Nhà máy ethanol hoạt động khó khăn
04:11 SA @ Thứ Hai - 24 Tháng Sáu, 2013

Các nhà máy sản xuất ethanol của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đang hoạt động khó khăn do lượng xăng sinh học (xăng E5) tiêu thụ trong nước rất ít và giá ethanol xuất khẩu cũng không cao nên càng xuất khẩu càng lỗ.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online ngày 21-6, ông Nguyễn Anh Toàn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil - đơn vị trực thuộc PVN), cho biết hiện 3 nhà máy sản xuất ethenol của PV Oil tại Bình Phước, Quảng Ngãi, Phú Thọ với tổng công suất 300 triệu lít/năm chỉ hoạt động cầm chừng do chi phí sản xuất khá cao, giá sắn (khoai mì) nguyên liệu trồi sụt thất thường.

Trong khi đó, lượng ethanol tiêu thụ trong nước còn ít, giá xuất khẩu ethanol hiện chỉ dao động 15.000 đồng/lít, và với giá này thì các doanh nghiệp càng xuất càng lỗ.

Ông Toàn cho biết, hiện nay với 150 điểm bán (mỗi điểm bán chỉ có một trụ bơm, trong đó có 10 cửa hàng chỉ bán toàn xăng E5) tại Bà Rịa - Vũng Tàu và Quảng Ngãi thì mỗi tháng PV Oil chỉ bán được 2.500 m3 xăng E5, và lượng xăng E5 bán ra này là khá nhỏ nếu so với tổng công suất sản xuất ethanol của 3 nhà máy ethanol của PVN.

Một điểm bán xăng E5 tại TPHCM

Theo lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt, xăng sinh học (xăng pha 5% ethanol - E5) sẽ chính thức áp dụng từ cuối năm 2014, theo đó xăng E5 sẽ được phép pha trộn và tiêu thụ tại 7 tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu và Quảng Ngãi. Từ ngày 1-12-2015 xăng E5 sẽ tiêu thụ đại trà trên cả nước.

Điều này dự báo sẽ giúp các nhà sản xuất ethanol có được đầu ra, theo đó nông dân trồng mì thoát cảnh ùn ứ mì nguyên liệu sau mỗi vụ thu hoạch. Tuy nhiên từ giờ đến cuối năm 2014 sẽ là thời gian gần 2 năm đầy khó khăn cho các dự án sản xuất ethanol trong nước.

Ông Toàn cho rằng các nhà máy sản xuất ethanol trong nước hiện nay gặp nhiều khó khăn do đến nay Nhà nước vẫn chưa có cơ chế hỗ trợ nhiều cho phần đầu tư của dự án sản xuất ethanol. Lãi suất vay vốn đầu tư nhà máy sản xuất ethanol còn khá cao, xấp xỉ 18-20%/năm bình thường như nhiều ngành khác nên sản xuất ethanol không có lãi. Trong khi tại các nước khác thì sản xuất ethanol được ưu đãi rất nhiều do là nhiên liệu sạch.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Vũ Thanh Hà, một chuyên gia trong ngành sản xuất nhiên liệu sinh học (ông Hà từng là tổng giám đốc Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học của PVN) nhận xét rằng: “chương trình sản xuất nhiên liệu sinh học ethanol đang chết yểu”.

Được biết thời gian qua nông dân quanh khu vực có các nhà máy sản xuất ethanol tại một số địa phương như Phú Thọ, Bình Phước, Quảng Ngãi từng nuôi hy vọng sẽ có được đầu ra tốt cho cây mì bởi tổng lượng nguyên liệu để sản xuất ethanol của 3 nhà máy trên mỗi năm cũng lên đến gần 800.000 tấn mì lát khô.

Thế nhưng hiện một số nhà máy ethanol đang gặp khó trong tiêu thụ sản phẩm. Xăng ethanol trên thực tế đã bắt đầu bán trên thị trường từ năm 2009 nhưng việc tiêu thụ còn hạn chế bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân các cơ chế ưu đãi đầu tư vẫn đang còn trong giai đoạn nghiên cứu.

Một số dự án sản xuất ethanol tại Việt Nam:

Tên dự án

Công suất

Vốn đầu tư

Nguyên liệu

Nhà máy Ethanol Phú Thọ

100 triệu lít/năm

1.600 tỉ đồng

240 ngàn tấn sắn lát/năm

Nhà máy Bio-ethanol Dung Quất

100 triệu lít/năm

1.600 tỉ đồng

240 ngàn tấn sắn lát/năm

Nhà máy Bio-ethanol Bình Phước

100 triệu lít/năm

1.600 tỉ đồng

240 ngàn tấn sắn lát/năm

Nhà máy Ethanol Đại Tân

125 triệu lít/năm

> 900 tỉ đồng

300 ngàn tấn sắn lát/năm

Nhà máy Ethanol Tùng Lâm

60 triệu lít/năm

-

-

TheoTheSaigontimes