Hoa hồng xăng dầu, mập mờ nảy sinh xin cho
01:47 SA @ Thứ Năm - 08 Tháng Mười Một, 2012
Cơ chế mới về chi phí kinh doanh xăng dầu, đặc biệt là phí hoa hồng vẫn mơ hồ. Nhiều ý kiến lo ngại, Bộ Tài chính không nêu rõ nguyên tắc cơ sở điều chỉnh, tính toán thì sẽ dễ nảy sinh cơ chế xin - cho, khiến điều hành xăng dầu tiếp tục rối như canh hẹ.

Áp mức đáy: Đại lý muốn bù lỗ phí hoa hồng


Ông Đàm Quang Dũng, Phó Giám đốc Công ty xăng dầu Hà Sơn Bình, một tổng đại lý xăng dầu lớn ở Hà Nội bày tỏ: "Chúng tôi rất đồng tình với việc khống chế mức trần thù lao xăng dầu. Nhưng nếu thiếu khống chế mức đáy thì thị trường bán lẻ xăng dầu sẽ vẫn... lung tung".

Sở dĩ ông Dũng nói vậy là bởi thời gian qua, mỗi lần giá thế giới tăng cao, DN đầu mối thua lỗ, ép phí hoa hồng xuống thấp là ngay lập tức, hệ thống bán lẻ có vấn đề. Các cây xăng bán lẻ không đến nhập hàng, thậm chí, bỏ luôn trong 1 tháng không nhập giọt nào. Trong khi thực tế, cửa hàng đó vẫn mở bán và nhập từ nguồn trôi nổi khác, phí hoa hồng cao hơn.

Về lý thuyết, mức trần và sàn sẽ giữ ổn định thị trường, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh nhưng vấn đề là "mức đáy" này là mức nào?  Khi kinh doanh xăng dầu lỗ kinh khủng, đã có lúc, công ty xăng dầu Hà Sơn Bình chỉ chiết khấu cho đại lý hơn 50 đồng/lít, là mức "tượng trưng", đồng nghĩa đại lý bán lẻ bị buộc phải lỗ theo đầu mối.

Ông Đàm Quang Dũng nói, khi phải áp dụng mức thù lao đại lý tối thiểu, có nghĩa là kinh doanh xăng dầu đang đi xuống,  DN sẽ phát sinh lỗ. Vậy, Nhà nước cần làm rõ sẽ bù đắp thế nào cho DN khi vì áp dụng mức đáy hoa hồng mà chịu lỗ?


  Nên tính chi phí kinh doanh xăng dầu theo CPI (ảnh: P.H)

Theo ông Dũng, hiện nay, thù lao đại lý trong hệ thống phân phối của công ty Hà Sơn Bình đang là 330 đồng/lít xăng dầu áp dụng từ 25/10. Trước đó, mức thù lao đại lý áp dụng từ 5/10 đến 24/10 chỉ là 280 đồng/lít. Với mức này, các đại lý bán lẻ mới là... ngoi ngóp thở được thôi.

Chia sẻ với VietnamNet, chủ cửa hàng xăng dầu Thanh Huy- một cây xăng bán lẻ lớn tại Hà Nội cho rằng, Bộ tài chính phải quy định cụ thể hơn nữa về điều kiện kèm theo. Ví dụ, cùng với việc quy định tối đa thù lao bằng 50% chi phí kinh doanh xăng dầu nhưng phải làm rõ, đây là khoản thù lao tính cho xăng dầu giao tại cửa hàng đại lý. Nếu như phần vận chuyển xăng dầu do đại lý bán lẻ chịu trách nhiệm, nguy cơ các DN đầu mối đẩy phần khó cho đại lý là có thể.

Đơn cử như,  khi vận chuyển xăng dầu từ Hải Phòng về Hà Nội, giá cước đã mất 220 đồng/lít. Nếu thù lao chỉ 300 đồng/lít, bằng 50% mức chi phí kinh doanh xăng dầu theo quy định của Bộ Tài chính hiện hành thì các đại lý chỉ còn 80 đồng/lít thù lao, không đủ trang trải chi phí cửa hàng.

Theo chủ cửa hàng này, thù lao do PV Oil hiện nay đang chào tới 650-700 đồng/lít từ Hải Phòng về Hà Nội, phần vận chuyển do đại lý chịu trách nhiệm. Như vậy, sau khi trừ cước vận tải, các đại lý của PVOil có mức thù lao tới 450-500 đồng/lít.

Thiếu minh bạch, dễ nảy sinh xin - cho

Tránh một con số quá cứng điểm tích cực của dự thảo mới về cơ chế quản chi phí kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, Bộ Tài chính lại vẫn chưa chỉ ra được kịch bản rõ ràng cho việc điều hành này.

"Linh hoạt nhưng phải có nguyên tắc", ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex nhấn mạnh như vậy.

Ông Năm tỏ ra thất vọng: "Bộ Tài chính sẽ tính chi phí kinh doanh xăng dầu theo từng giai đoạn để tính giá cơ sở. Tuy ưu việt hơn việc đưa ra 1 con số cố định rồi sớm bị lạc hậu, nhưng  thực ra, lại vẫn rất tù mù".

Theo lý giải của ông Năm, DN sẽ rất bị động, không biết đâu mà lần, không biết khi nào điều chỉnh, người tiêu dùng khó giám sát. Tình cảnh này giống như chuyện thuế nhập khẩu xăng dầu liên tục điều chỉnh theo ý chí của Bộ Tài chính, lúc tăng, lúc giảm, DN không thể chủ động được kế hoạch kinh doanh.

"Thành ra, việc quản lý chi phí kinh doanh xăng dầu lại không công khai, không minh bạch mà đây là điểm mà người tiêu dùng đòi hỏi mạnh mẽ nhất", ông Năm cảnh báo.

Lãnh đạo Tập đoàn Petrolimex cho rằng, cuối năm, các dự báo kinh tế xã hội vĩ mô đều được tính toán cụ thể, trong đó có CPI năm sau. Bộ Tài chính cần có nguyên tắc minh bạch khi điều chỉnh chi phí này, như thay đổi theo CPI. Đặc biệt, dứt khoát Bộ phải công bố định kỳ đầu năm để DN còn chủ động kinh doanh. Sau 2-3 năm, Bộ có thể rà soát lại khoản chi phí này.

Ông Đàm Quang Dũng cũng lo ngại, nếu không nêu rõ nguyên tắc điều chỉnh thì rất dễ nảy sinh hiện tượng xin- cho. Việc ra quyết định mức chi phí kinh doanh xăng dầu này sẽ dựa vào hoạt động thực tế của DN. Nếu việc quyết định mức phí lại dựa trên các bản đăng ký của doanh nghiệp, giống như đăng ký giá thì tức khắc, sẽ có chuyện xin- cho. Mỗi doanh nghiệp sẽ có một mức chi phí lưu thông khác nhau, Bộ Tài chính "nên" tin ai?

Chủ một cửa hàng xăng dầu thì tỏ ra bức xúc, hơn 10.000 cây xăng bán lẻ, thực chất là các DN nhỏ và vừa hầu như không được lấy ý kiến đóng góp. Các Bộ chỉ dựa trên báo cáo của vài DN đầu mối. Liệu, việc sửa đổi cơ chế như vậy có đảm bảo tính thực tiễn, khách quan hay không? Rốt cục, số phận của hàng nghìn DN bán lẻ xăng dầu lại phụ thuộc vào mấy DN đầu mối Nhà nước độc quyền.

Trên thực tế, ngay từ tháng 4/2011, vấn đề sửa đổi Thông tư 234 đã được nêu ra. Dựa vào báo cáo của các dầu mối, Liên Bộ từng dự kiến con số chí phí kinh doanh cố định 860 đồng/lít, nhưng đến nay, sau 1 năm rưỡi, Thông tư vẫn chưa sửa xong.

Thời gian qua, các DN đều báo cáo Bộ Tài chính tình hình chi phí kinh doanh thực tế nhưng ngay đến thời điểm này, việc sửa đổi cũng đã lỗi nhịp. Theo rà soát mới đây của một số DN đầu mối lớn, mức chi phí kinh doanh xăng dầu, bao gồm cả hao hụt đã lên tới trên 1.000 đồng/lít.

Theo kiến nghị của ông Đàm Quang Dũng, để minh bạch, khách quan, các Bộ có thể dựa vào kết luận kiểm toán xăng dầu để quyết định mức chi phí kinh doanh xăng dầu thay vì dựa vào bản báo cáo, đăng ký của DN.
Nguồn: