Nhọc nhằn người tìm dầu (Kỳ 1)
03:40 SA @ Thứ Sáu - 09 Tháng Mười Hai, 2016

Bốn bề mênh mông nước biển như chực chờ nuốt chửng con tàu, giàn khoan nhỏ bé. Chỉ một giây lơ là, thợ dầu khí không chỉ làm mồi cho cá mập mà còn kéo theo hàng triệu tỷ đồng ngân sách xuống đáy đại dương.

Thợ lặn phải nhờ đồng nghiệp giúp mặc quần áo, đội mũ chuyên dụng.

Thợ lặn phải nhờ đồng nghiệp giúp mặc quần áo, đội mũ chuyên dụng.

Nhân kỷ niệm 55 năm Ngày Truyền thống ngành Dầu khí (27/11/1961 - 27/11/2016), Tiền Phong đăng loạt bài về 'những người đi tìm lửa' với những đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đảm bảo nguồn thu ngân sách Nhà nước cũng như tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Kỳ 1: Quăng mình xuống đáy biển sâu

Nếu xảy ra sự cố dây hơi bị gấp khúc (do vướng chân giàn khoan…), trong tích tắc thợ lặn nhanh tay sử dụng bình khí dự phòng. Tối đa 3 phút, thợ lặn phải từ độ sâu 75m dưới đáy biển, nổi lên mặt nước, nếu không đành bỏ mạng dưới đại dương do áp suất đè nén.

Đánh nhau với cá mập trong lòng biển

Từng theo chân những thợ lặn ở Cô Tô (Quảng Ninh) nhặt từng con sò, tu hài…dưới đáy biển nên trước khi theo chân những người thợ lặn thi công, tôi giắt lưng cho mình chút hiểu biết, kinh nghiệm, hiểm nguy có thể gặp phải dưới đáy biển sâu. Đối với người thợ lặn dầu khí, không chỉ gieo mình với đáy biển sâu tới 75 mét nước với vô vàn hiểm nguy, mà còn phải lắp đặt, chữa sửa những “khối sắt” khổng lồ.

Để tường tận về công việc lặn thi công, chúng tôi đến gặp cựu thợ lặn Vũ Văn Hà (Bà Rịa, Vũng Tàu). Gắn bó với nghề lặn từ những năm 80 của thế kỷ trước, anh Hà từng tham gia lắp đặt, sửa chữa những giàn khoan, đường ống dẫn dầu khí đầu tiên của Việt Nam.

Vừa chỉ vào từng thiết bị hỗ trợ quyết định tính mạng, anh Hà say sưa kể về cái nghiệp gắn bó hơn nửa cuộc đời mà người khác nghe đến cũng lạnh sống lưng. Trên tàu lặn có hệ thống máy tạo khí, bình khí dự phòng, dây dẫn khí, buồng áp suất…Mỗi ekip lặn gồm 6 người (2 người trực tiếp xuống đáy biển; 2 người trên thuyền kéo, thả thiết bị; 2 người quan sát hệ thống điều khiển).

Mặc bộ quần áo chuyên dụng không ngấm nước, đội mũ lặn, đeo bình khí, thợ lặn bắt đầu ngày làm việc dưới đáy đại dương. “Chuyện đối mặt với cá mập xảy ra như cơm bữa, thợ lặn phải dùng súng, dao xua đuổi. Chúng tôi vẫn bông đùa là đánh nhau với cá mập dưới đáy biển. Đáng sợ hơn cá mập là dòng hải lưu, không gian làm việc chật hẹp tại chân giàn khoan”, anh Hà chia sẻ.

Ở bên cạnh, thợ lặn Nguyễn Duy Nhân với gần 30 năm đi lặn góp lời: “Đi lặn sợ nhất vướng phải lưới đánh cá do ngư dân vứt lại dưới đáy biển (vì chìm tàu, hư hỏng). Lúc đó chẳng khác gì cá vào lưới. Xung quanh còn dây dẫn, bình khí không thể thoát ra để nổi lên mặt nước. Dù được đồng nghiệp ứng cứu cũng khó sống sót”.

Vừa giúp đồng nghiệp chụp mũ lặn vào đầu, anh Nhân thoăn thoắt đưa túi đựng que hàn, kéo hệ thống dây dẫn khí thả xuống. Đường dây gắn với thợ lặn gồm: 2 dây màu đen dẫn khí và liên lạc; dây màu vàng đo độ sâu; dây màu cam gắn kết camera và dây thừng. Chỉ tay vào đống dây dẫn khí xếp bên cạnh, anh Nhân đùa tôi: “Đố em bẻ, dẫm cho dây bẹp được đó?”. Nhìn tôi hì hục tìm mọi cách, đập, cắn, bẻ, dây vẫn không nao núng, anh Nhân cười: “Dây này như mạng sống của thợ lặn nên được thiết kế bằng chất liệu đặc biệt. Xe tải 15 tấn đi qua cũng không bẹp được. Mỗi năm bọn anh phải đưa đi đăng kiểm, kiểm tra chất lượng”. Anh Nhân vừa nói vừa chỉ cho tôi những con số đánh dấu ngày kiểm tra trên chiếc dây khí.

Khi được hỏi về cảm xúc lần đầu tiên xuống đáy biển, khuôn mặt đùa vui thoáng qua chìm xuống, anh Nhân bùi ngùi: “Đa số người theo nghề lặn có chút ưa mạo hiểm, thích khám phá, chinh phục biến sâu và không sợ chết. Dưới đáy biển mênh mông cũng có những niềm vui, nỗi sợ hãi rất riêng biệt. Niềm vui đến khi sửa chữa thành công sự cố hay ngắm những con cá, tôm đủ sắc màu bơi xung quanh. Sợ hãi khi đi lạc, không tìm ra lối ra giữa chân giàn khoan dưới đáy biển; dây hơi không cung cấp đủ lượng khí. Lúc đó việc vượt qua hoảng loạn, liên lạc đồng nghiệp là yếu tố quyết định mạng sống”.

Nhọc nhằn người tìm dầu ảnh 1

Mỗi thành viên trên tàu lặn phải luôn đoàn kết, tin tưởng lẫn nhau. Bởi người xuống đáy biển trao cả tính mạng cho người trên tàu. Xảy ra sự cố, thợ lặn phải bằng mọi cách cứu người dưới đáy đại dương.

“Thuyền gặp sự cố cần mở neo mà thợ lặn chưa kịp nổi lên, nếu cứu tàu thì mất người. Con tàu vài chục triệu đô la cũng không bằng tính mạng con người. Tàu chìm, thuyền viên nhảy xuống ca nô cứu nạn nhưng kiên quyết không bỏ lại đồng nghiệp dưới đáy biển”, cựu thợ lặn Vũ Văn Hà kể về tình đoàn kết của thợ lặn giữa đại dương.

Bảo bối của thợ lặn

Gắn bó, thấu hiểu hiểm nguy của nghề, trong câu chuyện về thiết bị hỗ trợ, thợ lặn thi công luôn nhắc đến phu lặn ở các làng chài truyền thống. “Mình có đầy đủ máy móc hiện đại ứng cứu mà còn gặp phải vô vàn hiểm nguy. Tính mạng của ngư dân đi lặn mong manh lắm”, anh Hà ngậm ngùi.

Trên mỗi tàu lặn ngoài hệ thống máy nén khí, buồng điều khiển, còn có buồng áp suất điều trị bệnh giảm áp. Nhìn bên ngoài, buồng áp suất như bình nước inox vẫn lắp đặt trên nóc chung cư. Buồng gồm 2 ngăn tách biệt với hệ thống van điều khiển áp suất. Trong khi lặn xuống và nổi lên mặt nước, cơ thể cần giảm áp để thích nghi với áp suất ở từng độ sâu đáy biển. Nếu giảm hoặc tăng áp suất bất ngờ, oxi trong mạch máu ngưng tụ thành bong bóng khí. Máu không lưu thông khiến thợ lặn nặng chết lâm sàng, nhẹ cũng liệt toàn thân, tàn tật.

Khi mắc bệnh, thợ lặn được đặt vào buồng giảm áp. Thiết bị điều chỉnh áp suất đạt đúng mức thợ lặn gặp nạn, rồi tăng dần về mức bình thường để bọt khí trong mạch máu tan rã, máu lưu thông bình thường. Sau đó dùng thuốc kháng sinh, thuốc bổ…điều trị.

Nhọc nhằn người tìm dầu ảnh 2

Buồng áp suất - bảo bối của thợ lặn

“Nhìn cái buồng đơn giản nhiều người cứ nghĩ, ra đặt thợ cơ khí gò cho cái buồng sắt còn đẹp hơn, sao phải tốn tỷ đồng mua làm gì. Nhưng bên trong có kết cấu, thiết bị rất đặc biệt, là cứu tinh của những thợ lặn gặp nạn. Năm ngoái, ngư dân lặn ở Bình Thuận chết lâm sàng do giảm áp, người nhà đưa tới đây. Chúng tôi dùng buồng giảm áp điều trị cho họ sống lại, cả gia đình mừng quá cứ quỳ lạy các bác sĩ cảm tạ mãi”, cựu thợ lặn Phạm Văn Bảo (Bà Rịa, Vũng Tàu) vừa kể vừa giải thích về buồng áp suất cho chúng tôi.

Tiếng lành đồn xa, mỗi khi có thợ lặn gặp nạn, người thân đưa đến gặp tổ vận hành buồng áp suất của anh Bảo. Nhóm của anh đã cứu sống 8 ngư dân thoát khỏi tay “hà bá”.

Sau gần 20 năm gắn bó, thấu hiểu hết “chân tơ kẽ tóc” của nghề, những thợ lặn như anh Hà, anh Bảo, anh Nhân trở về dạy nghề lặn tại Trường Cao đẳng nghề Dầu khí (PVMTC, Bà Rịa, Vũng Tàu). Vừa giảng dạy lý thuyết, các anh trực tiếp xuống đáy tháp nước cao hàng chục mét ngồi hướng dẫn học sinh, rồi cùng các em ra đáy biển khơi thực hành tập nghề.

“Thợ lặn thi công phụ thuộc vào thời tiết, mùa biển động từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau phải dừng hoạt động. Chúng tôi thường tổ chức các chuyến tập huấn, hướng dẫn kỹ năng an toàn để ngư dân lặn ở vùng biển như Lý Sơn (Quảng Ngãi), Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Bình… nhằm giúp họ bớt hiểm nguy dưới đáy đại dương”, thầy Vũ Văn Hà, Trưởng phòng Dịch vụ công trình ngầm và bộ môn lặn (PVMTC), cũng là người hơn 30 năm gắn bó với nghiệp thợ lặn cho biết.

Nhọc nhằn người tìm dầu ảnh 3

Đường dây hơi thợ lặn mang theo xuống đáy biển

Hiện nay, thợ lặn làm việc trong công trình dầu khí đã được trang bị chuông để giảm nguy hiểm. Chuông thiết kế như căn phòng nhỏ thả xuống đáy đại dương với điều kiện oxi, áp suất như trên mặt nước. Để đảm bảo an toàn, vị trí làm việc của thợ lặn có bán kính 30m quanh chuông, xảy ra sự cố sẽ nhanh chóng đưa vào chuông, kéo lên mặt biển.

Tuyển thợ lặn như tuyển phi công

Thợ lặn lành nghề có mức lương 30-40 triệu đồng/tháng.Quá trình học, thợ lặn được miễn phí tiền ăn ở, đi lại, học phí. Ra trường được cấp chứng chỉ của tổ chức hàng hải quốc tế, nhưng để thi đậu thợ lặn thật không dễ dàng.

Sau khi đăng ký, học viên phải khám sức khỏe lần lượt 3 vòng (bệnh viện đa khoa cấp huyện hoặc cấp tỉnh nơi cư trú; bệnh viện chuyên khoa 103, 108 tại Hà Nội; bệnh viện 175 tại TP.HCM). Khi học nghề, “lính mới” phải chịu lịch rèn luyện khắt khe. Mỗi ngày thợ lặn chạy bộ 10km trong thời gian 45 phút. Học các môn bơi, lặn và dần hoàn thiện kỹ năng hàn, lắp ráp cơ khí dưới đáy biển. Khẩu phần ăn của thợ lặn luôn gấp 3 cán bộ, thầy cô giáo giảng dạy tại nhà trường để đảm bảo sức khoẻ.

Hơn nữa, dưới chân giàn khoan, công trình dưới đáy biển rất nhiều chi tiết, việc rèn luyện trí nhớ quan trọng hàng đầu. Mỗi thợ lặn sẽ được phát tranh vẽ, sau 5 phút thu lại và yêu cầu ghi nhớ chi tiết trong bức tranh. Độ khó của bức tranh tăng dần.

Nhọc nhằn người tìm dầu ảnh 4

Buồng điều khiển thiết bị và giám sát an toàn cho thợ lặn

“Tuyển thợ lặn khắt khe như tuyển phi công. Ngoài chiều cao cân nặng, sức khỏe tốt, thợ lặn không xăm trổ, không mắc bệnh ngoài da, không sâu răng… Để trở thành thợ lặn lành nghề phải đổ mồ hôi, thậm chí xương máu. Chút sơ sẩy trong quá trình làm việc có thể bỏ mạng dưới đáy biển bởi nghề này không được phép sai sót và không có cơ hội sửa sai”, thầy Phạm Văn Bảo, PVMTC cho biết.

(Còn nữa)