Dai dẳng chống buôn lậu xăng dầu trên biển
03:09 SA @ Thứ Tư - 08 Tháng Tám, 2018

Giá xăng dầu nhập lậu chênh lệch với giá xăng dầu nhập khẩu chính ngạch khoảng 40%. Lợi nhuận kếch xù nên các đầu nậu xăng dầu đã sử dụng mọi thủ đoạn để buôn lậu.

Cảnh sát biển vùng 4 kiểm tra tàu chở 600.000 lít dầu DO bắt giữ tại vùng biển Cà Mau ngày 2/3/2018. Ảnh: Thanh Hải.

Thông tin từ Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, 6 tháng đầu năm 2018, lực lượng Cảnh sát biển đã phát hiện, xử lý 20 tàu/107 đối tượng trong đó có 20 đối tượng người nước ngoài liên quan đến mua bán xăng dầu, xử phạt 1,4 tỷ đồng, tịch thu 7,5 triệu lít xăng dầu, bán phát mại, thu nộp vào ngân sách trên 90 tỷ đồng. Để đối phó lực lượng chức năng khi bị bắt giữ, các đối tượng còn sử dụng hóa đơn của tàu dịch vụ hậu cần nghề cá để buôn lậu xăng dầu trên biển gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý. Bên cạnh đó, các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép xăng dầu thường hoạt động ở các vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam với vùng biển các nước: Thái Lan, Malaysia, khi thấy có động lập tức bỏ chạy sang khu vực biển nước ngoài. Mặt khác, hầu hết các phương tiện chở xăng dầu lậu trên biển đều sở hữu trang thiết bị hiện đại có thể quan sát từ xa, theo dõi lực lượng chức năng khi thực hiện tuần tra, kiểm soát.

Báo cáo mới nhất từ Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công an cũng chỉ rõ, ngoài một số mặt hàng vi phạm như khoáng sản, thuốc lá, rượu ngoại, hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng, hoạt động buôn lậu xăng, dầu vẫn diễn phức tạp trên biển. Do lợi nhuận từ hoạt động buôn lậu xăng dầu rất lớn, giá xăng dầu nhập lậu chênh lệch với giá xăng dầu nhập chính ngạch khoảng 40%, nên các đối tượng buôn lậu xăng dầu đã triệt để lợi dụng. Thủ đoạn của các đối tượng là móc nối, liên hệ trực tiếp với các chủ đầu nậu ở nước ngoài để nhập lậu xăng, dầu với số lượng lớn, khi vận chuyển đến khu vực lãnh hải Việt Nam thì tổ chức sang mạn qua các tàu nhỏ hoặc tàu cá của ngư dân để tập kết tại kho hoặc mang đi bán trôi nổi trên các tuyến sông, cảng biển.

Không chỉ phức tạp trên biển, trong địa bàn kiểm soát Hải quan, lực lượng Hải quan đã phát hiện, xử lý nhiều vụ buôn lậu xăng dầu có quy mô lớn, phức tạp, thậm chí buôn lậu ngay trong khâu NK. Những tháng đầu năm 2018, lực lượng kiểm soát Hải quan trên biển đã phát hiện 3 vụ vi phạm trong địa bàn hoạt động hải quan, hàng hóa vi phạm 100 m3 xăng, 40 m3 dầu DO, 70.000 lít dầu DO, 12.993 lít dầu DO (ở nhiệt độ 20°C). Hoạt động mua bán vận chuyển trái phép dầu DO trên biển chủ yếu là không có hóa đơn, chứng từ hoặc chưa có đầy đủ hóa đơn, chứng từ kèm theo tại thời điểm kiểm tra; cấp bán dầu DO không đúng địa điểm, vị trí quy định, sang mạn trái phép.

Trước đó, trong hoạt động NK, lực lượng Hải quan phát hiện một doanh nghiệp lợi dụng tư cách pháp nhân là một đơn vị đầu mối NK xăng dầu, một số đối tượng khác tổ chức buôn lậu xăng dầu bằng thủ đoạn thuê tàu nước ngoài có trọng tải trên 10.000 tấn chở xăng, dầu mua từ Singapore chạy thẳng về Việt Nam nhưng làm thủ tục NK chỉ khai báo trên tờ khai hải quan khoảng từ 2.000 tấn đến 3.000 tấn. Số lượng xăng, dầu còn lại (khoảng 8.000 tấn đến 10.000 tấn), các đối tượng không khai báo, đây là lượng hàng nhập lậu được ước tính trị giá nhiều tỷ đồng.

Bên cạnh việc tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát trên các tuyến địa bàn trọng điểm, để giám sát, kiểm soát hiệu quả hoạt động XNK xăng dầu, kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi buôn lậu, vận chyển trái phép xăng dầu, thời gian tới, Tổng cục Hải quan tiếp tục triển khai các giải pháp tăng cường giám sát đối với xăng dầu XNK. Tổng cục Hải quan cũng chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Tài chính trong việc triển khai các giải pháp nghiệp vụ nhằm ngăn chặn, đấu tranh đẩy lùi hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép xăng dầu. Đồng thời, các đơn vị tổ chức tuyên truyền ngay tại cửa khẩu, cảng biển để người dân, doanh nghiệp thấy rõ tác hại của buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép xăng dầu, đồng thời không tham gia, tiếp tay, bao che cho hoạt động này; kịp thời tố giác tội phạm đến cơ quan Hải quan và các lực lượng chức năng có liên quan.

Đối với lực lượng Cảng sát biển, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đẩy mạnh công tác nắm tình hình phục vụ công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển; phối hợp chặt chẽ với tuần tra kiểm soát, thực thi pháp luật trên biển, nhất là ở các vùng biển trọng điểm: Đông Bắc, các khu vực biển giáp ranh với các nước ở vùng biển Tây Nam. Trong quá trình phát hiện, bắt giữ, xử lý vi phạm, tội phạm, các cơ quan, đơn vị cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng đảm bảo công tác xử lý nhanh gọn, chính xác, hiệu quả, tuyệt đối an toàn.

Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2018 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Tư lệnh Cảnh sát biển Nguyễn Văn Sơn dẫn chứng báo cáo của Bộ Tài chính, nhiều địa phương tăng nguồn thu ngân sách từ mặt hàng xăng dầu NK. Có thể thấy, kết quả đấu tranh của các lực lượng chức năng góp phần làm giảm lượng xăng dầu nhập lậu, đồng thời lượng xăng dầu NK tăng lên, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Tư lệnh Cảnh sát biển cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương quản lý chặt chẽ hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tăng chế tài xử lý, áp dụng hình phạt bổ sung như tịch thu phương tiện đối với hành vi mua bán, vận chuyển, sang mạn xăng dầu nhập lậu, không có nguồn gốc hợp pháp trên biển (có trị giá từ 1 tỷ đồng trở lên).

Nguồn: