Hội nghị phổ biến pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu
08:25 SA @ Thứ Năm - 20 Tháng Giêng, 2022

Sáng ngày 20/01/2022, Bộ Công Thương phối hợp Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị phổ biến pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại trụ sở Bộ Công Thương kết hợp với hình thức trực tuyến tại điểm cầu các Sở Công Thương địa phương, các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu.

Các văn bản pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu được trao đổi tại Hội nghị gồm: Nghị định số 95/2021/NĐ-CP (Nghị định số 95) ngày 01 tháng 11 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, Thông tư số 17/2021/TT-BCT (Thông tư số 17) ngày 15 tháng 11 năm 2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 38/2014/TT-BCT ngày 24 tháng 10 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Thông tư số 103/2021/TT-BTC (Thông tư số 103) và 104/2021/TT-BTC (Thông tư số 104) ngày 18 tháng 11 năm 2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn phương thức trích lập, chi sử dụng, quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu, hướng dẫn phương pháp xác định yếu tố cấu thành trong công thức giá cơ sở xăng dầu.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương và ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Giá – Bộ Tài chính đồng chủ trì Hội nghị

Nhiều điểm mới được sửa đổi, bổ sung trong Nghị định số 95

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông đã chia sẻ một số nội dung mới tại Nghị định số 95 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Cụ thể, Nghị định bổ sung đối tượng quản lý bao gồm cả xăng dầu được sản xuất từ các nguyên liệu khác ngoài dầu thô nhằm bảo đảm việc quản lý mặt hàng được đầy đủ, phù hợp với thực tế các doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh.

Cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước nếu có hoạt động sản xuất có thể chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép nhằm quy định chính thức về việc mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trên sàn chứng khoán, giúp thu hút vốn đầu tư cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh xăng dầu, cải thiện công tác quản trị doanh nghiệp, giúp minh bạch hơn các báo cáo tài chính, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của ngành xăng dầu.

Sửa đổi công thức tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu theo hướng kết cấu từ 02 nguồn trong nước và nhập khẩu, tính bình quân theo tỷ trọng tiêu thụ thực tế để đưa ra mức giá điều hành là giá tối đa định hướng cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu xác định giá bán lẻ của mình. Quy định cụ thể về cách tính chi phí thuế theo phương pháp bình quân gia quyền từ các nguồn trong công thức tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu.

Sửa đổi mức biến động giá cơ sở giữa 02 kỳ điều hành giá liên tiếp cần xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ từ mức 7% lên mức 10% để tăng tính chủ động cho cơ quan điều hành giá xăng dầu. Đồng thời, sửa đổi quy định về chu kỳ điều hành giá từ 15 ngày xuống còn 10 ngày và quy định cố định kỳ điều hành giá xăng dầu vào các ngày 01, 11, 21 hàng tháng nhằm bảo đảm giá xăng dầu trong nước bám sát diễn biến giá xăng dầu trên thị trường thế giới.

Ông Trần Duy Đông cho biết, Nghị định số 95 cũng đã bổ sung quy định về Quỹ bình ổn giá (BOG) theo hướng quy định rõ hơn, chặt chẽ hơn cơ chế báo cáo, theo dõi số dư tài khoản Quỹ BOG tại ngân hàng, trách nhiệm của thương nhân đối với Quỹ BOG, các chế tài xử phạt khi vi phạm. Đồng thời, quy định về cách tính lãi suất tiền gửi khi Quỹ dương và lãi suất vay khi Quỹ âm nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp.

Sửa đổi quy định về dự trữ xăng dầu theo hướng giảm số ngày dự trữ bắt buộc của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu từ 30 ngày xuống 20 ngày, bổ sung trách nhiệm dự trữ đối với thương nhân phân phối thêm 05 ngày và của thương nhân sản xuất xăng dầu theo quy định để bảo đảm sự công bằng và chia sẻ trách nhiệm giữa các doanh nghiệp tham gia cung ứng xăng dầu tại thị trường trong nước.

Bổ sung quy định cho phép thương nhân sản xuất xăng dầu có thể bán xăng dầu đặc chủng trực tiếp cho các đơn vị chức năng phục vụ mục tiêu an ninh, quốc phòng theo danh sách đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm chủ động nguồn hàng cho lực lượng quân đội, phát huy năng lực trong nước thay thế và tránh lệ thuộc hàng nhập khẩu, cấp phát trực tiếp đến các đơn vị chiến đấu nhằm bảo đảm bí mật quân sự.

Đưa loại hình kinh doanh bằng thiết bị bán xăng dầu quy mô nhỏ vào quản lý, quy định rõ địa bàn được phép kinh doanh, điều kiện kinh doanh để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho các địa bàn vùng sâu, vùng xa (không được các doanh nghiệp đầu tư cây xăng do kém hiệu quả về kinh tế), đồng thời để giảm thiểu nguy cơ mất an toàn cháy nổ khi người dân kinh doanh tự phát.

Sửa đổi các điều kiện kinh doanh như: cho phép thương nhân đầu mối được cho thuê kho, phương tiện vận tải nhằm tránh lãng phí nguồn lực xã hội; bỏ khái niệm đồng sở hữu, thay vào đó quy định chung về khái niệm sở hữu cho phù hợp với pháp luật hiện hành về các loại hình sở hữu và chặt chẽ hơn trong công tác quản lý điều kiện kinh doanh; cho phép doanh nghiệp có thể thuê cửa hàng xăng dầu để kinh doanh cho phù hợp với thực tế và nhu cầu kinh doanh; quy định cụ thể hơn về điều kiện kinh doanh nhiên liệu bay.

Bổ sung quy định về quyền của thương nhân phân phối được bán xăng dầu cho các đơn vị trực tiếp sử dụng xăng dầu để sản xuất; quyền được nhập khẩu của thương nhân sản xuất xăng dầu để bảo đảm cung ứng xăng dầu theo hợp đồng đã ký với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Bỏ quy định yêu cầu thương nhân đầu mối phải nhập khẩu xăng dầu trong 01 Quý; bỏ quy định về hạn mức nhập khẩu xăng dầu tối thiểu thay vào đó là quy định về tổng nguồn xăng dầu tối thiểu giao cho các thương nhân đầu mối, đồng thời đổi tên thương nhân đầu mối kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu thành thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cho phù hợp với thực tế cơ cấu nguồn cung xăng dầu của Việt Nam hiện nay (70-75% sản xuất trong nước).

Ngoài ra, sửa đổi, bổ sung nội dung giải thích từ ngữ để thống nhất cách hiểu trong khuôn khổ Nghị định như khái niệm về xăng dầu; sản xuất xăng dầu; giá thế giới; giá cơ sở; thương nhân đầu mối; nhiên liệu sinh học; Quỹ bình ổn giá xăng dầu; bỏ quy định về quyền áp dụng các công cụ, nghiệp vụ phái sinh (do đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 158/2006/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2006 quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa và Nghị Nghị định số 51/2018/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2018 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 158/2006/NĐ-CP) phù hợp với thực tế và những quy định liên quan. Bổ sung trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu nội dung có bản sao Hợp đồng mua bán xăng dầu giữa các doanh nghiệp cho phù hợp với các quy định trong mẫu Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP.

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Tại Hội nghị, ông Hoàng Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã làm rõ hơn những điểm mới trong Thông tư số 17 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 38/2014/TT-BCT ngày 24 tháng 10 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP; bà Trần Thị Mỹ Dung – Trưởng phòng, Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) chia sẻ thêm về Thông tư số 103 và Thông tư số 104 của Bộ Tài chính hướng dẫn phương thức trích lập, chi sử dụng, quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu, hướng dẫn phương pháp xác định yếu tố cấu thành trong công thức giá cơ sở xăng dầu.

Bà Trần Thị Mỹ Dung – Trưởng phòng, Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính)

“Nghị định số 95, Thông tư số 17 là những văn bản sửa đổi, bổ sung, không phải là văn bản thay thế hoàn toàn, do đó, doanh nghiệp cần lưu ý để áp dụng song song với các văn bản trước đó là Nghị định số 83 và Thông tư số 38 để thực hiện cho đúng”, ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Quản lý Giá lưu ý.

Đại diện tiếng nói của các doanh nghiệp, ông Trịnh Quang Khanh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cảm ơn Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã tổ chức Hội nghị để phổ biến 4 văn bản pháp luật mới trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, đồng thời, lắng nghe và giải đáp những vướng mắc của địa phương và doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam nêu 4 ý kiến trao đổi với các cơ quan quản lý về việc nghiên cứu về cơ cấu sản phẩm sao cho phù hợp thực tiễn; sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật đối với Diezen (theo Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg ngày 01/09/2011) để các thương nhân có cơ sở thực hiện; vấn đề đấu nối giao thông, khoảng cách giữa các cửa hàng xăng dầu; chi phí kinh doanh xăng dầu định mức và lợi nhuận định mức…

Ông Trịnh Quang Khanh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam

Giải đáp vấn đề Hiệp hội Xăng dầu quan tâm liên quan đến Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Vụ trưởng Vụ Thị trong nước trường Trần Duy Đông cho biết, Bộ Công Thương là đầu mối, cùng với Bộ Tài chính đã nhiều lần góp ý, đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ sớm ban hành quy chuẩn, tạo cơ sở để các doanh nghiệp thực hiện.

Bên cạnh đó, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông và Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn cũng đã phản hồi cụ thể các ý kiến của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, Sở Công Thương Long An, Sở Công Thương Bắc Kạn, Sở Công Thương Ninh Thuận, Sở Công Thương Thái Nguyên…

Kết luận tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông nhấn mạnh, trong quá trình triển khai, áp dụng các văn bản pháp luật mới, doanh nghiệp và địa phương nếu có vướng mắc thì phản ánh tới Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) hoặc Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính). Các cơ quan quản lý sẽ tiếp thu các ý kiến, giải đáp các vướng mắc theo hướng hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân và cao hơn là đảm bảo mục tiêu an ninh năng lượng quốc gia.

Nguồn: