Trung Quốc mưu đồ thôn tính ngành dầu khí thế giới
02:42 SA @ Thứ Hai - 02 Tháng Mười Hai, 2013

Công cuộc săn tìm các mỏ dầu ở nước ngoài của Trung Quốc đã đạt tới một cột mốc mới, khi Bắc Kinh gần như độc quyền kiểm soát nguồn dầu thô xuất khẩu của Ecuador, một nước thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ.

Trung Quốc khống chế ngành dầu mỏ Ecuador 

Năm 2008, Chính phủ Ecuador đã bị vỡ nợ số tiền vay 3,2 tỷ USD, nên hầu hết các nhà cho vay trên thế giới đều ngại cho Ecuador vay tiền. Bởi thế, nước này đang phụ thuộc nặng nề vào nguồn vốn từ Trung Quốc. 

Theo dự kiến, tiền từ Trung Quốc sẽ đáp ứng tới 61% nhu cầu tài chính 6,2 tỷ USD của Chính phủ Ecuador trong năm 2013. Đổi lại, Trung Quốc có thể được cung cấp tới 90% lượng dầu mỏ xuất khẩu của Ecuador trong những năm tới. Đây là một tỷ lệ thực sự “khủng” trên thị trường dầu mỏ với mang tính đa dạng cao về khách hàng như hiện nay.

Ecuador có sản lượng 520.000 thùng dầu/ngày.

 Ecuador có sản lượng 520.000 thùng dầu/ngày.

Các hợp đồng, tài liệu công ty và lịch vận chuyển dầu cho thấy Trung Quốc đã dần thống trị hoạt động giao dịch đối với 360.000 thùng dầu xuất khẩu mỗi ngày của Ecuador kể từ khi hãng dầu mỏ niêm yết lớn nhất của Trung Quốc là PetroChina lần đầu cho PetroEcuador vay 1 tỷ USD vào giữa năm 2009. 

Đến tháng 4/2010, các công ty Trung Quốc tiếp nhận khoảng 1/3 lượng dầu xuất khẩu của Ecuador. Một năm sau, khối lượng này tăng gần gấp đôi. Đến giữa năm 2013, các công ty quốc doanh của Trung Quốc chiếm lĩnh 83% tổng lượng dầu mỏ xuất khẩu của Ecuador.

Trên thực tế, dầu mà Ecuador bán cho các công ty Trung Quốc có thể được giao dịch ở bất kỳ đâu. Năm nay, bình quân mỗi ngày, dầu Ecuador vận chuyển sang Trung Quốc chưa đầy 15.000 thùng, giảm gần 40% so với năm 2012. Phần lớn dầu của Ecuador hiện được đưa sang Mỹ, cho dù được bán cho các công ty Trung Quốc.
Cuộc săn lùng toàn cầu
Cơn khát tài nguyên thiên nhiên của Bắc Kinh đã khiến các công ty dầu mỏ Trung Quốc đưa ra cam kết cho vay ít nhất 100 tỷ USD trong các khoản vay liên quan tới loại nhiên liệu này trên khắp thế giới. 
Các công ty Trung Quốc cũng mua các dự án khai thác cát dầu ở Canada, mỏ quặng sắt ở Guinea, mỏ dầu ở Angola và Uganda, công ty dầu Argentina Bridas Corp và một công ty khí methane lớn của Úc.
Theo Hãng tin Bloomberg, chỉ trong năm 2009 các công ty Trung Quốc đầu tư số tiền kỷ lục 32 tỉ USD để mua lại các tài sản năng lượng và tài nguyên khắp thế giới. Hồi tháng 5/2010, Tập đoàn dầu khí Na Uy Statoil đã đồng ý bán 40% cổ phần mỏ dầu Peregrino ở Brazil cho hãng dầu khí lớn thứ 4 của Trung Quốc Sinochem với giá 3,07 tỉ USD.
Các công ty dầu mỏ của Trung Quốc đã nắm quyền kiểm soát khối lượng dầu ngày càng lớn từ Venezuela, nơi Trung Quốc đã đàm phán cho vay ít nhất 43 tỷ USD; từ Nga, nơi tổng giá trị các khoản vay được đàm phán có thể vượt 55 tỷ USD; và từ Brazil, quốc gia được Trung Quốc cam kết cho vay ít nhất 10 tỷ USD. Quốc gia châu Phi Angola thì đã đàm phán các thỏa thuận vay vốn trị giá 13 tỷ USD từ Trung Quốc.
Các công ty dầu mỏ của Trung Quốc từ lâu đã cạnh tranh với những tập đoàn dầu mỏ đa quốc gia khổng lồ như Exxon. Từ năm 2009, các “đại gia” dầu mỏ của Trung quốc đã chi khoảng 100 tỷ USD để mua các mỏ dầu và khí đốt ở Mỹ Latin và nhiều nơi khác. Đầu tháng này, PetroChina và công ty mẹ CNPC nhất trí mua cổ phần trong 3 mỏ dầu khí ở Peru với giá 2,6 tỷ USD.
Mặc dù nhập khẩu dầu mỏ của Trung Quốc đang tăng lên, đạt khoảng 6,3 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 9, một số công ty dầu mỏ quốc doanh của Trung Quốc đang giao dịch dầu ở nước ngoài nhiều hơn là nhập về nước.
Điều này đồng nghĩa với việc các công ty Trung Quốc đang đóng vai trò trung gian trong các giao dịch dầu mỏ của Ecuador, đồng thời giữ được một lựa chọn chiến lược để chuyển dầu về Trung Quốc khi cần thiết. 
Tháng 2/2013, Tổng công ty Dầu khí ngoài khơi Trung Quốc (CNOOC) đã thâu tóm xong Nexen, tập đoàn dầu khí Canada, với số tiền 15,1 tỉ USD.
Đây là khoản đầu tư nước ngoài lớn nhất của Trung Quốc từ trước đến nay. Hợp đồng này vượt qua rào cản cuối cùng khi được Ủy ban Đầu tư nước ngoài Mỹ (CFI) thông qua (do Nexen khai thác dầu khí trên vịnh Mexico của Mỹ). Với việc mua Nexen, CNOOC giờ sở hữu các cơ sở khai thác dầu khí ngoài khơi tại biển Bắc, vịnh Mexico, Tây Phi, Trung Đông, Canada...
Chuyên gia Mikkal Herberg thuộc Cục Quốc gia nghiên cứu châu Á (Mỹ) nhận định với việc mua lại Nexen - công ty dầu khí lớn thứ 10 ở Canada, CNOOC sẽ sở hữu “công nghệ cạnh tranh mà mọi tập đoàn dầu khí lớn đều cần”. Đó là quy trình quản lý các giàn khoan dầu ở vùng nước sâu 1.500-3.000m và công nghệ khoan dầu ở độ sâu 3.000-5.500m.
Ngay khi CNOOC công bố hợp đồng mua Nexen hồi tháng 7/2012, báo chí quốc tế đã đồng loạt dẫn lời các chuyên gia năng lượng khẳng định đây là bước đệm để CNOOC thôn tính toàn bộ nguồn tài nguyên dầu khí trên biển Đông. 

Nguồn: