Nét mới trong công tác phòng cháy, chữa cháy tại Khu Kinh tế Nghi Sơn
03:07 SA @ Thứ Ba - 12 Tháng Mười Một, 2019

Khu Kinh tế Nghi Sơn với hàng chục nhà máy, cơ sở sản xuất lớn đang hoạt động nên công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) có vai trò cực kỳ quan trọng. Từ năm 2019 này, nhiệm vụ PCCC không còn là việc riêng của từng công ty, doanh nghiệp theo kiểu mạnh ai nấy làm mà có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị và các cơ quan Nhà nước có liên quan.

Nét mới trong công tác phòng cháy, chữa cháy tại Khu Kinh tế Nghi Sơn

Các lực lượng chức năng, các công ty tại Khu Kinh tế Nghi Sơn sẽ cùng phối hợp triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy khi xảy ra sự cố.

Nằm trong Khu Kinh tế Nghi Sơn, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn – một dự án FDI với tổng vốn đầu tư 9,3 tỷ USD và là một trong những dự án đầu tư lớn nhất tại Việt Nam từ trước đến nay. Tại đây, công tác PCCC được đặt lên hàng đầu, không chỉ vì quy mô “khủng” của nó, mà còn do tính chất của xăng dầu và các sản phẩm phụ trợ rất dễ cháy nổ. Theo đó, ngoài việc bố trí lực lượng PCCC với xe cứu hỏa và các phương tiện liên tục túc trực 24/24 giờ, những khả năng có thể gây cháy – dù chỉ là trên lý thuyết, đều bị loại trừ. Những chuyến bay từ Cảng Hàng không Thọ Xuân, thay vì bay chéo qua khu vực nhà máy này để ra phía biển, cũng đã được đề nghị điều chỉnh lệch về phía Nam để tránh những giả thuyết nhỏ nhất có thể xảy ra. Qua đó để thấy rằng, công tác PCCC tại Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn nói riêng, tại Khu Kinh tế Nghi Sơn nói chung là vô cùng quan trọng. Vì lẽ đó, từng doanh nghiệp lớn tại đây năm nào cũng phối hợp với lực lượng cảnh sát PCCC của Công an tỉnh Thanh Hóa đóng tại Nghi Sơn để diễn tập các tình huống giả định, nâng cao tính chủ động, sẵn sàng trong công tác phòng chống và giảm nguy cơ thiệt hại do cháy nổ.

Tuy nhiên, cuộc diễn tập PCCC năm 2019 cách đây chưa lâu lại không chỉ gói gọn trong một nhà máy mà là sự phối hợp của nhiều lực lượng chức năng liên quan, nhiều doanh nghiệp dưới sự chỉ đạo, điều hành của Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) cùng Công an tỉnh Thanh Hóa. Một tình huống giả định được đưa ra, chiếc tàu chở hàng trọng tải 10 nghìn tấn đang nhập lưu huỳnh (sản phẩm phụ trợ của lọc hóa dầu) tại bến tàu nội bộ của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn thì xảy ra cháy trên băng tải, sau đó nhanh chóng lan xuống tàu, bùng phát lửa lớn và ngày càng lan rộng. Người và phương tiện chữa cháy của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã tích cực dập lửa nhưng không dập hoàn toàn được ngọn lửa ngày càng bùng phát lớn. Các xe cứu hỏa và hàng chục chiến sĩ cảnh sát chữa cháy đóng tại chi nhánh Nghi Sơn được triển khai ngay, cùng với đó là những xe chữa cháy và lực lượng khác tại TP Thanh Hóa cũng nhanh chóng di chuyển xuống hiện trường để hỗ trợ dập lửa. Đặc biệt, người và các phương tiện PCCC của các nhà máy tại Khu Kinh tế Nghi Sơn cũng nhanh chóng xuất phát, có mặt để hỗ trợ theo các phương án cùng phối hợp đã được các đơn vị đồng thuận tham gia, được tập huấn từ trước. Dưới sự điều hành của lực lượng công an, các xe cứu hỏa của các doanh nghiệp, nhà máy khác, như: Nhiệt điện Nghi Sơn 1, Nhà máy Xi măng Nghi Sơn, Công ty TNHH Giầy Anora Việt Nam... cùng phối hợp nhịp nhàng, phun nước dập lửa. Chỉ vài chục phút, đã có 40 phương tiện, gồm xe cứu hỏa và các loại xe ô tô cơ giới khác đến hiện trường, 250 người của các lực lượng và doanh nghiệp có mặt tham gia dập lửa và các công việc liên quan. Điều đáng ghi nhận ở đây chính là sự ứng cứu và phối hợp kịp thời, chứ không bị động chờ những xe chữa cháy từ xa đến. Chỉ sau khoảng nửa giờ, đám cháy được khống chế, ngăn ngừa được sự ảnh hưởng đến Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn (thậm chí có thể gây ra thảm họa). Điều đáng nói nữa là, công tác cấp cứu những người bị thương và cứu vớt những nhân viên trên tàu nhảy xuống biển cũng được phối hợp triển khai nhờ lực lượng y, bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa huyện Tĩnh Gia cùng các xuồng cao tốc của Cảng vụ Hàng hải Nghi Sơn và Đồn Biên phòng Nghi Sơn.

Khi mọi lực lượng được phối hợp nhịp nhàng, sẽ phát huy được vai trò ứng cứu, hỗ trợ trong việc ngăn ngừa thảm họa cháy nổ. Một quy chế phối hợp giữa các đơn vị liên quan, các doanh nghiệp trong Khu Kinh tế Nghi Sơn đã được triển khai, có sự đồng thuận cao. Phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ) đã được triển khai đúng nghĩa trên thực tế chứ không còn là khẩu hiệu chung chung, đã phát huy hiệu quả. Khi có sự phối hợp, việc nhận thức cũng như trách nhiệm cộng đồng của từng đơn vị tham gia cũng sẽ được nâng cao. Ông Nguyễn Phương Đông, Trưởng Ban An toàn sức khỏe – môi trường và xã hội của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, cho biết: Với đặc thù riêng nên xuyên suốt quá trình hoạt động của nhà máy, chúng tôi luôn đặt vấn đề an toàn cháy nổ lên trên hết. Tuy nhà máy có một bộ phận chuyên phụ trách và trực chiến trong công tác PCCC, có phương tiện cứu hỏa riêng, nhưng không thể bảo đảm dập lửa hiệu quả nếu có thảm họa cháy lớn. Nay, Công an tỉnh, Sở Công Thương Thanh Hóa có phương án để gắn kết các đơn vị liên quan, các nhà máy cùng phối hợp, hỗ trợ nhau triển khai PCCC, chúng tôi yên tâm hơn nhiều. Về phía Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, chúng tôi cũng sẵn sàng triển khai lực lượng và phương tiện của mình để hỗ trợ nếu các đơn vị khác trong Khu Kinh tế Nghi Sơn xảy ra cháy nổ.

Nguồn: