Điều hành kinh doanh xăng dầu nhất quán theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước
06:21 SA @ Thứ Ba - 13 Tháng Mười Một, 2012
Tham gia ý kiến trả lời trong phiên chất vấn, sáng 12-11 tại Quốc hội về điều hành giá xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, Liên Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đã thực hiện điều hành giá theo đúng Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ và theo đúng tinh thần của Nghị định 84/2009/NĐ- CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ, công tác điều hành về kinh doanh xăng, dầu hiện được điều chỉnh bằng Nghị định 84, trong đó Bộ Tài chính chỉ tham gia một “khâu” trong quá trình này. Đó là tham gia với Bộ công Thương trong quản lý giá, còn quản lý Nhà nước về kinh doanh xăng, dầu thì không thuộc chức năng của Bộ Tài chính.



Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ

 Tuy vậy, Bộ Tài chính cũng đã chủ động đánh giá Nghị định 84 từ năm 2011 và đề nghị với Chính phủ chỉ đạo để tính toán, đề điều chỉnh, sửa đổi Nghị định 84 cho phù hợp tình hình hiện nay. Bộ Công Thương đang chủ trì thực hiện việc sửa đổi Nghị định 84 và lộ trình trong tháng 12 sẽ cố gắng thực hiện. Việc sửa đổi Thông tư 234 của Bộ Tài chính liên quan đến một số các chi phí kinh doanh, bình ổn giá xăng dầu cũng phải sửa đồng bộ trên cơ sở Nghị định 84. Hiện Bộ Tài chính đang lấy ý kiến để sửa đổi Thông tư 234, và cũng sẽ tiếp tục sửa đổi trong quy định đối với Nghị định 84.

Liên quan đến điều hành giá, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết, từ đầu năm đến nay đã điều chỉnh giá xăng, dầu là 12 lần, trong đó có 6 lần giảm và 6 lần tăng, như vậy là có kịp thời hơn so với giá thế giới và không tạo ra lạm phát tâm lý và CPI của cả nước vẫn giữ được ở mức một con số. Đây cũng là một kết quả tích cực, Bộ trưởng khẳng định.

Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Quốc hội cho rằng hình như cứ Quốc hội họp thì giá xăng, dầu lại giảm, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết: Kỳ họp đầu năm chúng ta giảm giá 3 lần trong 1 tháng Quốc hội họp (trong 5 lần giảm giá). Còn từ trong tháng 10 chúng ta phải dùng đến 1.200 đồng để bình ổn giá, trong đó có 500 đồng từ quỹ bình ổn, 300 đồng lấy lợi nhuận định mức của doanh nghiệp xăng, dầu , 500 đồng nữa là tiền thuế. Cho đến ngày hôm qua đã bù đắp được 500 đồng quỹ bình ổn, 300 đồng về lợi nhuận định mức của doanh nghiệp và có dư địa để giảm giá được 500 đồng. “Theo tinh thần khi giảm giá được là giảm giá ngay, do đó liên Bộ Công thương, Bộ Tài chính cũng đã chủ định giảm giá. Vấn đề này rất minh bạch, rất công khai”, Bộ trưởng Vương Đình Huệ khẳng định.

Về vấn đề bình ổn giá, Bộ trưởng cho biết, hiện nay đang có một vài phương án, có phương án là chuyển về tập trung quản lý ở một chỗ nào đó, phương án thứ hai là vẫn để tại doanh nghiệp nhưng tính lãi suất. Hiện nay đang lấy ý kiến và tổng hợp ý kiến rồi sẽ báo cáo lại Quốc hội.

Về vấn đề tạm nhập, tái xuất xăng, dầu, theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ, chúng ta tham gia Công ước Kyoto, Công ước nguyên gốc và sửa đổi tạm nhập, tái xuất xăng, dầu không trái gì với Công ước Kyoto nguyên bản cũng như Công ước sửa đổi, việc tạm nhập, tái xuất xăng, dầu này vẫn là cần thiết. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng chính sách này, tức là khi tạm nhập tái xuất vào chưa phải nộp thuế và khi tái xuất ra để hoàn thuế cũng như một số đã chuyển vào tiêu thụ nội địa và đã chiếm dụng thuế của nhà nước ít nhất là 90 – 120 ngày. Trong Luật Quản lý thuế lần này trình Quốc hội đã bỏ chuyển ân hạn thuế cho các doanh nghiệp tạm nhập, tái xuất, buộc phải có bảo lãnh hoặc nộp trước và khi nào tái xuất thì hoàn sau. Hiện nay Bộ Tài chính đang phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Công thương để quản lý chặt chẽ vấn đề này.