Dự án lọc hóa dầu Long Sơn chưa thể triển khai năm nay
02:20 SA @ Thứ Sáu - 15 Tháng Bảy, 2016

Tổ hợp lọc hóa dầu Long Sơn có tổng vốn đầu tư 4,5 tỉ đô la Mỹ ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, sau nhiều năm trì hoãn thực hiện, vẫn chưa thể tiến hành khởi công trong năm nay như một số báo thông tin gần đây.

Ông Roongrote Rangsiyopash (giữa), chia sẻ thông tin về chiến lược và định hướng của tập đoàn với báo chí Việt Nam và Thái Lan vào chiều hôm nay. Ảnh: Quốc Hùng

Chiều hôm nay, 14-7, ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành của Tập đoàn SCG, một trong những nhà đầu tư chính của dự án tỉ đô la Mỹ nói trên, cho biết tập đoàn vẫn tiếp tục theo đuổi dự án tổ hợp này và hiện dự án đang ở giai đoạn cuối cùng, chỉ còn phần tài chính nữa là có thể bắt đầu cho triển khai xây dựng.

SCG mở rộng hoạt động ở Việt Nam như một quốc gia chiến lược từ năm 1992 và dần mở rộng đầu tư đa ngành, gồm lĩnh vực xi măng-vật liệu xây dựng, hóa chất và bao bì với 20 công ty đang hoạt động ở Việt Nam và hơn 6.900 nhân viên.

Tuy nhiên, chia sẻ với báo chí Việt Nam và Thái Lan nhân dịp tham dự sự kiện kỷ niệm 10 năm học bổng Chung một ước mơ - dự án trách nhiệm xã hội của SCG tại Việt Nam, ông Rangsiyopash cho rằng đến cuối năm nay tỷ lệ góp vốn của các đối tác trong liên doanh của dự án này mới kết lại, khi đó mới biết được các giải pháp về tài chính để có thể triển khai. Và như thế dự kiến đến cuối năm sau dự án mới có thể triển khai xây dựng.

Vào năm ngoái, thông tin về việc Tập đoàn dầu khí quốc gia Qatar chính thức xin rút vốn khỏi dự án này do phải tái cơ cấu và thay đổi chiến lược phát triển đã làm cho nhiều chuyên gia lo ngại dự án đầu tư này sẽ tiếp tục gặp khó sau gần 8 năm trì hoãn. Bởi Qatar không chỉ là nhà đầu tư góp vốn mà còn là đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp nguyên liệu cho dự án.

Liên quan đến chiến lược và định hướng của tập đoàn tại thị trường Việt Nam, lãnh đạo tập đoàn Thái Lan này cho biết đến nay SCG đã đầu tư hơn 800 triệu đô la Mỹ vào Việt Nam với nhiều dự án khác nhau và công ty đang tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư các dự án khác.

"Chiến lược kinh doanh của SCG là mở rộng hoạt động sang các nước ASEAN, và Việt Nam là một trong những đích đến tiềm năng của tập đoàn", ông Rangsiyopash nói và hy vọng số vốn đầu tư của SCG tại Việt Nam sẽ đạt khoảng 1 tỉ đô la Mỹ vào cuối năm nay.

Mục tiêu này theo ông Rangsiyopash là có thể đạt được bởi SCG đang tiếp tục đầu tư mở rộng nhà máy sản xuất giấy công nghiệp ở Bình Dương, đầu tư dây chuyền gạch men mới ở miền Bắc...

Ngoài việc rót vốn đầu tư trực tiếp, trong những năm gần đây, SCG còn mở rộng đầu tư vào Việt Nam qua con đường mua bán và sáp nhập (M&A).

Ngoài ra, SCG còn cam kết phát triển bền vững trong việc bảo vệ môi trường cao và có trách nhiệm xã hội tại Việt Nam.

Tổ hợp lọc hóa dầu miền Nam có tổng diện tích trên 460 héc ta, nằm trong Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn được khởi công vào năm 2008 để có thể có sản phẩm vào cuối năm 2012. Tuy nhiên dự án đã bị chậm do một số lý do về giải phóng mặt bằng cũng như thay đổi đối tác cùng nhiều khó khăn khác, dẫn đến ngừng thực hiện kéo dài đến nay.

Riêng về phía SCG, lãnh đạo tập đoàn này đánh giá đây là dự án rất lớn tại Việt Nam mà SCG đã theo đuổi nhiều năm qua và cam kết sẽ tham gia vào dự án.

Ở thời điểm cuối năm 2013, SCG nắm giữ hơn 28% cổ phần của dự án, phần còn lại thuộc về các đối tác gồm Tập đoàn Qatar Petroleum, Tâp đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PetroVietnam-PVN) và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem). Tuy nhiên, hiện nay dự án này chỉ còn SCG và PVN.

Nguồn: