Tách đá ra tiền
03:17 SA @ Thứ Hai - 08 Tháng Bảy, 2013

Mỹ là nước duy nhất có đủ công nghệ để thương mại hóa shale gas, một loại khí tự nhiên chế xuất từ đá phiến, ở quy mô lớn.

Shale gas, một loại khí tự nhiên chế xuất từ đá phiến, có thể trở thành một công cụ năng lượng đầy sức mạnh của Mỹ, Trung Quốc và thậm chí có thể thay đổi cục diện chính trị của thế giới trong tương lai. Theo báo cáo của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), Trung Quốc là quốc gia có trữ lượng shale gas lớn nhất thế giới với khoảng 30.000 tỉ m3, còn Mỹ có trữ lượng ước tính vào khoảng 15.000 tỉ m3.

Ngoài ra còn nhiều quốc gia có trữ lượng đá phiến đáng kể như Anh, Pháp, Úc, Hà Lan, Canada, Argentina, Brazil, Nam Phi, New Zealand...

tach-da-ra-tien
                           Ảnh minh họa

Có điều, công đoạn chiết xuất năng lượng từ đá phiến không đơn giản. Các bể chứa đá phiến nằm sâu bên dưới mặt đất từ 7.000-18.000 m. Phải dùng công nghệ fracking trong đó bơm một dung dịch lỏng đủ lớn - thông thường là nước trộn với cát và hóa chất - vào các vết nứt của đá phiến để buộc các vết nứt này mở rộng hơn, tạo điều kiện cho dầu và khí chảy ra. Và đây là bài toán gai góc đối với các quốc gia.

Nhìn chung, việc xuất hiện shale gas này được giới chuyên gia xem như một cuộc cách mạng về năng lượng. Một mặt nó sẽ được dùng để thay thế cho các nguồn năng lượng truyền thống từ dầu mỏ và khí đốt, một mặt sẽ đẩy mạnh việc sử dụng các sản phẩm khí thân thiện với môi trường hơn, vì năng lượng chiết xuất từ shale gas được xem là nguồn năng lượng thay thế sạch và bền vững.

Trên thực tế, Trung Quốc đang đẩy mạnh việc chuyển đổi sử dụng các động cơ chạy bằng xăng và dầu diesel sang các loại khí nén tự nhiên (CNG) hay khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). CNG phù hợp với taxi còn LNG phù hợp với xe tải và xe buýt. Hiện mức tiêu thụ khí thiên nhiên chỉ chiếm tỉ lệ khá khiêm tốn 5,7% trong tổng mức tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc.

Đối với Mỹ, shale gas sẽ tạo ra tác động rất lớn về phương diện tăng trưởng kinh tế và việc làm. Theo ước tính của Công ty PricewaterhouseCoopers (PwC), vào năm 2025, nhờ nguồn cung năng lượng từ shale gas, các công ty có thể cắt giảm chi phí năng lượng và nguyên vật liệu thô vào khoảng 11,6 tỉ USD mỗi năm và tạo ra thêm 1 triệu công ăn việc làm, trong đó ngành hưởng lợi nhất là hóa chất và sắt thép. Còn trên bình diện toàn cầu, đến năm 2035 shale gas có thể đóng góp thêm 2.700 tỉ USD vào GDP toàn cầu.

Bob Profusek, Giám đốc Tập đoàn Lọc dầu Valero Energy, cho rằng shale gas sẽ tạo ra một cuộc cách mạng lớn nhất trong 50 năm tới.

Theo PwC, Mỹ là quốc gia duy nhất trên thế giới có đủ công nghệ để thương mại hóa với quy mô lớn trong việc sản xuất shale gas. Điều này sẽ biến nước Mỹ có vai trò quan trọng hơn trên thị trường năng lượng toàn cầu. Theo đó, từ chỗ phải nhập khẩu năng lượng là chủ yếu, Mỹ sẽ trở thành quốc gia xuất khẩu năng lượng hàng đầu thế giới.

Đối với các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt hàng đầu hiện nay, shale gas sẽ là đối thủ cạnh tranh đáng gờm. Việc sản xuất dầu từ shale gas với quy mô lớn có thể khiến giá dầu toàn cầu sẽ giảm xuống. Do đó, theo PwC các quốc gia độc chiếm về xuất khẩu dầu và khí hiện nay như Nga và Trung Đông sẽ là những người thua cuộc trong dài hạn.

Quan điểm này cũng được ủng hộ bởi báo cáo mang tên “Năng lượng năm 2050” của Ngân hàng HSBC trong đó nhận định rằng nguồn dầu mỏ thế giới có thể sẽ cạn kiệt vào năm 2060.

Mỹ được đánh giá là có ưu thế về mặt kỹ thuật, nhưng nhờ vào quá trình lan tỏa công nghệ, Trung Quốc với trữ lượng chiếm ưu thế của mình sẽ không dễ để chậm chân. Cuộc đua giữa 2 ông lớn này hứa hẹn sẽ khiến sẽ khốc liệt trong thời gian tới.

Đó là mặt tươi sáng mà shale gas mang lại, nhưng mặt tiêu cực không phải là không có mà thậm chí có thể trở thành một chướng ngại lớn cho con đường phát triển của ngành công nghiệp non trẻ này.

Thật vậy, công nghệ chiết xuất dầu và khí từ shale gas đòi hỏi một lượng nước khổng lồ và điều này sẽ gây khó khăn cho các quốc gia như Trung Quốc vốn đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nước nghiêm trọng. Ngoài ra, việc khai khác này sẽ gây ô nhiễm nguồn nước ngầm. “Không có nghi ngờ gì việc sản xuất dầu và khí như thế sẽ tạo ra những tác động môi trường rất tiêu cực cho không khí, nước, cộng đồng dân cư và đất đai”, John Deutch, Giáo sư của Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) nhận định.

Những nguy cơ này đòi hỏi các quốc gia có trữ lượng shale gas lớn sẽ phải tốn nhiều công sức và tiền của để nghiên cứu, cải thiện công nghệ nhằm khai khác có hiệu quả và hạn chế tác động tiêu cực.

Còn quá sớm để có thể khẳng định shale gas sẽ tham gia tới đâu vào cuộc sống tương lai, nhưng thực sự, nó đang mang lại tin vui đối với loài người khi có tiềm năng trở thành một nguồn cung cấp năng lượng quan trọng và thỏa mãn phần nào cơn khát năng lượng của nhân loại.


Sơn Thanh
Theo nhipcaudautu.vn