Vi phạm thương hiệu trong kinh doanh xăng dầu
02:46 SA @ Thứ Sáu - 04 Tháng Tám, 2017

Cửa hàng xăng dầu Hoàng Lâm, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái vi phạm nhãn hiệu Petrolimex đã được pháp luật bảo hộ. Ảnh do Petrolimex cung cấp

Thời gian gần đây, xảy ra tình trạng một số doanh nghiệp, đại lý không trực thuộc hệ thống Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) nhưng cố tình sử dụng thương hiệu, nhãn hiệu đã được pháp luật bảo hộ của tập đoàn này khiến người tiêu dùng bị ngộ nhận, ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín của Petrolimex. Ðể bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ từ các cơ quan chức năng trong thanh tra, kiểm tra và xử lý hành vi vi phạm.

Vi phạm tràn lan

Vụ việc vi phạm nhãn hiệu Petrolimex của cửa hàng xăng dầu Hoàng Lâm (Công ty TNHH Thương mại và phát triển Hoàng Lâm) tại huyện Văn Yên (Yên Bái) chưa kịp lắng xuống thì mới đây, cơ quan chức năng lại phát hiện hàng chục cửa hàng, đại lý kinh doanh xăng dầu tại các tỉnh Sơn La, Hòa Bình sử dụng nhãn hiệu Petrolimex. Anh Nguyễn Quốc Chung, trú tại huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) cho biết, từ trước đến nay người dân thường đổ xăng ở các cây xăng uy tín. Không ngờ, đây đều là cửa hàng của các doanh nghiệp (DN) tư nhân cố tình sử dụng nhãn hiệu của Petrolimex nhằm đánh lừa người dân. "Không chỉ vi phạm về nhãn hiệu mà xăng dầu các cửa hàng này bán ra, ai dám khẳng định là bảo đảm chất lượng và không gây sự cố đối với phương tiện, máy móc?" - anh Chung bức xúc.

Tình trạng vi phạm thương hiệu, nhãn hiệu Petrolimex diễn ra khá phổ biến. Dọc quốc lộ 6 qua Hòa Bình và Sơn La, các DN tư nhân công khai sử dụng bộ nhận diện thương hiệu Petrolimex. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp tự ý sử dụng nhãn hiệu Petrolimex hoặc chữ "P" trên mái cửa hàng, dán nhãn hiệu chữ "P" ở cột bơm xăng hay sơn mầu diềm mái cửa hàng (cam và xanh dương) y hệt của Petrolimex. Giám đốc Chi nhánh Xăng dầu Hòa Bình (Công ty Xăng dầu Hà Sơn Bình - Petrolimex Hà Sơn Bình) Ðỗ Xuân Hồng cho biết, hiện có 29 trong số 69 cửa hàng của các DN kinh doanh xăng dầu tại Hòa Bình không thuộc hệ thống của Petrolimex đang vi phạm nhãn hiệu đã được bảo hộ của Petrolimex. Ðiển hình như Công ty Tiến Mai (Cầu Sỏi, huyện Lạc Thủy) đã vi phạm toàn phần nhãn hiệu Petrolimex; Trạm xăng dầu Bảo Quý (dốc Kẽm, huyện Lương Sơn); cửa hàng Dốc Kẽm II 24/24 giờ,… Mặc dù Petrolimex nhiều lần gửi thư khuyến cáo nhưng các vi phạm vẫn diễn ra công khai suốt từ năm 2015 đến nay. Chi nhánh Xăng dầu Hòa Bình cũng đã nhiều lần báo cáo các cơ quan chức năng can thiệp nhưng đến nay các hành vi vi phạm vẫn chưa bị xử lý. Ðại diện Chi nhánh Xăng dầu Sơn La cho biết, việc vi phạm nhãn hiệu Petrolimex ở Sơn La diễn ra từ lâu. Chi nhánh đã nhiều lần phản ánh tới các cơ quan chức năng nhưng tình trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để. Có nơi "bịt được chỗ này thì lại lòi ra chỗ khác". Cá biệt, vụ vi phạm nhãn hiệu Petrolimex của Công ty TNHH Thương mại và phát triển Hoàng Lâm ở tỉnh Yên Bái không phải lần đầu mà trước đó công ty này cũng đã xâm phạm nhãn hiệu của Petrolimex tại TP Hải Phòng,…

Theo nhận định của một số chuyên gia, đây là hành vi vi phạm rất nghiêm trọng, khi Chính phủ đang nỗ lực tạo lập môi trường kinh doanh xăng dầu minh bạch theo đúng Nghị định 83/NÐ-CP ngày 3-9-2014 về kinh doanh xăng dầu. Hành vi nêu trên không chỉ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ mà còn ảnh hưởng đến uy tín kinh doanh của DN. Người tiêu dùng có thể bị thiệt hại khi mua phải các sản phẩm xăng dầu không bảo đảm chất lượng và không đủ về số lượng.

Kiểm tra, xử lý vi phạm

Mới đây, Phó Tổng giám đốc Petrolimex Vũ Bá Phú đã ký ban hành kế hoạch 569 yêu cầu người đứng đầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Bộ Công thương về đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực xăng dầu. Theo đó, đẩy mạnh giáo dục pháp luật và phổ biến các quy định quản lý của tập đoàn, đơn vị thành viên về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; chủ động phối hợp chặt chẽ các cơ quan chức năng địa phương (quản lý thị trường, công an, hải quan, bộ đội biên phòng) và Ban Chỉ đạo 389 tại địa phương để thực hiện hiệu quả công tác minh bạch xăng dầu theo Nghị định 83, bảo vệ lợi ích của nhà nước và quyền lợi hợp pháp chính đáng của người tiêu dùng. Ngoài ra, thường xuyên kiểm tra, phát hiện kịp thời trường hợp xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, phối hợp các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương áp dụng biện pháp mạnh trong đấu tranh chống gian lận thương hiệu…

Tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí thuệ (SHTT) nói chung và quyền sở hữu công nghiệp nói riêng đang diễn ra phổ biến với nhiều mức độ và tính chất nghiêm trọng khác nhau. Ðối tượng vi phạm không chỉ là cá nhân mà còn có các DN, tổ chức, thậm chí, một số cơ quan nhà nước cũng là chủ thể vi phạm trong lĩnh vực này. Luật sư Lê Hồng Hiển (Ðoàn luật sư Hà Nội) cho biết, vi phạm liên quan quyền SHTT có dấu hiệu ngày càng gia tăng, thậm chí xảy ra ngang nhiên, trắng trợn trong khoảng thời gian dài nhưng không được phát hiện và xử lý. Theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, đối với cá nhân, mỗi hành vi vi phạm phải chịu mức phạt tiền tối đa là 250 triệu đồng, với tổ chức là 500 triệu đồng. Ngoài ra, có thể áp dụng hình phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả như tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm; tước quyền sử dụng giấy phép; đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ; buộc cải chính công khai,… Hành vi gây hậu quả nghiêm trọng bị truy cứu trách nhiệm hình sự; tổ chức, cá nhân bị vi phạm có quyền khởi kiện, yêu cầu tổ chức, cá nhân vi phạm bồi thường thiệt hại theo quy định.

Vi phạm về bản quyền diễn ra phổ biến và có chiều hướng gia tăng, do việc thanh, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước vẫn còn hạn chế, số lượng vụ việc được phát hiện ít, khi phát hiện thì áp dụng chế tài xử lý chưa nghiêm. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân bị vi phạm bản quyền chưa thật sự quan tâm và hiểu hết quyền của mình khi bị xâm phạm, vì thế không có hành động cần thiết để bảo vệ quyền lợi, như khởi kiện ra tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc đề nghị các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc xử lý. Ðể hạn chế vi phạm trong lĩnh vực SHTT nói chung và sở hữu công nghiệp nói riêng, ngoài tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức của DN về SHTT, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm; vụ việc nào nghiêm trọng, có dấu hiệu hình sự cần khởi tố để điều tra theo quy định. Các cá nhân, DN sở hữu quyền SHTT cần nâng cao ý thức tự bảo vệ như đăng ký bảo hộ, chủ động phát hiện hành vi vi phạm, hướng dẫn cho người tiêu dùng cách nhận biết thương hiệu, sản phẩm của DN,... Cơ quan chức năng cũng cần công khai thông tin, hình ảnh các cá nhân, tổ chức vi phạm về SHTT, sở hữu công nghiệp để người dân biết và phòng tránh.

Nguồn: