Căng thẳng Iraq - Thổ Nhĩ Kỳ được giải tỏa
01:50 SA @ Thứ Ba - 03 Tháng Mười Hai, 2013

Phó Thủ tướng Iraq phụ trách về năng lượng Hussain al-Shahristani cho biết, trong cuộc hội đàm song phương giữa ông và Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Taner Yildiz hôm 1/12 tại Baghdad, hai bên đã nhất trí rằng, Ankara chỉ có thể mua dầu mỏ từ khu tự trị người Kurd (Kurdistan) ở Iraq với sự chấp thuận của chính phủ Baghdad.

Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Yildiz

“Chúng tôi đã đồng ý rằng, bất kỳ hoạt động xuất khẩu nào tại Kurdistan cũng phải nhận được sự chấp thuận của chính phủ Iraq và chúng tôi sẽ thảo luận về cơ chế”, ông al-Shahristani nói.

Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Yildiz đã tới Iraq hôm qua (1/12) để thảo luận về thỏa thuận năng lượng của Ankara với Kurdistan mà chính phủ Baghdad cho là “bất hợp pháp”. Tại đây, ông đã có cuộc gặp gỡ với Phó Thủ tướng Iraq al- Shahristani và bàn về những phát triển mới nhất của dự án đường ống dẫn dầu nối cảng Barsa (Iraq) và cảng Ceyhan (Thổ Nhĩ Kỳ).

Đây là chuyến đi tới Iraq đầu tiên của ông Yildiz kể từ khi máy bay chở ông tới tham dự một hội nghị năng lượng ở Arbil, thủ phủ của Kurdistan hồi cuối năm ngoái bị Baghdad chặn lại, cấm đi vào không phận của nước này.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ "qua mặt" Baghdad, giao dịch năng lượng với khu tự trị Kurdistan đã khiến Iraq rất tức giận. Chính quyền Baghdad khẳng định rằng, bất kỳ hoạt động xuất khẩu dầu nào của Kurdistan cũng là bất hợp pháp và chỉ có chính quyền trung ương mới duy nhất có quyền quản lý dầu mỏ của Iraq cũng như ký kết các thỏa thuận năng lượng. Baghdad lo ngại việc khu tự trị người Kurd đòi quyền kiểm soát và tự quyết về dầu mỏ sẽ dẫn tới sự tan rã của đất nước Iraq thống nhất.

Hôm 28/11, ông al- Shahristani đã tuyên bố rằng, bất kỳ thỏa thuận năng lượng nào với Arbil đều là “sự xâm phạm chủ quyền của Iraq”.

Thổ Nhĩ Kỳ và Kurdistan đã ký một gói thỏa thuận năng lượng trị giá hàng tỷ USD vào cuối tuần trước. Nguồn tin thân cận của Reuters cho biết, thỏa thuận này sẽ giúp biến khu tự trị người Kurd trở thành một trong những trung tâm dầu khí của thế giới.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ hôm 30/11 cho biết, Ankara và Arbil đã “thống nhất một số giao dịch thương mại” nhưng vẫn chưa thông qua lần cuối cùng. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tìm kiếm sự hợp tác của Baghdad về vấn đề này.

Thổ Nhĩ Kỳ - đất nước “đói” năng lượng và phụ thuộc hầu như hoàn toàn vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu của mình xem nguồn tài nguyên dầu khí lớn của Kurdistan là một giải pháp giúp nước này đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng và giảm hóa đơn nhập khẩu lên tới 60 tỷ USD hằng năm.

Nguồn: