Đường ống xăng dầu Trường Sơn - một dòng sông mang lửa
02:58 SA @ Thứ Sáu - 17 Tháng Năm, 2019

Khi tuyến Đường Hồ Chí Minh chuyển sang vận tải bằng cơ giới thì xăng dầu trở thành nhu cầu cực kỳ thiết yếu. Nhưng do địch đánh phá hết sức ác liệt nên hầu hết các xe chở xăng đều không thể vượt qua các trọng điểm.

Tháng 4-1968, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên điện báo về bộ: Do thiếu xăng, xe phải ngừng hoạt động. Nếu không chuyển kịp xăng và lương thực vào, có nguy cơ hàng vạn bộ đội bị đói. Để khắc phục tình trạng này, hậu phương đã tìm mọi cách, phát huy mọi sáng kiến: Làm đường ống dẫn xăng bằng thân cây lồ ô, kiệu các phuy xăng qua trọng điểm, lót ni lông vào ba lô để gùi xăng, vần phuy xăng dọc suối… Tất cả những biện pháp đó đều không mang lại hiệu quả đáng kể mà tổn thất rất lớn. Việc tiếp xăng cho tuyến vận tải cơ giới xem như bế tắc. Tình hình đó khiến Quân ủy Trung ương và lãnh đạo Bộ Quốc phòng hết sức đau đầu.

Chủ trương chiến lược sáng tạo và táo bạo

Giữa năm 1967, trong một lần dự diễn tập quân sự của khối Warszawa, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện phát hiện quân đội Liên Xô trang bị cho cấp quân đoàn bộ đường ống dã chiến loại có đường kính 100mm, mỗi bộ dài 100km và 12 trạm bơm đẩy. Đồng chí đặt ngay vấn đề xin viện trợ và được bạn đồng ý.

Bộ đường ống dã chiến nói trên dùng cho cấp chiến dịch, chỉ sử dụng 7-10 ngày là tháo dỡ, nhưng ta lại dùng cho vận tải chiến lược, tuyến ống có thể tồn tại suốt thời gian còn lại của chiến tranh. Theo lý thuyết thì hệ thống đường ống dã chiến được tiến hành dưới một ô phòng không vững chắc, nhưng đường ống đó nếu sang ta sẽ chịu áp lực đánh phá hủy diệt của không lực Hoa Kỳ. Bởi vậy, khi đặt vấn đề đưa đường ống dã chiến vào vận tải chiến lược, rất nhiều ý kiến nghi ngại. Mặc dù vậy, quyết tâm của Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện vẫn rất rõ ràng. Quyết tâm đó dựa trên những căn cứ khoa học mang tính đặc thù Việt Nam: Một là, đường ống dã chiến là phương tiện vận chuyển hiện đại, có khả năng vượt qua mọi địa hình, thời tiết phức tạp ở Trường Sơn. Hai là, đường ống có thể tháo lắp. Với trọng lượng mỗi ống chỉ hơn 30kg, bộ đội có thể vác luồn lách trong rừng để thi công và giữ được bí mật. Ba là, nhờ ống nhẹ, lắp ráp tiện lợi nên khi bị bom đánh có thể dễ dàng khắc phục. Đây là một đặc điểm rất quý để đường ống có thể đương đầu với sự đánh phá hủy diệt của không lực Hoa Kỳ.

Chủ nhiệm Đinh Đức Thiện nhấn mạnh: Đó là chủ trương chiến lược, còn các vấn đề kỹ thuật và chiến thuật thì phải giải quyết trong thực tiễn. Quyết tâm đó đã được Quân ủy Trung ương thông qua và trở thành chủ trương chiến lược của cấp lãnh đạo cao nhất.

Đường ống xăng dầu như một dòng sông mang lửa. Nó có thể bùng cháy khi gặp một tia lửa nhỏ, vậy mà nó đã vượt qua hàng nghìn cây số dưới "mưa bom bão đạn" để tiếp xăng cho các đoàn xe trên Đường Hồ Chí Minh và đưa xăng vào tận Nam Bộ. Bởi vậy, xét trên một góc nhìn khác, nó mang trong mình ngọn lửa căm thù và quyết tâm chiến đấu của những người lính xăng dầu.

Dòng xăng ngầm xuyên suốt Trường Sơn

Nửa đầu năm 1968, cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc diễn ra vô cùng ác liệt, tuyến ống đầu tiên bắt đầu từ Nam Thanh (Nam Đàn) đến Nga Lộc (Hà Tĩnh) dài 42km, gọi là tuyến X42 để đưa xăng vượt qua “tam giác lửa” Vinh-Nam Đàn-Linh Cảm. Tuyến X42 là thử nghiệm thành công đầu tiên làm cơ sở để đưa đường ống vào Trường Sơn.

Ngày 1-11-1968, ngay sau khi đế quốc Mỹ buộc phải ngừng ném bom miền Bắc, Công trường 18 nhận nhiệm vụ xây dựng tuyến đường ống vượt Trường Sơn theo trục đường 12 qua đèo Mụ Giạ (gọi là tuyến Hướng Tây) vào đến bản Ka Vát dài 80km. Đúng Giao thừa Tết Kỷ Dậu (16-2-1969), xăng vào đến bản Na Tông trên đất Lào. Đây là lần đầu tiên xăng đường ống vượt Trường Sơn và có mặt trên tuyến vận tải chiến lược. Sau đó, tuyến này được nối thông với Vinh, do Binh trạm 169 thuộc Tổng cục Hậu cần. Ngày 9-3-1969, lần đầu tiên 4 tiểu đoàn đường ống vận hành liên tuyến từ Vinh vào tận Bản Sôi với tổng chiều dài 325km.

Để rút ngắn quãng đường đưa xăng vào mặt trận, tháng 3-1969, ta chuyển hướng thi công tuyến vượt Trường Sơn sang trục đường 18, sát với Vĩ tuyến 17. Sau nhiều cuộc chiến đấu vô cùng gian khổ, ác liệt, ngày 22-12-1969, xăng đến Bản Cọ. Đây là sự kiện rất quan trọng vì nó đánh dấu sự hiện diện của xăng đường ống đến Vĩ tuyến 17 sát chiến trường. Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã có mặt chứng kiến sự kiện này và động viên bộ đội. Từ Bản Cọ, tuyến ống tiếp tục phát triển sâu vào trong. Mùa khô 1970-1971 và 1971-1972, Trung đoàn 592, trung đoàn đường ống đầu tiên của Đoàn 559 đảm nhiệm thi công, quản lý vận hành 135km tuyến, gồm tuyến dọc từ điểm đầu tuyến 559 trên đường 18 đến nam sông Sê La-nông và tuyến ngang từ Bản Cọ đến bản Na Lai trên trục đường 128. Nhờ hai tuyến này mà trong Chiến dịch Đường 9-Nam Lào, xăng được cấp phát đầy đủ cho cả chiến dịch và cho việc vận chuyển vào Nam. Mùa khô 1971-1972, Trung đoàn đường ống 532 được thành lập để thi công và vận hành nối tiếp Trung đoàn 592. Đến hết tháng 2-1973, Trung đoàn 532 đã thi công và vận hành tuyến ống 144km từ nam Sê La-nông đến cách Sekong 24km. Nhờ tuyến ống mới phát triển của Trung đoàn 532, chúng ta đã hình thành được thế trận bảo đảm xăng dầu trên hai trục đường huyết mạch của tuyến chi viện chiến lược là đường 128 và đường 22. Đặc biệt, xe của Binh trạm 34 không phải vượt dốc “12 cua” hay dốc “Tử thần” để ra Mường Noòng lấy xăng nữa.

Sau Hiệp định Paris, đường ống có bước phát triển vượt bậc. Bộ đội đường ống có 4 trung đoàn. Từ Quảng Trị có hai tuyến chạy dọc đông và tây Trường Sơn gặp nhau ở bản Plei Khốc, ngã ba biên giới. Từ đây, đường ống chạy dọc theo biên giới Việt Nam-Campuchia vào đến Bù Gia Mập trên đất Bình Phước. Nhờ xăng đường ống, chúng ta đã bảo đảm cho hàng vạn xe vận tải và binh khí kỹ thuật mỗi ngày hành quân trên đường Trường Sơn mùa khô 1974-1975. 21 giờ 30 phút ngày 14-3-1975, xăng đã vào đến Bù Gia Mập. Từ đây, xăng được chuyển đến hai kho hàng tại làng 7 và làng 9 ở thượng nguồn Sông Bé phục vụ đại quân từ cánh tây tiến về Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Tính từ khi “đặt chân” lên tuyến vận tải quân sự Trường Sơn đến ngày toàn thắng, bộ đội đường ống Trường Sơn đã thi công, quản lý, vận hành 1.660km tuyến ống (gồm cả tuyến nội bộ kho), 60 kho xăng với trữ lượng 32.000m3.

Sự can trường, sáng tạo của bộ đội đường ống Trường Sơn

Như các binh chủng khác trên Trường Sơn, bộ đội đường ống cũng chịu đựng mọi gian khổ hy sinh. Thêm vào đó, họ làm việc trong môi trường xăng chì độc hại, nhiều người trong họ sau này phải chịu những di chứng đau lòng. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống trên tuyến đường ống khi khảo sát, thi công, khi vận hành, cứu tuyến. Có thể nêu lên vài ví dụ về sự hy sinh đó: Tại Trạm bơm T15, khi đang nối tuyến thì máy bay địch đến, Trung đội trưởng Quy-Trạm trưởng yêu cầu anh em vào hầm trú ẩn, một mình anh siết những con ốc cuối cùng. Toàn thân anh tắm trong xăng phun ra từ ống, nơi anh đứng là một hố bom đầy xăng. Giữa lúc đó, địch rải bom bi, Quy hy sinh giữa biển lửa trong sự xót xa của đồng đội. Trung úy Cát hy sinh trên đường khảo sát. Trước khi hy sinh còn dặn đồng đội: “Nhờ các anh mang tấm huân chương này về cho con trai tôi và nói với nó hãy noi theo gương chiến đấu của bố”...

Bộ đội đường ống Trường Sơn thắng Mỹ không chỉ là sự ngoan cường, sẵn sàng hy sinh, mà còn là cuộc đấu trí vô cùng cam go của một binh chủng kỹ thuật với không lực Hoa Kỳ. Khi phát hiện tuyến ống của ta đã vượt qua đèo Mụ Giạ, địch dùng B-52 và mọi loại thủ đoạn phá hủy tuyến ống. Rừng cây bị san phẳng, đá như bị nghiền thành bột. Trước tình hình đó, Công trường 18 đã khôn khéo làm một tuyến tránh kín đáo, đồng thời nghi binh khiến địch tưởng ta vẫn dùng tuyến cũ. Nhờ đó, sau gần hai tháng khẩn trương thi công và vật lộn với bom đạn, đúng Giao thừa Tết Kỷ Dậu (16-2-1969), xăng đã vào đến Na Tông, kho đầu tiên của bộ đội đường ống trên đất Lào.

Tuyến vượt Trường Sơn ở cửa khẩu đường 18, sự gian khổ hy sinh còn tăng gấp bội. Trong lịch sử bộ đội đường ống Trường Sơn, đây là nơi xương máu nhất, đọ sức quyết liệt nhất với không lực Hoa Kỳ. Tất cả các chỗ đường ống có thể đi qua đều bị B-52 và đủ loại bom chà đi xát lại. Nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong thi công, khảo sát tuyến. Thêm vào đó là thời tiết khắc nghiệt, những trận mưa rừng, lũ vây, sốt rét khiến quân số giảm đáng kể. Suốt ba tháng trời, tuyến ống không thể phát triển được. Trong tình hình ấy, chúng ta đã chấp nhận mạo hiểm: Đưa đường ống vượt đỉnh 911, đỉnh cao nhất trong khu vực. Người Mỹ đã không lường tới việc này và chúng ta đã vượt qua “cửa tử”, ngày 22-12-1969, xăng được đưa vào Bản Cọ kịp phục vụ vận chuyển mùa khô.

Mùa khô 1970-1971, địch dùng tên lửa điều khiển laze phá hủy Trạm bơm T5 ở Bản Cọ. Không có trạm bơm này sẽ không thể bơm xăng vào Đường 9 phục vụ binh khí kỹ thuật tham gia Chiến dịch Đường 9-Nam Lào và các đơn vị vận tải phía nam Đường 9. Trong tình thế vô cùng hiểm nghèo đó, nhóm kỹ sư vận dụng lý thuyết của Liên Xô vào điều kiện Trường Sơn, thực hiện thành công bơm xăng trên một quãng đường 70km từ trạm bơm ở phía đông Trường Sơn, vượt qua T5 vào Đường 9. Nhờ đó, trong Chiến dịch Đường 9-Nam Lào, Trung đoàn 592 hoàn thành xuất sắc cả ba nhiệm vụ: Giữ bí mật tuyến ống với địch cả trên không và mặt đất, bơm đầy xăng các kho chứa trước khi chiến dịch bắt đầu và tham gia đánh địch.

Những sự ghi nhận

Trải qua 7 năm tham gia vào vận tải chiến lược, bộ đội đường ống Trường Sơn đã không phụ sự kỳ vọng của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương; làm kẻ thù phải kinh ngạc và thán phục. Thành tích của họ đã được ghi nhận, có 3 đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, gồm: Tiểu đoàn 668 (Trung đoàn 592), Trung đoàn 592 và Trung đoàn 537.

Ngày 20-10-2001, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: "Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bộ đội xăng dầu đã lập công xuất sắc. Đây là một công trình thể hiện ý chí quyết tâm, tinh thần dũng cảm, mưu trí và đầy sáng tạo, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc...”.

Virginia Louise Morris, tác giả cuốn Đường mòn Hồ Chí Minh-con đường dẫn tới tự do đã viết: “Người Việt đã vượt lên người Mỹ về tầm nhìn xa, đã xây dựng cơ sở hạ tầng của một hệ thống kho xăng dầu và một hệ thống đường ống dài 5.000km chạy từ biên giới Việt-Trung, dọc ngang Trường Sơn về tới Đông Nam Bộ... Đây là dự án khủng khiếp...”.

Bộ đội đường ống thực sự xứng đáng với đánh giá của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên: “Nếu đường Trường Sơn là huyền thoại thì đường ống xăng dầu là huyền thoại trong huyền thoại đó”.

Thiếu tướngHỒ SỸ HẬU, Nguyên Cục trưởng Cục Kinh tế/Bộ Quốc phòng, nguyên kỹ sư thiết kế, thi công đường ống xăng dầu Trường Sơn

Nguồn: