dõi, giám sát.

Trên đây là một số nội dung Hiệp hội xin được trao đổi. Xin cảm ơn tác giả Ngọc Anh.

Nguồn: