Bộ trưởng Dầu mỏ Pakistan Musadik Malik cho biết nước này đã thanh toán tiền mua lô dầu thô giảm giá đầu tiên từ Nga bằng đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc.
Pakistan thanh toán tiền mua dầu thô của Nga bằng đồng Nhân dân tệ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Nam Á, ngày 12/6, Bộ trưởng Dầu mỏ Pakistan Musadik Malik cho biết nước này đã thanh toán tiền mua lô dầu thô giảm giá đầu tiên từ Nga bằng đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc.
Đây là một sự thay đổi đáng kể trong chính sách thanh toán của Pakistan vốn do đồng USD chi phối.
Lô hàng dầu thô giảm giá đầu tiên của Nga, được xuất khẩu theo một thỏa thuận mới được ký kết giữa Islamabad và Moskva vào đầu năm nay, đã đến Karachi hôm 11/6. Lô hàng này đang được bốc dỡ tại cảng ở thành phố Karachi.
Phát biểu với phóng viên qua điện thoại, Bộ trưởng Malik đã không tiết lộ các chi tiết trong thỏa thuận, bao gồm giá cả hoặc mức chiết khấu mà Pakistan nhận được, nhưng cho biết khoản thanh toán được thực hiện bằng tiền Trung Quốc.
Ông Malik cho biết thỏa thuận liên chính phủ đầu tiên giữa Pakistan và Nga này, bao gồm 100.000 tấn dầu thô, trong đó 45.000 tấn đã cập cảng Karachi và số còn lại đang trên đường vận chuyển. Pakistan đã thực hiện việc ký kết thỏa thuận mua bán này từ tháng Tư.
Theo Bộ trưởng Malik, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Lọc dầu Pakistan (PRL) ban đầu sẽ tinh chế dầu thô Nga.
Lúc đầu, ông đã đề cập đến việc mua lô dầu nói trên như một hoạt động chạy thử để đánh giá tính khả thi về tài chính và kỹ thuật.
Tuy nhiên, ngày 12/6, ông đã giảm bớt những lo ngại xung quanh khả năng tài chính và khả năng các nhà máy lọc dầu địa phương xử lý dầu thô của Nga do lịch sử nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ Trung Đông của quốc gia Nam Á này.
Ông chia sẻ: “Trong mọi trường hợp, việc tinh chế dầu thô từ Nga sẽ không bị thua lỗ. Chúng tôi vô cùng chắc chắn rằng việc này sẽ khả thi về mặt thương mại”./.
TIN KHÁC
Giá dầu tăng gần 3% nhờ kỳ vọng đột phá trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung(09/05/2025)
Dự báo về đàm phán thương mại Mỹ-Trung kéo giá dầu đi xuống(08/05/2025)
EU đề xuất cấm nhập khẩu khí đốt Nga trước cuối năm 2027(07/05/2025)
Giá dầu thế giới tăng hơn 3%(07/05/2025)
OPEC+ đẩy nhanh tốc độ tăng sản lượng, giá dầu chạm đáy hơn 4 năm(06/05/2025)