Nên miễn toàn bộ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng
03:24 SA @ Thứ Năm - 29 Tháng Chín, 2022

Ngoài việc đề xuất giảm thuế với xăng dầu, Bộ Tài chính cần nhanh chóng tháo gỡ khó khăn về chi phí kinh doanh định mức cho các thương nhân kinh doanh xăng dầu.

Bộ Tài chính vừa có công văn gửi các bộ, ngành xin ý kiến về dự thảo nghị quyết của Quốc hội đề xuất giảm tối đa 50% mức thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với xăng (bao gồm cả xăng E5, E10) và giảm tối đa 50% mức thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với xăng các loại, nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut, dầu nhờn và mỡ nhờn.

Thời gian áp dụng việc giảm thuế là sáu tháng, kể từ ngày nghị quyết có hiệu lực thi hành.

Nên miễn toàn bộ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng ảnh 1

Ảnh: HOÀNG GIANG

Doanh nghiệp, người dân hưởng lợi

Theo Bộ Tài chính, việc giảm hai sắc thuế này sẽ giúp cho người dân và doanh nghiệp hưởng lợi do giảm được chi phí trực tiếp trong tiêu thụ xăng dầu cũng như giảm các chi phí gián tiếp từ các sản phẩm tiêu dùng khác. Đồng thời, chính sách trên còn góp phần giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp các doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi cũng như mở rộng sản xuất, kinh doanh.

“Nếu từ ngày 1-11 tới đây, biện pháp giảm thuế TTĐB, thuế VAT có hiệu lực, dự kiến giúp giảm chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân năm nay khoảng 0,15%. Tuy nhiên, tác động của việc giảm thuế đến CPI còn tùy thuộc vào biến động của mức giá bán lẻ xăng dầu tại mỗi kỳ điều hành” - Bộ Tài chính phân tích.

Góp ý cho dự thảo nghị quyết trên, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá rằng chính sách giảm 50% thuế như đề xuất của Bộ Tài chính là tích cực. Tuy nhiên, cơ quan này đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục xem xét nghiên cứu, đánh giá tác động của chính sách miễn giảm toàn bộ thuế TTĐB đối với mặt hàng xăng.

“Việc miễn giảm toàn bộ thuế TTĐB sẽ cần thiết trong bối cảnh thế giới có rất nhiều yếu tố bất ổn có thể xảy ra trong thời gian tới” - VCCI góp ý.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), nhấn mạnh rằng Nhà nước cần giảm 50% VAT và thuế TTĐB, thậm chí có thể giảm 100% thuế TTĐB với xăng. Bởi xét trên các yếu tố như chính sách tiền tệ không còn nhiều dư địa giúp ổn định vĩ mô và hỗ trợ cho các nhóm bị tác động bởi lạm phát cũng như phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Trong khi đó, lạm phát chi phí đẩy đã diễn ra từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay và có thể tiếp tục dồn sang giá cả hàng hóa dịch vụ đầu cuối. Điều này khiến áp lực lạm phát giai đoạn cuối năm vẫn có thể tăng. Cùng với đó, tình hình thế giới bất ổn, dịch bệnh chưa hoàn toàn chấm dứt… khiến nguy cơ biến động giá cả đầu vào nói chung, xăng dầu nói riêng vẫn rất lớn. Vì vậy việc miễn, giảm thuế với xăng dầu là rất cần thiết.

Tương tự, ông Trịnh Quang Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, bày tỏ nhất trí với đề xuất giảm hai sắc thuế với xăng dầu của Bộ Tài chính. Riêng đối với mặt hàng xăng dầu sinh học, hiệp hội kiến nghị giảm 50% thuế trong dài hạn thay vì chỉ trong sáu tháng như đề nghị của Bộ Tài chính.

Kiến nghị tính đúng, tính đủ chi phí với xăng dầu

Trong báo cáo vừa gửi Bộ Công Thương, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Công Thương ghi nhận các khoản chi phí, phụ phí xăng dầu trong nước (từ nhà máy lọc dầu về tới kho của công ty đầu mối) vào cơ cấu giá bán lẻ. Qua đó nhằm phản ánh đúng chi phí thực tế và đảm bảo tính đúng, tính đủ giá cơ sở hiện hành.

UBND TP.HCM cũng khiến nghị cơ quan chức năng nghiên cứu tỉ lệ và cho phép công ty xăng dầu được điều chỉnh linh động, đột xuất khi giá biến động vượt ngưỡng. Từ đó góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp đủ bù đắp chi phí kinh doanh, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên.

Giảm thuế vẫn chưa đủ

Ở góc độ nhà bán lẻ, ông Giang Chấn Tây, chủ Công ty Xăng dầu Bội Ngọc với hệ thống sáu cửa hàng tại Trà Vinh, nêu quan điểm: Đề xuất giảm hai sắc thuế với xăng dầu của Bộ Tài chính nếu áp dụng vào thực tế thì cả người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp sản xuất đều được lợi. Tuy nhiên, đối với các nhà bán lẻ xăng dầu vẫn chưa thoát khỏi khó khăn.

Đơn cử, hiện nay do mức chiết khấu cho các cửa hàng bán lẻ quá thấp nên dù thuế VAT có giảm cũng không tác động lớn vì chênh lệch quá nhỏ. Đối với việc giảm thuế TTĐB sẽ giúp giá bán lẻ của mỗi lít xăng dầu giảm, người dân hưởng lợi. Nhưng các công ty đầu mối khi nhập về không lời nhiều nên họ ép cửa hàng bán lẻ bằng mức hoa hồng thấp. Vì vậy, dù giảm thuế TTĐB vẫn không khắc phục được tình trạng khó khăn của cửa hàng bán lẻ xăng dầu hiện nay.

Từ thực tế trên, ông Giang Chấn Tây kiến nghị Nhà nước thay đổi công thức tính giá cơ sở với xăng dầu vốn được áp dụng từ năm 2014 đến nay đã quá lỗi thời, gây ra nhiều hệ lụy. Đồng thời, Nhà nước cần có quy định về mức chiết khấu đối với các công ty có đại lý bán lẻ xăng dầu.

“Mức chiết khấu cho đại lý phải 1.200-1.500 đồng/lít, tương đương 5%-6% giá bán mỗi lít xăng dầu và khi giá thế giới tăng áp theo tỉ lệ này để điều chỉnh. Nếu áp dụng như vậy thị trường xăng dầu sẽ ổn định ngay lập tức” - ông Tây nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Trịnh Quang Khanh cũng cho rằng việc đề xuất giảm thuế xăng dầu là cần thiết nhưng chưa đủ. Bởi lẽ khó khăn nhất hiện nay của các nhà bán lẻ xăng dầu là mức hoa hồng nhận được rất thấp (0 đồng hoặc âm) nên không đủ chi phí để duy trì kinh doanh khiến nhiều cửa hàng lỗ, đóng cửa.

Do đó, vấn đề cốt lõi mà Bộ Tài chính phải tháo gỡ ngay là nâng chi phí kinh doanh định mức cho các thương nhân đầu mối xăng dầu. Bởi khi tính đúng, tính đủ thì các công ty đầu mối xăng dầu mới có cơ hội tăng thêm thù lao, hoa hồng cho các đại lý bán lẻ. Bên cạnh đó cần tính chi phí tạo nguồn từ nhà máy lọc dầu trong nước về các kho cảng xăng dầu.

“Bộ Công Thương cũng đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính hai vấn đề trên nhưng chưa được thực hiện” - ông Khanh nhấn mạnh.•

Bỏ thuế TTĐB vì xăng không phải là hàng xa xỉ

Hiện trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu có bốn sắc thuế gồm thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, thuế TTĐB và VAT. Trong đó, riêng thuế TTĐB trên mỗi lít xăng hiện nay là 10%, như vậy nếu giảm một nửa thuế như đề xuất của Bộ Tài chính, mức thuế suất áp trên mỗi lít xăng là 5%.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đề nghị nên loại bỏ thuế TTĐB với xăng. Lý do loại thuế này được áp dụng với các mặt hàng xa xỉ, không khuyến khích tiêu dùng như thuốc lá, rượu bia, xe sang, du thuyền... Trong khi đó xăng là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, phổ biến, vì vậy không nên đánh thuế TTĐB với mặt hàng này.

Nguồn: