Phải tiếp tục xây dựng cơ chế đặc thù đối với lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí
01:37 SA @ Thứ Tư - 23 Tháng Mười Hai, 2020

Tại “Diễn đàn an ninh năng lượng cho phát triển bền vững” do Bộ Công Thương tổ chức, bà Ngô Thúy Quỳnh - Phó vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than đã nhấn mạnh phải tiếp tục xây dựng cơ chế đặc thù đối với lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí.

Theo bà Ngô Thuý Quỳnh, nguyên liệu thô là dạng vật liệu cơ bản mà từ đó hàng hóa, sản phẩm hoàn thiện hay vật liệu trung gian được sản xuất hay tạo ra. Trong lĩnh vực năng lượng có 3 loại nguyên liệu thô được sử dụng rộng rãi nhất là dầu thô, khí tự nhiên và than đá.

Cần xây dựng cơ chế đặc thù cho thăm dò khai thác dầu khí

Giàn khai thác dầu khí của Vietsovpetro (ảnh: Cấn Dũng)

Hiện nay, tiềm năng dầu khí có thể thu hồi của nước ta vào khoảng 1,6 đến 2,8 tỉ tấn dầu quy đổi. Trong đó có khoảng 25% là dầu và 75% là khí tự nhiên và có khoảng 50% lượng dầu khí ở khu vực nước sâu xa bờ. Hiện trạng khai thác dầu thô tại nước ta được chủ yếu khai thác từ bể Cửu Long, sản lượng khai thác dầu khí đang suy giảm nhanh chóng và phần lớn dầu khí được khai thác từ các mỏ trưởng thành, ít mỏ lớn mới được đưa vào khai thác. Trong 5 năm vừa qua (2016-2020), sản lượng dầu khí khai thác giảm từ 15,2 triệu tấn dầu quy đổi (2016) xuống còn 9,43 triệu tấn (dự kiến năm 2020).

Dầu thô khai thác trong nước chủ yếu được cung cấp cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, một phần còn lại là xuất khẩu. Nhà máy lọc dầu Dung Quất cho ra các sản phẩm như LPG, xăng, dầu hỏa, nhiên liệu máy bay, dầu DO, dầu FO và polypropylen. Hiện nay, Tập đoàn Dầu khí Việt nam (Petrovietnam) đang triển khai dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, nâng công suất, nâng tiêu chuẩn các sản phẩm xăng dầu lên đáp ứng tiêu chuẩn EURO 5.

Một nhà máy chế biến dầu khí khác là Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn có công suất chế biến 10 triệu tấn dầu thô/năm. Nhà máy này cũng có kế hoạch nâng cấp mở rộng sau năm 2021. Như vậy, riêng hai nhà máy Lọc hóa dầu Dung Quất và Nghi Sơn đã và đang đáp ứng tới 70% nhu cầu sử dụng xăng dầu trong nước của người dân cũng như phục vụ công tác an ninh quốc phòng.

Song song với khai thác chế biến dầu thô, ngành công nghiệp khí Việt Nam với nguồn khí chủ yếu được khai thác từ Bể Nam Côn Sơn, một số mỏ khí lớn mới được phát hiện, đã và đang chuẩn bị đưa vào khai thác. Nhưng trong 5 năm gần đây, tổng sản lượng khai thác khí cũng giảm nhanh tương đương với dầu thô. Vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn về cơ chế trong việc tìm kiếm thăm dò khai thác các mỏ khí mới. Trong khi đó, nhu cầu về khí tự nhiên ngày càng tăng cao để phục vụ sản xuất của các nhà máy đạm, nhà máy điện khí, công nghiệp… khiến chúng ta phải nhập khẩu LNG. Dự kiến đến năm 2030 Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 8 tỉ m3 khí, đến năm 2045 phải nhập khẩu khoảng 15 tỉ m3 khí LNG.

Sau khi nên lên hiện trạng ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam, bà Ngô Thúy Quỳnh - Phó vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương) đã đưa ra một số nhận định, giải pháp về cơ chế chính sách như sau: “Cần rà soát đánh giá lại các văn bản quy phạm pháp luật về dầu khí, đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tế ngành dầu khí Việt Nam”.

Bà Quỳnh nhấn mạnh: “Phải tiếp tục xây dựng cơ chế đặc thù đối với lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí, nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện cơ chế hoạt động (về quản trị, tài chính, nguồn lực…) phù hợp để đảm bảo sự phát triển bền vững, đặc biệt trong việc gia tăng trữ lượng dầu khí”.

Rõ ràng, hiện trạng khai thác và tìm kiếm thăm dò dầu khí đang ngày càng sụt giảm nhanh chóng không chỉ ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia mà còn là sự lãng phí nguồn lực to lớn khi không tận dụng, khai thác được tiềm năng dầu khí Việt Nam. Nếu không có sự chủ động về nguồn năng lượng sơ cấp cực kỳ quan trọng là dầu khí, chắc chắn nước ta sẽ đứng trước nguy cơ không đủ năng lượng cho phát triển kinh tế và phục vụ đời sống nhân dân.

Nguồn: