Exxon Mobil lâm "bạo bệnh", dè dặt với LNG
02:17 SA @ Thứ Năm - 10 Tháng Chín, 2020

Đặt cược rằng nhu cầu dầu mỏ sớm hồi phục đã đẩy “gã khổng lồ” năng lượng Mỹ Exxon Mobil trước nguy cơ thiếu hụt 48 tỷ USD để trang trải đến năm 2021.

Exxon phải đối mặt với khoản lỗ 1,86 tỷ USD trong năm nay, chưa bao gồm việc bán tài sản hoặc bút toán giảm.Ảnh:AFP/TTXVN

Exxon được dự báo lỗ 1,86 tỷ USD trong năm nay, chưa kể phải bán tài sản hoặc bút toán giảm.Ảnh: AFP/TTXVN

Dư nợ tăng gấp đôi

Kịch bản trên được Reuters và Phố Wall dự báo đối với Exxon Mobil. Với tình thế hiện này, tập đoàn năng lượng hàng đầu Mỹ buộc phải cắt giảm nhân viên và quy mô đầu tư.

Các nhà đầu tư trên Phố Wall đang sốt ruột việc chia cổ tức của Exxon Mobil - chuyện lâu này luôn bất biến sau khi tập đoàn này liên tục mở rộng quy mô và vươn lên thành một trong những công ty danh giá nhất thế giới trong thế kỷ XX.

Exxon từng vượt qua nhiều cơn thoái trào trong thập kỷ trước và dưới thời CEO Darren Woods tập đoàn này đã lấy lại vị trí danh giá trong quá khứ nhờ đặt cược vào những mỏ đá phiến ở Mỹ, cùng với các dự án đường ống dẫn dầu và nhựa trên toàn cầu. Tập đoàn này cũng đang ôm "canh bạc lớn" ở ngoài khơi Guyana, nơi mà họ phát hiện trữ lượng 8 tỷ thùng dầu và có thể khai thác trong vòng 6 năm.

Nhưng sức vóc tài chính của Exxon lúc này không thể đảm bảo cho việc mở rộng hoạt động trên thế giới. Từ đầu năm đến nay, tập đoàn này đã vay 23 tỷ USD để thanh toán các khoản, khiến dư nợ tăng gần gấp đôi. Vào tháng 7, Exxon đã công bố khoản lỗ quý đầu tiên từ trước đến nay. Theo Refinitiv, "gã khổng lồ" năng lượng Mỹ sẽ đối diện với khoản lỗ 1,86 tỷ USD trong năm 2020, chưa kể việc bán tài sản hoặc bút toán giảm.

Lợi nhuận giảm sâu

Doanh nghiệp này cũng lâm cảnh thiếu tiền mặt khoảng 48 tỷ USD để trang trải hoạt động từ nay đến năm 2021, thanh toán cổ tức và các chương trình mở rộng quy mô theo kế hoạch. Các nhà phân tích cho rằng, Exxon sẽ phải xem xét cắt giảm lượng lớn vốn đầu tư toàn cầu và nhiều khả năng sẽ mạnh tay "xén" cổ tức xuống mức "không tưởng tượng nổi".

Nhu cầu và giá dầu thế giới và Mỹ rơi tự do vì dịch Covid-19, khiến CEO Darren Woods phải lên kế hoạch chi ít nhất 30 tỷ USD/năm đến năm 2025 để phục hồi sản xuất và đạt lợi nhuận bằng cách mở rộng hoạt động hóa dầu, hóa chất và khai thác. Ngoài ra, Exxon Mobil sẽ tập trung vào lĩnh vực đá phiến và khí thiên nhiên hóa lỏng bởi những mảng này có vẻ triển vọng.

Thêm vào đó, Woods cũng chuẩn bị tâm thế cho Exxon hoạt động trong tình trạng nhu cầu dầu mỏ, khí đốt và nhựa đều suy giảm. Tập đoàn này đã “rớt đài” khỏi rổ Dow Jones sau 92 năm góp mặt. Gã khổng lồ năng lượng Mỹ đang xem xét kỹ lưỡng phương án cắt giảm 10% nhân viên người Mỹ, đồng nghĩa sẽ có hàng nghìn lao động sẽ mất việc.

Exxon đã từ chối trả lời báo chí. Người phát ngôn Exxon Mobil, Casey Norton, cho biết thông tin chi tiết về việc cắt giảm chi phí sẽ được công bố vào đầu năm tới.

Ông Casey Norton nói thêm: "Chúng tôi vẫn cam kết thực hiện các ưu tiên phân bổ vốn, trong đó đầu tư vào những dự án có lợi thế, đảm bảo trả cổ tức ở mức đáng tin cậy và có chiều hướng tăng lên; duy trì bảng cân đối kế toán vững mạnh".

Bên cạnh đó, Exxon Mobil đang xem xét các dự án đầu tư với mục tiêu "tối đa hóa hiệu quả và tiết kiệm thêm chi phí để đưa tập đoàn trở lại vị trí đứng đầu" khi thị trường năng lượng được cải thiện sau Covid-19.

Kể từ đầu năm đến nay, giá dầu đã giảm 35% do nhu cầu dầu mỏ lao dốc. Các “ông lớn” trong ngành dầu khí như BP, Shell, Total, Repsol… lần lượt cắt giảm hàng tỷ USD giá trị tài sản dầu khí, còn Exxon Mobil chưa dùng đến biện pháp này.

Trước dự báo nhu cầu dầu mỏ có thể tiếp tục giảm sâu, các công ty năng lượng lớn của châu Âu quay sang mở rộng đầu tư vào các dự án điện, năng lượng tái tạo. BP dự kiến đến năm 2030 sẽ giảm 40% sản lượng nhiên liệu hóa thạch, bên cạnh kế hoạch bán nhiên liệu hóa thạch nhiều hơn ra thị trường nếu giá bán hồi phục và ổn định.

Đói tiền mặt, cắt giảm chi tiêu

Exxon Mobil ước tính cần 17,4 tỷ USD tiền mặt trang trải hoạt động năm nay, thấp hơn 20 tỷ USD so với mức cần thiết để thực hiện kế hoạch đầu tư và trả cổ tức trong năm, theo phân tích của Reuters.

Giá cổ phiếu của Exxon Mobile chốt phiên cuối tuần trước còn 39,08 USD, “bốc hơi” 56% so với thời điểm ông Woods nhậm chức CEO. Vị này đã vay thêm 23,19 tỷ USD từ đầu năm đến nay để trang trải chi tiêu của tập đoàn và khẳng định không vay thêm và không có bất kỳ thay đổi đối với việc trả cổ tức.

Dòng tiền của Exxon yếu ớt khiến các nhà đầu tư từng găm cổ phiếu để lĩnh cổ tức gần 9%, hiện như “ngồi trên lửa”. Họ nghi ngại các cam kết trên của ông Woods là khó thành hiện thực. Mark Stoeckle, Giám đốc danh mục đầu tư cấp cao tại Quỹ đầu tư Adams Funds, đơn vị đang nắm giữ khoảng 70 triệu USD cổ phiếu của Exxon Mobil, đánh giá với giá dầu ở mức 41-42 USD/thùng, rất khó cùng lúc thực hiện những cam kết của ông Woods. Chuyên gia này dự báo, Exxon Mobil sẽ phải "xén" cổ tức nếu giá cổ phiếu tiếp tục lao dốc.

Chuyên gia phân tích cổ phiếu Paul Sankey của Sankey Research lại cảnh báo, việc cắt giảm cổ tức sẽ khiến cổ phiếu Exxon hứng "trận đại hồng thủy". Còn Công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy (Na Uy) dự đoán, với tình cảnh hiện nay Exxon Mobil sẽ phải thu hẹp quy mô đầu tư đá phiến ở lưu vực trầm tích Permian, phía Tây Nam nước Mỹ trong năm nay, với mức dự chi 7,4 tỷ USD sẽ giảm xuống còn 3 tỷ USD.

Tập đoàn năng lượng Mỹ cũng lên kế hoạch giảm số lượng giàn khoan hoạt động từ 55 xuống còn 15 và đà thoái lui của Exxon Mobil sẽ còn tiếp tục như khẳng định Phó chủ tịch cấp cao Neil Chapman đưa ra hồi tháng 7. Cụ thể, ông Chapman cho biết Exxon Mobile sẽ trĩ hoãn và mất vài năm để thu xếp và hoàn tất đầu tư cho các nhà máy lọc dầu và hóa chất.

Trong khi người phát ngôn của Exxon Mobil cho biết một nhà máy hóa chất trị giá 10 tỷ USD ở Trung Quốc vẫn được triển khai. Đầu tư vào các mảng chính như dầu mỏ, lọc dầu và nhựa sẽ gọn lại và thập chí Exxon Mobil đang gặp áp lực thoái vốn khỏi một số hoạt động.

Bám vào kết quả tăng trưởng năm ngoái, CEO Exxon Mobil đặt mục tiêu lợi nhuận năm nay là 25,1 tỷ USD với giả định giá dầu dự tính 60 USD/thùng và tỷ suất lợi nhuận của hoạt động hóa chất và lọc dầu không đổi. Dự báo trên bao gồm mục tiêu về dòng tiền và doanh số, nhưng tất cả đều bị nhấn chìm bởi dịch Covid-19. Các nhà phân tích cho rằng Exxon Mobil cần phải cân nhắc lại các chỉ tiêu trên.

Trì hoãn đầu tư vào LNG

Một số dự án của Exxon Mobil đang được giãn tiến độ để giảm vốn đầu tư trước mắt. Chuyên gia phân tích Alex Munton từ Công ty tư vấn Wood Mackenzie hé lộ, tiến độ xây dựng một dự án LNG trị giá 10 tỷ USD ở Texas, trong đó Exxon nắm giữ 30% cổ phần, đang chậm lại và mọi chuyện trở nên "không vội". Chuyên gia này dự đoán dự án sẽ được khởi động trong vòng 1 năm nữa, hoặc muộn nhất là năm 2025.

Ông Munton cho biết thêm, Exxon Mobil đã hoãn đưa ra quyết định đầu tư cuối cùng đối với dự án LNG quy mô "khủng" ở Mozambique cho đến năm 2023, do việc đàm phán mở rộng xuất khẩu LNG của Exxon Mobil sang Papua New Guinea đang bị mắc kẹt vì giá bán.

Tại Mexico, Exxon có thể sẽ thu hẹp hoạt động khai thác dầu khí ngoài khơi; thay vào đó sẽ tập trung vào nhập khẩu nhiên liệu và bán lẻ ở thị trường này. Còn ở Brazil, Exxon bắt đầu khoan thăm dò trở lại năm 2017 và chỉ đứng sau Tập đoàn năng lượng quốc doanh Petroleo Brasileiro SA của nước này về diện tích thăm dò ngoài khơi. Tuy nhiên, Ruaraidh Montgomery, Giám đốc Công ty phân tích dầu khí Welligence Energy Analytics (Texas, Mỹ) tin rằng, vẫn không loại trừ khả năng Exxon Mobil sẽ hoãn đầu tư và các hoạt động khác ở thị trường Brazil theo kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" chung, Đối với các dự án đã khởi công, bao gồm dự án mở rộng nhà máy lọc dầu Beaumont, Texas trị giá 1,9 tỷ USD, đang đối diện nguy cơ bị hoãn triển khai 1 năm.

Exxon Mobil từ chối bình luận về đầu tư trong lĩnh vực LNG, cũng như các hoạt động tại thị trường Mexico hay Brazil.

Nhưng chuyên gia phân tích Paul Cheng của Công ty dịch vụ tài chính đa quốc gia ScotiaBank (Canada) nhận định, ngoài đầu tư vào thị trường Guyana, sẽ không có dự án quan trọng nào khác được rót vốn từ ngân sách ngắn hạn của Exxon Mobil.

Nguồn: