Mong manh hy vọng phục hồi giá dầu
03:45 SA @ Thứ Sáu - 08 Tháng Tư, 2016

Những ngày vừa qua, một loạt những thông tin bất lợi cho việc hồi phục giá dầu thế giới đã khiến giá dầu thô giảm nhiều phiên liên tiếp, đặc biệt nghiêm trọng là sự “hục hặc” giữa hai ông lớn Iran và Saudi Arabia. Có vẻ như càng gần ngày dự kiến diễn ra cuộc họp của các nước xuất khẩu dầu mỏ tại Doha (17/4) nhằm đóng băng sản lượng thì hy vọng giá dầu sớm hồi phục càng trở nên mong manh hơn.

Sau khi tăng hơn 50% trong suốt 2 tháng (tháng 2 - 3/2016), giá dầu đã mất đà tăng khi giảm liên tiếp 14% trong 2 tuần qua do những thông tin quan ngại ngày càng nhiều về việc không thể cứu vãn sự mất cân bằng cung cầu.

mong manh hy vong phuc hoi gia dau
Mong manh hy vọng phục hồi giá dầu

Phân tích của các chuyên gia cho rằng giá dầu tăng thời gian qua chủ yếu do hy vọng phiên họp giữa các nước xuất khẩu dầu mỏ chủ chốt có thể đi đến việc đóng băng sản lượng và phần nào giúp hồi phục các yếu tố cung cầu. Chính vì vậy, giá dầu liên tiếp nới rộng sự sụt giảm từ hai phiên trước cũng đến từ chính nguyên nhân giới đầu tư nghi ngờ việc các nhà sản xuất có thể kiềm chế dư cung toàn cầu.

Đặc biệt là mối quan hệ ngày càng căng thẳng giữa Saudi Arabia và Iran, hai quốc gia có lượng sản xuất dầu đứng đầu thế giới hiện nay. Khi Tehran thẳng thừng tuyên bố sẽ không tuân theo thỏa thuận nào từ Doha mà chỉ dự khán cuộc họp trên cho có lệ. Tức khí với đối thủ ngày 1/4 vừa qua, Bộ trưởng Dầu mỏ Saudi Arabia cũng tuyên bố rằng nếu Iran không hợp tác thì họ cũng chẳng cam kết gì hết.

Thậm chí nếu Saudi Arabia tham gia hiệp ước mà không có Iran tham gia, việc đóng băng nguồn cung hầu như chỉ mang tính hình thức vì các nước tham gia hiệp ước hầu như rất ít có thể tiếp tục gia tăng sản xuất. Để khẳng định thêm mối bất hòa này, Saudi Arabia đã thông báo cấm các tàu chở dầu của Iran xâm nhập vào vùng biển của nước này hòng làm chậm xuất khẩu dầu của Iran.

Theo hãng tin FT (Financial Times), tàu chở dầu Iran bị cấm vào các hải cảng của Saudi Arabia. Đồng thời Bahrain, một đồng minh của Saudi Arabia, cũng đã ban hành lệnh cấm tương tự. Ngoài ra, Iran cũng không thể tiếp cận một số dầu tích trữ tại một kho chứa ở Ai Cập, mà phần lớn thuộc quyền sở hữu của Saudi. Những o ép trên của Saudi Arabia đã có hiệu quả đến mức Giám đốc Điều hành Công ty dầu Iran phải thừa nhận rằng họ đang bị trở ngại khi đưa dầu đi bán bởi lượng dầu thô chứa trong trong kho nổi ngoài khơi bờ biển của Iran tăng lên 50 triệu thùng (hơn 10% trong năm nay).

Trước đó, lệnh cấm vận của phương Tây khiến Iran đã phải vận chuyển dầu thô bằng để đường ống dẫn dầu SUMED băng qua Ai Cập (từ Biển Đỏ đến Biển Địa Trung Hải). Cũng theo hãng tin FT thì Saudi Arabia cũng đang chặn Iran tiếp cận hệ thống đường ống này hòng xiết chặt lượng dầu thô xuất khẩu của Iran sang châu Âu.

mong manh hy vong phuc hoi gia dau
Dầu thô đang vào đà giảm giá mới.

Trong khi đó, bất chấp các chiến dịch gây khó dễ của Saudi Arabia, Iran vẫn đặt mục tiêu nâng kim ngạch xuất khẩu. Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh ngày 03/04 đã phát biểu rằng Iran đã tăng cường xuất khẩu dầu và khí ngưng thêm 250.000 thùng mỗi ngày, qua đó xuất khẩu đã vượt qua ngưỡng 2 triệu thùng mỗi ngày.

Hôm qua lại xuất hiện thêm 1 lý do nữa khiến giá dầu thô tiếp đà suy giảm mới. Đó là trong đầu phiên giao dịch châu Á ngày 5/4 đã xuất hiện dấu hiệu suy yếu nhu cầu xăng tại cả Bắc Mỹ và châu Á. Đây là lý do đặc biệt quan trọng vì nhu cầu về xăng chính là một trụ cột hỗ trợ lâu dài đối với việc phục hồi giá dầu.

Nguyên nhân sự sụt giảm lượng cầu về xăng bởi lần đầu tiên trong 14 tháng qua, lượng xăng vào thị trường Mỹ xuất hiện xu thế giảm. Đồng thời tình hình dư cung và tăng trưởng kinh tế đang chậm lại tại châu Á buộc một số thương nhân phải chứa xăng dư thừa trên tàu ngoài khơi do các kho lưu trữ tại Singapore và Malaysia đều đã đầy. Với khả năng dư thừa xăng xuất hiện đang bổ sung dư cung toàn cầu trong các sản phẩm dầu thô mà đã vượt nhu cầu hơn 1 triệu thùng mỗi ngày.

Trước tình hình này, Ngân hàng BNP Paribas đã đưa ra cảnh báo rằng trong 3 tháng tới cân bằng dầu thô toàn cầu sẽ tiếp tục dư cung với lượng hàng tồn kho khá lớn. Từ đó, giá dầu có thể dễ dàng xuống lại mức thấp đáy đã lập vào đầu năm 2016.

Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI kỳ hạn giao tháng 5 giao dịch tại thị trường Mỹ chỉ còn 35,39 USD/thùng, giảm 30 cent so với đóng cửa phiên trước. Còn dầu Brent kỳ hạn cũng giảm 23 cent xuống chỉ còn 37,46 USD/thùng.

Nguồn: