Mất đồng minh quý giá vào tay Nga, Mỹ hoảng?
02:21 SA @ Thứ Năm - 09 Tháng Bảy, 2015

Nga và Ả-rập Xê-út – hai cường quốc sản xuất dầu mỏ đang có xu hướng tiến lại gần nhau. Diễn biến này khiến Mỹ không khỏi lo ngại về viễn cảnh họ mất đi đồng minh quý giá vào tay đối thủ Nga.

Ảnh minh họa

Tổng thống Nga và Bộ trưởng Quốc phòng Ả-rập Xê-út

Nga và Ả-rập Xê-út dường như đã đạt được một bước đột phá hồi tháng trước trong quan hệ vốn thường xuyên đối đầu nhau giữa hai cường quốc dầu mỏ lớn này. Điều đó được thể hiện qua việc hai nước đã ký một loạt thỏa thuận hợp tác. Tuy nhiên, chính sách đối ngoại nhiều khác biệt giữa Nga và Ả-rập Xê-út có thể sẽ làm giảm sự ấm lên trong mối quan hệ song phương giữa hai nước này.

Với tư cách là hai nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, Nga và Ả-rập Xê-út nếu bắt tay với nhau thì họ có tiềm năng để giành thế thống trị trên thị trường dầu mỏ toàn cầu. Cho đến nay, điều này chưa xảy ra vì sự khác biệt khó giải quyết giữa hai nước và đặc biệt là vì mối quan hệ gắn bó giữa Mỹ và Ả-rập Xê-út.

Tuy nhiên, tất cả những nụ cười, những thỏa thuận đạt được hồi tháng trước giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và ông Mohammed bin Salman - Hoàng tử trẻ tuổi và đầy tham vọng cũng là Bộ trưởng Quốc phòng của Ả-rập Xê-út, đã cho thấy hai cường quốc năng lượng có thể thiết lập một mối quan hệ gắn bó hơn trong bối cảnh cả hai đều đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng địa chính trị.

Một số chuyên gia đã nhìn thấy những dấu hiệu của “một mối quan hệ đối tác đang nổi lên” nhờ vào sự thay đổi của những cơn gió toàn cầu. Theo đó, nguồn tài chính dồi dào của Ả-rập Xê-út có thể giúp Moscow tránh được các biện pháp trừng phạt đau đớn của phương Tây. Trong khi đó, vũ khí, công nghệ, kỹ thuật và sự ủng hộ về mặt ngoại giao của Nga có thể giúp cho Quốc vương mới đầy nhiệt huyết của Ả-rập Xê-út giảm dần sự phụ thuộc của nước này vào một nước Mỹ ngày càng thiếu tính hợp tác.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích khác lập luận rằng, trong khi sự thay đổi chắc chắn đang diễn ra thì sự kết thân vừa rồi giữa Nga và Ả-rập Xê-út chỉ đơn thuần mang tính chiến thuật, ngắn hạn và chỉ nhằm mục đích nhất định. Theo những nhà phân tích trên, sự khác biệt lớn giữa Nga và Ả-rập Xê-út vẫn còn, đặc biệt là trong các vấn đề quan trọng như sự thay đổi chính quyền ở Syria và thỏa thuận hạt nhân với Iran – kẻ thù không đội trời chung của Ả-rập Xê-út nhưng lại là đồng minh của Nga.

"Trong quá khứ, mối quan hệ giữa Nga và Ả-rập Xê-út rất là xấu, vì thế bất kỳ sự thay đổi nào đều đem lại sự chú ý lớn", bà Irina Zvyagelskaya – một chuyên gia về Trung Đông ở Viện Nghiên cứu Phương Đông, thủ đô Moscow, đã nhận định như vậy. Theo ông này, “tôi sẽ không phóng đại hay kỳ vọng quá nhiều về mối quan hệ đó. Tất cả mọi người đều đang tìm cách có được một vị trí tốt hơn, tìm kiếm những lợi thế mà họ có thể có được nhưng sẽ không có sự thay đổi căn bản gây chấn động ở đây".

Tổng thống Putin và Hoàng tử Salman đã ngồi với nhau trong một cuộc họp đầy thân mật bên lề diễn đàn kinh tế ở St. Peterburg hồi tháng trước. Trong cuộc gặp gỡ này, hai nhà lãnh đạo được cho là đã ký kết tới 6 thỏa thuận, trong đó có một thỏa thuận hợp tác hạt nhân mà theo đó Nga sẽ giúp Ả-rập Xê-út xây dựng tới 16 nhà máy điện hạt nhân ở vương quốc sa mạc này. Tổng thống Nga và Hoàng tử Ả-rập Xê-út cũng được cho là đã ký kết những thỏa thuận về hợp tác vũ trụ, phát triển cơ sở hạ tầng và một thỏa thuận về vũ khí tối tân của Nga.

Đối với điện Kremlin, nỗ lực thiết lập mối quan hệ tốt đẹp với một cường quốc Trung Đông trước đây thường né tránh Nga như Ả-rập Xê-út là điều phù hợp với “chính sách lâu dài của Moscow trong việc cố gắng làm bạn với tất cả mọi người”.

Những biện pháp trừng phạt của phương Tây là nhân tố thúc đẩy ông Putin tìm kiếm những sự khởi đầu mới trong quan hệ ngoại giao với các nước. Ông chủ điện Kremlin được cho là đã biết cách khai thác vào sự bất mãn ngày càng lớn của Ả-rập Xê-út đối với đồng minh Mỹ. Đây là điều mà ông Putin đã làm trong chuyến thăm đến Ai Cập hồi đầu năm nay.

"Đối với Nga, sẽ rất là quan trọng để nước này đặt mình vào vị trí như một cường quốc khu vực có thể đối thoại với tất cả các bên. Đồng thời, chúng tôi thấy rằng nhiều nước Trung Đông không hài lòng với các chính sách của Mỹ và họ muốn có sự trở lại của Nga. Đối với Ả-rập Xê-út, điều này gần như việc phát đi một thông điệp cho Washington chứ chưa phải là sự đổi bên", nhà phân tích Zvyagelskaya cho hay.

Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất đối với mối quan hệ giữa Nga và Ả-rập Xê-út có lẽ là vấn đề Iran . Hiện tại, Nga, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp và Đức đang tích cực tiến hành các cuộc đàm phán với Iran nhằm tiến tới một thỏa thuận chấm dứt chương trình hạt nhân gây lo ngại của nước Cộng hòa Hồi giáo. Tất cả dấu hiệu cho thấy, Moscow ủng hộ nhiệt thành cho thỏa thuận nói trên và đang tích cực thâm nhập vào thị trường Iran một khi sự cô lập đối với nước này được dỡ bỏ. Moscow cũng đã bật đèn xanh cho việc bán những hệ thống phòng không thiện chiến S-300 cho Iran và có kế hoạch xây dựng 8 nhà máy điện hạt nhân cho nước cộng hòa Hồi giáo.

Trong khi đó, đối với Ả-rập Xê-út , Iran sẽ vẫn là địch thủ lớn và là mối đe dọa đối với sự tồn tại của họ dù nước này có vũ khí hạt nhân hay không.

Ngoài ra còn có các trở ngại khác là Syria và Yemen . Trong khi Nga tiếp tục ủng hộ cho Tổng thống Bashar al-Assad thì Ả-rập Xê-út lại ra sức hậu thuẫn cho lực lượng nổi dậy trong nỗ lực nhằm lật đổ ông này.

Tuy nhiên, có một vài dấu hiệu cho thấy, Nga có thể thỏa hiệp trong một số trở ngại trên để lôi kéo Ả-rập Xê-út khi mà Mỹ đang gây bất mãn cho đồng minh của mình trong chính những vấn đề này.

Nguồn: