Sẽ rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách tài chính tạo thuận lợi cho phát triển công nghiệp
02:42 SA @ Thứ Sáu - 11 Tháng Chín, 2020

Tại Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 03/9/2020, Chính phủ giao Bộ Tài chính rà soát, sửa đổi nhiều chính sách thuế, phí… để hỗ trợ phát triển công nghiệp.

Sẽ rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách tài chính tạo thuận lợi cho phát triển công nghiệp
Phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp trong GDP đạt trên 40%

Nghị quyết số 124/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đề ra các mục tiêu đến năm 2030: Tỷ trọng công nghiệp trong GDP đạt trên 40%; Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 45%; Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân trên 8,5%/năm; Tốc độ tăng năng suất lao động công nghiệp đạt bình quân 7,5%/năm; Chỉ số hiệu suất cạnh tranh công nghiệp (CIP) nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN; Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ đạt trên 70%; Xây dựng một số doanh nghiệp công nghiệp trong nước có quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh quốc tế.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, bao gồm: Chính sách phân bổ không gian và chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp; chính sách phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên; Chính sách tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển công nghiệp; Chính sách phát triển doanh nghiệp công nghiệp...

Trong đó, để phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các chính sách ưu đãi thuế cho các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển; Rà soát, đánh giá, xây dựng và thực hiện chính sách huy động từ thuế, phí và lệ phí hợp lý nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ sản xuất trong nước, khuyến khích xuất khẩu, khuyến khích đầu tư nhất là đầu tư ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện môi trường, có khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao mà Việt Nam đang có lợi thế.

Để tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển công nghiệp, Bộ Tài chínhchủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện khung khổ pháp lý, trọng tâm là Luật Chứng khoán đồng bộ với Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, trong đó có việc trình Quốc hội ban hành Luật Chứng khoán sửa đổi theo hướng đơn giản hóa về điều kiện và hồ sơ phát hành gắn với tăng cường nghĩa vụ công bố thông tin của tổ chức phát hành; rút ngắn quy trình chấp thuận niêm yết, phát hành, giao dịch cổ phiếu, trái phiếu để thúc đẩy các doanh nghiệp huy động vốn từ các nhà đầu tư.

Bộ Tài chính triển khai và hướng dẫn thi hành các Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt, Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi nhằm thực hiện các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết theo đúng lộ trình cam kết; Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường trái phiếu; Xây dựng và hoàn thiện chuẩn mực kế toán, kiểm toán Việt Nam theo thông lệ quốc tế; Xây dựng và triển khai tốt việc kết nối, liên thông một cửa Quốc gia giữa người dân, tổ chức, doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước, tổ chức có liên quan.

Để phát triển doanh nghiệp công nghiệp, Bộ Tài chính tiếp tục lập kế hoạch hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý về cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách về tài chính hỗ trợ xúc tiến mở rộng, thị trường, hỗ trợ tiếp cận tín dụng, hỗ trợ thông tin, tư vấn pháp lý, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp.

Về phát triển nguồn nhân lực công nghiệp, Bộ Tài chính hướng dẫn cơ quan thuế, cơ quan tài chính địa phương thực hiện ưu đãi cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ theo Nghị định số 13/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019 của Chính phủ về doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Để khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trong quá trình phát triển công nghiệp, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành rà soát để sửa đổi, bổ sung chính sách thuế, phí bảo vệ môi trường, đảm bảo thu đúng đối tượng, có mức thu hợp lý nhằm khuyến khích sử dụng tài nguyên hiệu quả, đầu tư sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, đảm bảo phát triển bền vững.

Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về thuế bảo vệ môi trường đối với hàng hóa gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất, sử dụng và thải bỏ (ắc-quy chì, hóa chất, săm lốp ô tô, thiết bị điện tử...); Nghiên cứu cơ chế áp dụng thuế đối với hoạt động sử dụng đất nông nghiệp, nhất là đối với những tổ chức, cá nhân sử dụng diện tích lớn nhằm khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch; Nghiên cứu, đề xuất cấp thẩm quyền xem xét điều chỉnh mức thuế và cơ sở tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa, dịch vụ cần điều tiết do có khả năng gây ô nhiễm môi trường (xăng dầu, than, khai thác khoáng sản...).

Nguồn: