Kiến nghị giảm thuế cho xe 'lai' xăng và điện
02:44 SA @ Thứ Ba - 23 Tháng Tám, 2022

Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) vừa đề nghị Chính phủ một số nội dung nhằm phát triển ngành công nghiệp ô tô trong trung và dài hạn, giai đoạn từ năm 2030 - 2050.

Ảnh minh họa.

Liên quan chính sách phát triển xe điện hóa, VAMA đề xuất có ưu đãi phù hợp cho từng dòng xe nhằm hỗ trợ và khuyến khích người tiêu dùng, đồng thời hướng tới giảm mức phát thải CO2.

Cụ thể, để đóng góp ngay vào việc giảm phát thải mà không đòi hỏi đầu tư lớn cho hạ tầng trạm sạc, có thể giảm Thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ với những dòng xe Hybird có mức phát thải thấp như HEV, PHEV (xe “lai” xăng và điện). Sau đó, tiến tới đầu tư lớn và đồng bộ để phát triển hệ thống trạm sạc; tích hợp với giao thông tĩnh để có thể sạc trong lúc đỗ xe; hệ thống nguồn phát điện bảo đảm đủ nguồn điện sạch…

Lý do VAMA kiến nghị vấn đề này là đầu năm nay, Quốc hội đã quyết nghị giảm Thuế tiêu thụ đặc biệt với xe điện chạy pin dưới 9 chỗ ngồi từ 15% xuống còn 3%. Mức thuế mới áp dụng từ tháng 3 năm nay, trong vòng 5 năm. Sau tháng 3/2027, thuế suất tiêu thụ đặc biệt với dòng xe điện chạy pin là 11%. Trong khi đó, các dòng xe điện "lai" như HEV, PHEV... không được hưởng chính sách ưu đãi này, tức là vẫn bị áp Thuế tiêu thụ đặc biệt 15% và lệ phí trước bạ 100%.

Bên cạnh đó, liên quan quy định giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu cho phương tiện giao thông đường bộ tại Việt Nam, VAMA đề xuất xây dựng mức tiêu thụ nhiên liệu dựa trên nguyên tắc trung bình chung thay vì mức tiêu thụ nhiên liệu áp cố định cho từng dòng xe.

Hiệp hội đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt chiến lược phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam trong tình hình mới. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm chính sách ưu đãi cụ thể, đặc thù cho ngành công nghiệp sản xuất ô tô và công nghiệp hỗ trợ cho ô tô; tạo hành lang pháp lý, thực sự thu hút và khuyến khích doanh nghiệp; bảo đảm phù hợp với các cam kết quốc tế.

Tại cuộc đối thoại giữa Thủ tướng và doanh nghiệp diễn ra hồi đầu tháng 8 vừa qua, ông Phạm Văn Tài - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco) đã kiến nghị một số giải pháp để tạo động lực phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh nhanh và bền vững.

Cụ thể, đối với ngành công nghiệp ô tô, để giúp doanh nghiệp lắp ráp sản xuất ô tô trong nước gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội sửa đổi bổ sung Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó giá tính thuế giá trị đặc biệt đối với ô tô sản xuất trong nước được tính theo hướng: Giá trị sản xuất trong nước (tức là tỷ lệ nội địa hóa) được khấu trừ vào giá thuế tiêu thụ đặc biệt.

Đối với ngành cơ khí và công nghiệp hỗ trợ, kiến nghị Chính phủ sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung Luật Phát triển công nghiệp vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2023 được Quốc hội thông qua, tạo hành lang pháp lý để thu hút các doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp, thúc đẩy xây dựng nền công nghiệp tự chủ góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nguồn: