Nam Sông Hậu Petro (PSH): Chiến lược phát triển kiềng 3 chân “sản xuất - kho cảng - phân phối”
01:49 SA @ Thứ Tư - 26 Tháng Tám, 2020

Ðến năm 2022, Công ty cổ phần Thương mại Ðầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (mã chứng khoán PSH) quyết tâm xây dựng nhà máy lọc dầu thứ hai với công suất 500.000 tấn, nâng tổng công suất của PSH từ 800.000 tấn/năm lên 1.300.000 tấn/năm, cộng với hệ thống phân phối, kho bãi, cầu cảng được đầu tư mở rộng tương ứng… là cơ sở để PSH giữ vững thị trường kinh doanh xăng dầu ở Ðồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL).

Cơ hội và cạnh tranh

ÐBSCL đang chuyển đổi nhanh cơ cấu “cây, con” để thích ứng với biến đổi khí hậu; các dự án hạ tầng giao thông, nhất là cao tốc Trung Lương - Cần Thơ - Cà Mau đang gấp rút triển khai… sẽ làm cho nhu cầu về xăng dầu tăng nhanh.

Do đó, sự cạnh tranh trong lĩnh vực này sẽ ngày càng quyết liệt hơn, tình trạng cạnh tranh giá bằng nguồn hàng giá rẻ, không rõ nguồn gốc vẫn là một thách thức.

Tuy nhiên, việc xử lý nghiêm của các cơ quan chức năng trong thời gian qua, cùng với ý thức của người tiêu dùng về việc bảo vệ tài sản (xe máy) và môi trường cũng thay đổi theo hướng tích cực, đã tạo áp lực nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ đối với lĩnh vực phân phối xăng dầu.

Mặt khác, nếu các đại lý xăng dầu trong nước không đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, họ có thể phải chia sẻ thị trường với các đại lý nước ngoài trong ít năm tới theo cam kết khi Việt Nam gia nhập WTO và EVFTA.

Tầm nhìn dài hạn

Ðể nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm xăng dầu, PSH cần phải tăng tỷ trọng xăng dầu tự sản xuất (hiện mới đạt 1/4 chỉ tiêu), giảm tỷ lệ xăng dầu nhập khẩu, tiến tới chỉ nhập dầu thô về sản xuất. Do đó, trong 2 - 3 năm tới, PSH sẽ đầu tư xây dựng thêm nhà máy lọc dầu 500.000 tấn/năm (có thể nâng lên 1.000.000 tấn/năm) và xây dựng từ 4 - 5 nhà máy xăng sinh học quy mô 100.000 - 150.000 tấn/năm tại ÐBSCL.

Hiện PSH chuẩn bị tuyển 100 lao động để đào tạo, phục vụ cho các nhà máy lọc hóa dầu và xăng sinh học trên. Ðặc biệt, người lao động sẽ được PSH trả lương 7 triệu đồng/tháng trong suốt thời gian học và được ký hợp đồng làm việc 5 năm sau khi ra trường với mức lương hấp dẫn.

Với tầm nhìn và tư duy dài hạn, Ban lãnh đạo PSH đã lựa chọn được các vị trí để xây dựng các nhà máy sao cho vừa có thể tiết giảm chi phí vận chuyển, tạo ra lợi thế cạnh tranh về quy mô và giá cả trên thị trường, vừa tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương và giải quyết bài toán đầu ra cho cây mía của ÐBSCL.

Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19, nhà máy lọc hóa dầu của PSH phải ngưng sản xuất 3 tháng, nhưng cán bộ và công nhân viên PSH không chỉ hưởng nguyên lương, mà còn được tăng lương thêm 15%, góp phần bảo đảm an sinh xã hội cùng với địa phương sở tại.

Ðến năm 2022, PSH sẽ mở rộng hệ thống phân phối lên 1.000 đại lý (1.000 - 1.200 cây xăng), nhằm “phủ sóng” các vị trí chiến lược trong khu vực ÐBSCL với chính sách bán hàng, tín dụng có lợi cho các đại lý và nhà phân phối.

Ðồng thời, PSH nâng công suất Kho ngoại quan Gò Công từ 85.000 tấn hiện nay lên hơn nửa triệu tấn, chia làm 3 giai đoạn. Ngay trong năm 2020, Công ty đầu tư nâng công suất thêm 160.000 tấn, giai đoạn 2 thêm 100.000 tấn và giai đoạn 3 là 200.000 tấn.


Lợi thế về quy mô

Thị trường xăng dầu biến động hàng ngày, nên việc tăng công suất của kho ngoại quan sẽ phát huy lợi thế so sánh khi thị trường tăng hoặc giảm, góp phần bình ổn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất của PSH.

Việc đầu tư xây dựng hệ thống cầu cảng, kho chứa lớn luôn là rào cản gia nhập ngành xăng dầu của cả doanh nghiệp nội và ngoại, vì ngoài nguồn vốn lớn thì việc tìm vị trí và diện tích đất phù hợp cũng rất khó khăn.

Trong khi đó, nhờ tầm nhìn dài hạn và quyết đoán, PSH đã chuẩn bị sẵn quỹ đất với chi phí rất thấp so giá thị trường hiện nay để thực hiện các mục tiêu chiến lược.

Nhờ lợi thế thương hiệu, uy tín, quy mô và là bạn hàng lâu năm của nhiều nhà cung cấp lớn, nên PSH đã ký được các hợp đồng cung cấp nguyên liệu dài hạn với giá cả rất cạnh tranh.

Những tiền đề trên sẽ là nền tảng vững chắc để PSH tiếp tục canh tranh và phát triển khi những “chốt chặn” cuối cùng trong WTO và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới của Việt Nam với thế giới (EVFTA…) đã mở ra.

Nguồn: