Những công ty kinh doanh xăng dầu lớn nhất thế giới: Tập đoàn Vitol
02:14 SA @ Thứ Hai - 17 Tháng Ba, 2014

Vitol là tập đoàn giao dịch năng lượng và hàng hóa đa quốc gia do Henk Vietor thành lập vào năm 1966, hiện đang được điều hành bởi Ivan Taylor [1]. Tập đoàn tư nhân này có 3.200 cổ đông đều là nhân viên. Trụ sở chính của tập đoàn được đặt tại Rotterdam, Hà Lan và Geneva, Thụy Sĩ, và có văn phòng đại diện tại hơn 30 quốc gia. Cùng với Glencore và Trafigura, Vitol là một trong ba công ty buôn bán dầu thô lớn nhất thế giới. Năm 2012, Vitol vận chuyển khoảng 260 triệu tấn dầu thô và các sản phẩm lọc dầu với doanh thu đạt 303 tỷ USD (tăng từ 297 tỷ USD năm 2011), xếp thứ 7 trong Top 500 công ty lớn nhất thế giới do Tạp chí Fortune công bố, trước các công ty như Chevron và Toyota.

Các hoạt động của Vitol chủ yếu được thực hiện ở Geneva, Houston, Singapore và London. Ngoài kinh doanh dầu thô và các sản phẩm tinh chế, hãng này còn giao dịch than đá, khí thiên nhiên, năng lượng, sản phẩm nông nghiệp, carbon.

Vitol là hãng tư nhân chuyên chở và cho thuê tàu lớn nhất thế giới với hơn 200 tàu chở dầu. Vitol đã chở hơn 5.495 chuyến tàu và bán khoảng 117 triệu tấn dầu thô trong năm 2012. Mỗi ngày Vitol giao dịch hơn 950.000 thùng xăng, nhiều gấp đôi nhu cầu hàng ngày của cả nước Anh.

Khối lượng vận chuyển dầu thô và các sản phẩm xăng dầu của Vitol (triệu tấn)

Doanh thu của Vitol năm 2012 (tỷ USD)

Vitol có cổ phần trong nhiều kho cảng và các dự án thăm dò và khai thác dầu mỏ trên toàn thế giới. Mới đây, hãng tư nhân kinh doanh năng lượng lớn nhất thế giới này được quyền sở hữu cả khu vực Arawak (Malaysia), cùng với việc khai thác ở Nga, Kazakhstan và Azerbaijan, có danh mục tài sản thăm dò và khai thác ngày càng lớn mạnh tại Tây Phi, bao gồm cả ở Cameroon, Ghana, Bờ Biển Ngà, Nigeria và Congo Brazzaville.

Bên cạnh việc kinh doanh thương mại, Vitol còn nắm giữ 50% cổ phần trong doanh nghiệp kinh doanh kho cảng VTTI có giá trị tài sản vượt quá 1 tỷ USD và công suất hiện nay khoảng 8,5 triệu m3 tại 14 quốc gia. Địa bàn trọng điểm hiện nay bao gồm Amsterdam và Europoort ở Hà Lan, cảng biển Canaveral, Florida, và 49% cổ phần của kho cảng Ventspils ở Latvia. Tháng 1/2012, Vitol đã có được cổ phần trong một chi nhánh của hãng vận tải Grindord ở Nam Phi, giúp nó tiếp cận với cảng than ở Mozambique.

Ngoài văn phòng ở Dubai và Bahrain, tài sản chiến lược chính của Vitol là Công ty TNHH Lọc dầu Fujairah (FRCL) ở Trung Đông hiện đang điều hành một nhà máy lọc dầu khoảng 80.000 thùng/ngày và một khu bể chứa rộng 1.034.000 m3. FRCL đang có kế hoạch tiếp tục phát triển tại chỗ, trong đó mở rộng 140.000 m3 khu bể chứa, nâng cấp các phân xưởng lọc dầu hiện có và lắp đặt các phân xưởng xử lý bổ sung. Vitol cũng có khối tài sản tinh chế tại Antwerp, Bỉ và Cressier, Thụy Sĩ và. Năm 2010, Vitol mua lại tài sản của Petroplus Hoding AG, bao gồm một trong những nhà máy chế biến nhựa đường lớn nhất trong khu vực Benelux với công suất khoảng 875.000 tấn mỗi năm và một kho bể sức chứa tiềm năng khoảng 450.000 m3. Tháng 6/2012, Varo Energy, công ty liên doanh giữa Tập đoàn Vitol (75%) và AtlasInvest (25%) đã mua lại nhà máy lọc dầu Cressier, một trong hai nhà máy lọc dầu ở Thụy Sĩ với công suất 68.000 thùng/ngày và có khả năng xử lý nhiều loại nguyên liệu dầu thô.

Vào tháng 2/2014, Vitol đã hợp tác với Hội đồng Đầu tư Abu Dhabi mua lại mảng kinh doanh hạ nguồn của Shell Úc (loại trừ lĩnh vực Hàng không) với giá khoảng 2,9 tỷ USD Úc, bao gồm Nhà máy lọc dầu Geelong của Shell và 870 địa điểm kinh doanh bán lẻ cùng với khối lượng lớn nhiên liệu, nhựa đường, hóa chất và một phần việc kinh doanh dầu nhờn ở Úc.


[1] Ian Roper Taylor (sinh năm 1956) là một doanh nhân người Anh, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Vitol. Ông gia nhập Vitol vào năm 1985 sau khi nắm giữ nhiều vị trí khác nhau ở Shell.

Văn phòng đại diện của Vitol tại Việt Nam:

Tầng 7, Tòa nhà Văn Hóa- 51 Kim Mã, Quận Ba Đình, Hà Nội

Nguồn: