Xem xét bỏ Quỹ bình ổn để giá xăng dầu diễn biến theo tín hiệu thị trường
02:48 SA @ Thứ Năm - 18 Tháng Tám, 2022

Bộ Tài chính cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để xem xét, đánh giá bỏ công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu nhằm giúp giá xăng dầu vận động theo đúng tín hiệu thị trường.

Góp ý dự thảo Luật giá (sửa đổi), Bộ Công thương kiến nghị bỏ mặt hàng xăng dầu khỏi Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá và chỉ để mặt hàng này vào danh mục mặt hàng thực hiện bình ổn giá nếu bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Phản hồi, Bộ Tài chính cho biết sẽ không đưa xăng dầu vào danh mục do bỏ quỹ ở Luật. Với riêng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu thì tiếp tục thực hiện theo cơ chế đặc thù.

Việc bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu được kỳ vọng sẽ giúp giá bán mặt hàng này diễn biến theo đúng tín hiệu thị trường. Ảnh minh họa:Lê Vũ

Việc bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu được kỳ vọng sẽ giúp giá bán mặt hàng này diễn biến theo đúng tín hiệu thị trường. Ảnh minh họa: Lê Vũ

Theo Bộ Tài chính, Quỹ bình ổn giá xăng dầu là quỹ đặc thù, được thành lập trước khi có các quy định về quỹ bình ổn giá tại Luật giá nên việc bỏ biện pháp lập Quỹ bình ổn giá tại Luật giá (sửa đổi) không ảnh hưởng đến tính pháp lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Ngoài ra, thị trường xăng dầu trong nước đã có nhiều chuyển biến tích cực với số lượng các doanh nghiệp tham gia vào hệ thống lưu thông phân phối ngày càng tăng, hiệu quả ngày càng được cải thiện và thúc đẩy tính cạnh tranh trên thị trường kinh doanh xăng dầu.

Bên cạnh đó, tâm lý người tiêu dùng đã dần thích ứng được với việc điều chỉnh tăng – giảm giá xăng dầu theo biến động của giá xăng dầu thế giới.

“Thời điểm này là thích hợp để xem xét, đánh giá bỏ công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu để giá xăng dầu vận động theo đúng tín hiệu thị trường tại văn bản số 439/HHXDVN-VP của Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, Bộ Công thương thì nhất trí xem xét, đánh giá để bỏ công cụ Quỹ bình ổn giá khi Nhà nước không điều tiết chi phí xây dựng thông qua giá cơ sở hoặc giá tham chiếu, hoàn toàn để các doanh nghiệp tự quyết định giá”, Bộ Tài chính cho biết.

Cũng theo bộ này, có 4 biện pháp bình ổn giá tiếp tục được kế thừa sau khi Luật Giá (sửa đổi) có hiệu thực.

Thứ nhất, biện pháp điều hòa, kiểm soát cung cầu sẽ gồm các giải pháp: điều hòa sản xuất hàng hóa trong nước, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; điều hòa hàng hóa giữa các vùng, các địa phương trong nước thông qua việc tổ chức lưu thông hàng hóa; mua vào hoặc bán ra hàng dự trữ quốc gia, hàng dự trữ lưu thông;

Thứ hai, các biện pháp về tài chính, tiền tệ phù hợp với quy định của pháp luật;

Thứ ba, định giá cụ thể, giá tối đa, giá tối thiểu hoặc khung giá.

Thứ tư, áp dụng biện pháp hỗ trợ về giá phù hợp với quy định của pháp luật và cam kết quốc tế.

Bộ Tài chính cho rằng, các biện pháp trên đã đảm bảo đầy đủ để triển khai bình ổn giá trong thực tiễn khi hàng hóa, dịch vụ có biến động giá chủ yếu do các nguyên nhân như chi phí đẩy, mất cân đối cung cầu, ảnh hưởng từ chính sách tài chính tiền tệ chung.

Về kê khai giá, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Hiệp hội) đề nghị không áp dụng kê khai giá nước sản xuất và nguyên nhân điều chỉnh giá bán giữa các lần kê khai với lĩnh vực xăng dầu.

Lý giải về điều này, Hiệp hội cho rằng xăng dầu được tạo nguồn từ nhập khẩu và các nhà máy lọc dầu trong nước, được chứa chung bồn tại các kho. Vì vậy, không thể bóc tách được nước sản xuất khi chứa chung hàng hóa, sau đó lưu thông ra thị trường.

Ngoài ra, có mặt hàng xăng dầu do doanh nghiệp tự định giá trên cơ sở căn cứ quy định của Nhà nước, chưa kể hiện nay chu kỳ điều chỉnh giá dao động khoảng 10 ngày một lần và Nhà nước quy định công thức xác định giá xăng dầu minh bạch, công khai. Vậy nên, không cần thiết áp dụng kê khai nguyên nhân điều chỉnh giá bán giữa các lần kê khai.

Hiệp hội cũng đề nghị không áp dụng kê khai cả giá bán buôn đối với lĩnh vực xăng dầu do hai nguyên nhân.

Trước hết, xăng dầu do Nhà nước định giá và có thể hiểu là giá tối đa khi bán cho người tiêu dùng, các thương nhân kinh doanh xăng dầu không bán vượt giá cơ sở.

Kế tiếp, thị trường xăng dầu Việt Nam hiện có các thương nhân đầu mối và các thương nhân phân phối với nhiều mức giá bán khác nhau phụ thuộc sản lượng, điểm giao hàng, phương thức thanh toán… và giá bán cho đối tượng này thường thấp hơn giá bán lẻ nhà nước quy định, vì vậy không cần thiết kê khai cả giá bán buôn.

Phản hồi những đề nghị nêu trên, Bộ Tài chính cho biết đã tiếp thu và bổ sung quy định loại trừ với mặt hàng xăng dầu tại dự thảo.

Nguồn: