Công ty dầu khí quốc gia khu vực Châu Á: Pertamina (Indonesia)
04:47 SA @ Thứ Sáu - 28 Tháng Ba, 2014

Pertamina - Tập đoàn dầu khí quốc gia Indonesia - là nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai tại quốc gia này với doanh thu năm 2013 đạt mức 71,1 tỷ USD, chỉ xếp sau Chevron Pacific Indonesia [1]. Năm 2013, Pertamina là đại diện duy nhất của Indonesia góp mặt trong danh sách Fortune Global 500 - top 500 doanh nghiệp lớn nhất hành tinh (xếp thứ 122).

Lợi nhuận ròng năm 2013 của Pertamina tăng 11% từ mức 2,77 tỷ USD năm 2012 lên 3,07 tỷ USD, chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh thương mại dầu khí. Pertamina hiện thuộc sở hữu 100% của nhà nước, do đó không giao dịch trên sàn chứng khoán Indonesia (IDX).

Cơ cấu tập đoàn
Tổng giám đốc: bà Karen Agustiawan
[2]
Tập đoàn này có trụ sở đặt tại Jakarta, hiện sở hữu và điều hành 6 công ty con, trong đó nổi bật nhất là Pertamina EP (khai thác & sản xuất dầu khí), Pertamina Gas (vận chuyển & kinh doanh khí đốt) và Pertamina Geothermal Energy (thăm dò & khai thác địa nhiệt).

Lịch sử hình thành và các mốc quan trọng:

1957 - Độc lập
Vào những năm 1950, sau khi giành được độc lập sau chiến tranh, việc quản lý các nguồn tài nguyên của quốc gia này, đặc biệt là các khối dầu khí mà trước đây thuộc sự kiểm soát của người Hà Lan vẫn còn là một vấn đề gây nhiều tranh cãi. Năm 1957, các khối tài sản này bị quốc hữu hóa. Sau đó, nhà nước thành lập Permina với tư cách là một doanh nghiệp nhà nước độc quyền, thay mặt nhà nước kiểm soát các hoạt động liên quan đến dầu khí.

1968 - Hợp nhất
Tháng 8/1968 là một bước ngoặt quan trọng khi Permina hợp nhất với công ty Pertamin (thành lập năm 1961) để cho ra đời tập đoàn nhà nước Pertamina, như một sự thừa nhận chính thức quy định chỉ Nhà nước mới có quyền thăm dò và khai thác dầu khí.

1970s - Thời kỳ thịnh vượng
Để củng cố công ty còn non trẻ, Indonesia đã ban hành Luật số 8/1971, trong đó ấn định Pertamina là doanh nghiệp nhà nước duy nhất có nhiệm vụ quản lý hoạt động kinh doanh dầu khí, từ việc xử lý và sản xuất dầu khí tại tất các mỏ ở Indonesia đến việc cung cấp và đáp ứng nhu cầu về nhiên liệu về khí thiên nhiên trong cả nước. Nhờ đó mà giai đoạn này, Pertamina mang lại nguồn thu khổng lồ cho Chính phủ mới thiết lập của Tổng thống Suharto, tạo điều kiện cho việc đầu tư mở rộng cơ sở hạ tầng và xóa đói giảm nghèo.

2001-2003 - Vị thế thay đổi
Vào năm 1999, tập đoàn kiểm toán Pricewaterhouse Coopers đã tiết lộ thông tin cho biết Pertamina đã bị thất thoát hàng tỷ $ do tham nhũng và quản lý kém hiệu quả.
Sau này, cùng với những thay đổi trong ngành công nghiệp dầu khí toàn cầu, chính phủ Indonesia đã thông qua Luật Dầu khí mới số 22/2001. Quy định mới này của chính phủ đã cho phép các hãng nước ngoài được phép tham gia vào quá trình dự trữ phân phối, vận chuyển các sản phẩm lọc dầu, theo đó đưa Pertamina trở lại ngang hàng với các công ty dầu khí khác, góp phần hình thành một sân chơi công bằng, cạnh tranh cho tất cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Sau khi luật năm 2001 được ban hành, các chức năng quản lý và điều hành của Pertamina được chuyển giao cho một đơn vị mới là BP Migas. Tới năm 2003, theo một sắc lệnh của chính quyền Indonesia, Tập đoàn này đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn PT Pertamina (Persero) nhưng vẫn là công ty thuộc sở hữu của nhà nước.

Tháng 7/2004, vị thế độc quyền của Pertamina tại thị trường bán lẻ và phân phối sản phẩm dầu mỏ chính thức bị chấm dứt khi BP và Petronas được cấp giấy phép hoạt động tại thị trường này. Shell và Total cũng lần lượt góp mặt tại Indonesia vào năm 2005 và 2007. Tuy không còn là nhà xuất khẩu mạnh về các sản phẩm dầu mỏ nhưng Pertamina vẫn đảm bảo phân phối nguồn nhiên liệu thiết yếu cho nhu cầu nội địa.


Trụ sở của Pertamina tại Jakarta


Hoạt động và sản phẩm

Hoạt động thượng nguồn bao gồm việc thăm dò, sản xuất dầu khí và năng lượng địa nhiệt, do công ty con PT Pertamina EP và PT Pertamina Hulu Energi đảm nhận, riêng việc khai thác ở khu mỏ lớn Cepu do PT Pertamina EP Cepu và các đối tác thực hiện.

Năm 2012, Tập đoàn đã khoan thăm dò thành công 47 giếng dầu khí, 6 giếng khác vẫn được tiếp tục thăm dò cho tới năm 2013. Tuy nhiên, do sự suy giảm sản lượng tại các mỏ khai thác chính, sản lượng sản xuất dầu và khí đốt của Pertaminas năm 2013 cũng chỉ giữ ở mức 465 nghìn thùng/ngày, tăng không đáng kể so với năm 2012.
Để thiết lập lại vị trí và tầm ảnh hưởng của mình trong sân chơi dầu khí, bên cạnh việc đầu tư tại các các quốc gia mà Pertamina đã sẵn có các mỏ dầu như Sudan, Qatar, Iraq, Malaysia, Australia và Libya, Tập đoàn này còn mở rộng việc thăm dò sang các nước khác như khu vực Trung Đông, Thái Lan, Myanma, Việt Nam. Cùng với đó, hãng này còn đẩy mạnh sản lượng dầu nội địa thông qua việc mua lại các mỏ dầu mới, sử dụng các công nghệ tiên tiến hơn. Trong năm 2009, Pertamina đã mua cổ phần của BP tại mỏ dầu ngoài khơi thuộc biển Tây Bắc Java (ONWJ), đến 2011 thì tiếp nhận khối dầu West Madura ngoài khơi phía Đông Java.
Năm 2013, đánh dấu mức đầu tư kỷ lục của Pertaminas - 6,87 tỷ USD, tăng gấp đôi so với mức đầu tư 3,15 tỷ đôla của năm 2012 chủ yếu đến từ hoạt động đầu tư thượng nguồn và mua lại của các khối dầu khí trong và ngoài nước.

Hoạt động hạ nguồncủa tập đoàn chủ yếu là việc vận hành các nhà máy lọc dầu, kinh doanh – tiếp thị các sản phẩm dầu mỏ và kinh doanh LNG.

Mảng lọc hóa dầuđược thực hiện thông qua 6 nhà máy lọc dầu trên khắp cả nước (tính đến năm 2013) với tổng năng lực sản xuất vào khoảng 1 triệu thùng dầu/ngày. Trong khi nhu cầu nhiên liệu mỗi ngày của Indonesia trong năm 2013 là 1,6 triệu thùng. Điều này đồng nghĩa với việc quốc gia này phải nhập khẩu khoảng 600.000 thùng/ngày, chủ yếu do Pertamina đảm nhận.
Đầu ra của các nhà máy lọc dầu trên là xăng Premium, dầu hỏa, diesel, xăng hàng không, dầu FO, LPG và các sản phẩm hóa dầu khác.

Tháng 3/2013, Pertamina và Công ty hóa chất PTT Global Chemical của Thái Lan đã ký kết thỏa thuận xây dựng một cơ sở hóa dầu trị giá 5 tỷ USD với công suất hàng năm 250.000 tấn ethylene và 350.000 tấn polypropylene - vật liệu chính để sản xuất nhựa, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2017.

Ngoài các nhà máy lọc dầu thuộc sở hữu của mình, Pertamina cũng có 2 công ty quản lý đầu ra của các nhà máy khí hóa lỏng: PT Arun LNG và PT Badak LNG với tổng công suất 12.5 triệu tấn/năm và 22.5 triệu tấn/năm.

Theo số liệu từ Bộ Doanh nghiệp Nhà nước Indonesia, Tập đoàn này hiện chiếm khoảng 10% thị trường hóa dầu tại Indonesia, và do công suất lọc dầu còn thấp nên hàng năm nước này phải nhập khẩu khoảng 5 tỷ USD các sản phẩm hóa dầu (số liệu tháng 3/2013).

Mảng tiếp thị và kinh doanh bao gồm việc phân phối cho thị trường trong và ngoài nước dầu và sản phẩm hóa dầu do các nhà máy lọc dầu của Pertamina trực tiếp sản xuất của hoặc lấy từ nguồn nhập khẩu.

Bên cạnh việc tối ưu hóa hoạt động của các nhà máy lọc dầu, Pertamina đang phấn đấu cải thiện lợi nhuận thông qua việc duy trì khả năng phân phối cả nhiên liệu được trợ cấp và không được trợ cấp.

Nhiên liệu trợ cấp: xăng Premium và cho ngành giao thông vận tải, dầu hỏa cho các hộ gia đình và các đơn vị kinh doanh nhỏ, Solar Fuel cho giao thông, dịch vụ công cộng và các lĩnh vực kinh doanh nhỏ lẻ.

Nhiên liệu không được trợ cấp: nhiên liệu cho công nghiệp và hàng hải, nhiên liệu đặc biệt (Pertamax, Pertamina Dex, Pertamax Plus) và Avtur, Avgas cho hàng không.

Năm 2012, Pertamina đã phân phối gần 65 triệu lít (bao gồm 45 triệu lít nhiên liệu được trợ cấp và 20 triệu lít nhiên liệu không được trợ cấp) thông qua gần 4.800 trạm nhiên liệu trên khắp cả nước. Tập đoàn này hiện chiếm hơn 70 % thị phần trong phân khúc bán lẻ nhiên liệu tại thị trường Indonesia, bên cạnh các nhà phân phối khác trong nước và một số nhà phân phối nước ngoài như Shell, Total, BP,…


Một trạm nhiên liệu của Pertamina

Hợp tác với Việt Nam

Đánh giá được tiềm năng khai thác tại khu vực Đông Nam Á, thông qua thỏa thuận liên doanh 3 bên giữa PetroVietnam và Petronas, Pertamina đã có dự án thăm dò đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2002. Theo chương trình này, hợp đồng dầu khí lô 10 và 11 thuộc thềm lục địa Việt Nam đã được ký kết ngày 1/1/2002.

Tới tháng 6/2003, tại Kuala Lumpur, 3 đối tác này tiếp tục đạt được thỏa thuận thăm dò và khai thác lô dầu khí SK-305 [3]. Trong đó, Pertamina có 30% cổ phần, Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) có 30% và Petronas Carigali. Sdn. Bhd (PCSB) – công ty thành viên của PETRONAS nắm 40%.

Tháng 8/2007, Pertamina cùng với Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) và Petronas đã ký kết hợp đồng phân chia khai thác dầu khí lô Radugunting[4]. Theo hợp đồng này, 3 bên sẽ thành lập công ty liên doanh PCPP Joint Operating Company. Tỉ lệ phân chia cổ phần là Pertamina 40%, PVEP 30% và Petronas 30%.


[1]: Chevron hiện là nhà sản xuất dầu thô lớn nhất tại Indonesia, chiếm gần 39% sản lượng dầu mỏ tại nước này (năm 2013). Tập đoàn này hiện vận hành 2 mỏ dầu khí lớn nhất Indonesia là Minas và Duri. Trong khi đó, sản lượng khai thác dầu mỏ năm 2012 của Pertamina chỉ chiếm khoảng xấp xỉ 17% thị phần khai thác tại Indonesia.

[2]Karen Agustiawan sinh năm 1958 tại Bandung, Tây Java. Bà là người phụ nữ đầu tiên nắm cương vị Tổng giám đốc điều hành trong lịch sử hoạt động của Pertamina. Được bổ nhiệm lần đầu vào năm 1999, Karen Agustiawan đã khẳng định được năng lực của mình khi tiếp tục được tái bổ nhiệm vào vị trí này vào năm 2013. Năm 2014, bà được tạp chí Forbes bầu chọn là 1 trong 10 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á.

[3]Lô SK-305 nằm tại khu vực tỉnh Balingian với diện tích trên 15.000 km2. Khu vực này được các Công ty Shell, Agip và Opic tìm kiếm, thăm dò trong thời gian gần đây và đang được đánh giá là lô có nhiều tiềm năng dầu khí của Malaysia.

[4] Lô hợp đồng Randugunting có diện tích 2596 km2, nằm trên đất liền về phía Đông bắc đảo Java của Indonesia.

Nguồn: