Chuyện về một người… gọi dầu? (Kỳ 1)
01:40 SA @ Thứ Năm - 13 Tháng Hai, 2014

Khi đã là Tổng giám đốc một Tổng Công ty Khoan danh tiếng, đã từng lập nên nhiều thành tích cho sự phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam, đã bươn chải trên nhiều công trình quan trọng của Tập đoàn, Đỗ Văn Khạnh vẫn thấy mình và giàn khoan, những giếng khoan dầu khí có một sự gắn bó thật đặc biệt…

Tôi bắt đầu phóng sự này bằng câu chuyện của anh Phạm Tiến Dũng - Tổng giám đốc PV Drilling khi chúng tôi nói chuyện về dự án khai thác dầu ở sa mạc Sahara.

Chuyện nọ xọ chuyện kia, bỗng dưng tôi hỏi anh rằng, ngày xưa anh về PV Drilling như thế nào?

Anh suy nghĩ một lát, rồi bỗng khuôn mặt sáng bừng lên và nói: "Tôi về PV Drilling chính là do mê ông Khạnh".

Nghe anh nói "mê ông Khạnh" mà tôi ngạc nhiên vô cùng. Ở đời, chuyện nam nữ mê nhau đã đành, thậm chí còn mê đến nỗi bỏ nhà, bỏ cửa, bỏ công việc đi theo nhau thì tôi nghe đã nhiều, nhưng mà ở đây là chuyện một gã đàn ông lại mê một gã đàn ông? Chẳng lẽ có "tình ý" gì chăng?

Nhận thấy vẻ ngạc nhiên của tôi, Phạm Tiến Dũng mới kể rằng: "Năm ấy, tôi được cử đi học một lớp bồi dưỡng về khai thác dầu khí do một chuyên gia nước ngoài giảng. Người phiên dịch cho lớp học ấy là một ông Việt kiều Mỹ. Nhưng ông phiên dịch này không hiểu các thuật ngữ chuyên môn của ngành Dầu khí nên dịch cứ lúng ba lúng búng. Phát hiện ra người phiên dịch không phù hợp, ông chuyên gia người Mỹ bèn cho gọi anh Đỗ Văn Khạnh, lúc ấy thì tôi cũng chỉ mới biết Đỗ Văn Khạnh là một cán bộ của PVEP thôi. Khi Đỗ Văn Khạnh vào dịch thì tất cả học viên ai cũng há hốc mồm ra nghe vì anh gần như dịch ngay tức khắc khi giáo viên vừa dứt lời, thậm chí có những câu anh còn giải thích thêm cho chúng tôi hiểu. Nghe anh dịch tôi phục lắm và tôi nghĩ, tại sao Dầu khí mình lại có người giỏi vậy?

Thế rồi những ngày sau đó, cứ điều gì không hiểu hoặc còn thắc mắc là tôi lại đến hỏi anh Khạnh. Anh chỉ bảo cho tôi rất tận tình và thực sự tôi đã coi anh như một người thầy. Cũng phải nói rằng, thế hệ tôi cũng như anh Khạnh, chúng tôi đều được học ở Trường đại học Mỏ - Địa chất hoặc Đại học Bách khoa và về làm Dầu khí, nhưng khối kiến thức trong nhà trường chỉ giúp được chúng tôi một phần nhỏ trong công việc sau này. Chúng tôi phải tự học là chính và được những người đi trước kèm cặp, đồng thời trưởng thành qua thực tế công việc.

Tổng giám đốc PVEP Đỗ Văn Khạnh

Năm 1997, tôi đang làm cho một liên doanh nước ngoài với mức lương mà rất nhiều người Việt Nam có nằm mơ cũng không dám nghĩ tới là khoảng gần 3.000 đôla mỗi tháng. Một hôm, tôi nhận được điện thoại của anh Khạnh. Nghe thấy giọng của anh tôi hết sức xúc động. Anh nói với tôi rằng, đã thành lập một xưởng khoan và dịch vụ khoan dầu khí và ngỏ ý mời tôi về làm. Không phải suy nghĩ lâu la, tôi xin thôi việc ở liên doanh và về làm với anh.

PV Drilling ngày đầu tiên ấy không có người, không có tiền, mọi sự đều bắt đầu gần như từ con số 0. Thiên hạ thì nói tôi là thằng điên vì bỏ mức lương cao như vậy để về làm việc với mức lương hơn 2 triệu đồng/tháng.

Bây giờ nghĩ lại, tôi cũng thấy lạ cho chính mình. Nhưng sau này tôi cũng được biết, ở Tập đoàn Dầu khí có không ít người từ bỏ vị trí làm việc lương cao, điều kiện tốt để về làm việc cho Tập đoàn. Nhiều người trong số họ, mặc dù Tập đoàn đã có chế độ chính sách thu hút người tài nhưng xem ra sự trợ giúp đó cũng không là bao nhiêu. Điều để những người đó dám từ bỏ công việc, vị trí của mình về làm cho Tập đoàn chính là tình yêu đối với ngành Dầu khí Việt Nam, khát vọng được tham gia vào cuộc chinh phục tìm dầu và trên hết là mong muốn sức lực, khả năng và trí tuệ của mình được cống hiến cho sự nghiệp của ngành…".

Nghe câu chuyện anh Dũng kể mà tôi cũng thấy kính nể Đỗ Văn Khạnh.

Khi tôi kể lại câu chuyện này với anh Khạnh, anh cười: "Trình độ ngoại ngữ của tôi không là gì so với rất nhiều cán bộ trong Tập đoàn này. Hồi ấy, tôi dịch nhanh và sát được nghĩa là vì tôi đang là Phó giám đốc một Công ty liên doanh với Na Uy. Suốt ngày phải làm việc bằng tiếng Anh với chuyên gia nên tôi có điều kiện học tập và sử dụng nhiều từ thuật ngữ chuyên ngành. Khi chuyên gia giảng bài, họ nói từ trước thì tôi đã hiểu từ sau sẽ là như thế nào. Vậy nên, tôi mới dịch nhanh được".

Đỗ Văn Khạnh bảo: "Kể ra thì tôi cũng là thằng có chút năng khiếu ngoại ngữ, cho nên khi đi học tiếng Anh ở Thái Bình và những năm đi làm ở Petrovietnam II, tôi rất chịu khó. Ngày ấy, tôi cũng đã nghĩ được rằng, sớm muộn thì ngành Dầu khí cũng sẽ hội nhập sâu rộng vào trường quốc tế và chắc chắn tiếng Anh sẽ trở thành ngôn ngữ giao dịch chủ yếu với nước ngoài".

Đỗ Văn Khạnh vốn rất kiệm lời khi nói về mình. Năm 2011, khi Tập đoàn kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống của ngành Dầu khí Việt Nam, lãnh đạo Tập đoàn giao cho Báo Năng lượng Mới viết về 50 gương mặt tiêu biểu của ngành, có một số bác, anh, chị từ chối, trong đó có Đỗ Văn Khạnh. Lý do mà chưa có bài về Đỗ Văn Khạnh cũng rất đơn giản là bởi anh quá bận, không có thời gian để kể lại chuyện đời mình cho phóng viên và hơn nữa là anh cũng là người ngại nói về mình.

Thế rồi, trong những chuyến đi công tác cùng anh, trong những lúc rỗi rãi, anh kể cho tôi nghe về khởi nghiệp của mình.

Đỗ Văn Khạnh quê ở Thái Bình và ngay từ khi còn mài đũng quần trên ghế nhà trường đã có 2 hình ảnh mà anh rất mê, đó là các chú bộ đội và những giàn khoan mọc lên ở gần nhà. Những năm học cấp III, bất kể lúc nào rảnh là Khạnh lại ra giàn khoan xem công nhân làm việc. Hình ảnh những người công nhân lao động quần quật ngoài giàn và những tháp khoan cao sừng sững như ngôi nhà ba, bốn tầng càng thôi thúc anh phải đi theo nghề này. Thế là sau khi tốt nghiệp lớp 10, anh thi vào Trường đại học Mỏ - Địa chất và học về ngành Khoan - Khai thác. Nhưng khi vào trường học, anh thấy mọi thứ hóa ra không như anh nghĩ. Trường học ở tỉnh Bắc Thái ngày xưa (nay là Thái Nguyên và Bắc Kạn), cơ sở vật chất về khoan dầu khí thì chẳng có nhiều, tài liệu cũng rất ít và các thầy chủ yếu dạy trên giảng đường chứ điều kiện thực tập hầu như không có.

Tốt nghiệp đại học, Đỗ Văn Khạnh được đưa về Đội Khoan 5 ở Tiền Hải và tại đây, anh mới chính thức bước vào sự nghiệp của mình ở ngành Dầu khí. Công việc của anh bắt đầu như một người thợ.

Cho đến bây giờ, anh vẫn không thể quên được những người như bác Ngữ hay còn gọi là Ngữ "tộ" vì ông có vóc người cao lớn và làm kíp trưởng. Trong những tuần đầu tiên mới đi làm, ông Ngữ là người chỉ bảo Đỗ Văn Khạnh từng ly từng tý, dạy từ cách cạo gỉ, quét sơn, từ cách siết một con bu lông, cách rửa ống khoan…

Những ngày đầu bước vào nghề đối với Đỗ Văn Khạnh thực sự là những ngày nặng nề… Bởi anh cũng giống như rất nhiều sinh viên đại học khác ra trường đều nghĩ rằng, mình đường đường là một kỹ sư thì phải làm những công việc có tính chất “nghiên cứu, chỉ đạo” hoặc là một công việc gì đó đại loại tương ứng với "bằng kỹ sư" của mình. Đằng này, về một đơn vị lại bị sai bảo, dạy dỗ từng ly từng tý cứ như một anh thợ học việc, mà những loại công việc chân tay này thì chắc chắn chẳng cần gì đến những kiến thức ở nhà trường. Mà các ông “thợ cả” có lối dạy thợ cũng cực kỳ tỉ mỉ, nghiêm khắc và lắm khi cũng chửi không tiếc lời. Chuyện phải “xơi” những “của nợ” mà các ông văng ra không phải là hiếm. Cái khái niệm “dân chủ” không tồn tại trong cách dạy “lính mới” của các bậc đàn anh.

Như đọc được suy nghĩ của anh, đã có lúc ông Ngữ "tộ" nói: "Vào nghề khoan này, muốn làm thầy thì trước tiên phải là thợ giỏi. Mà muốn là thợ giỏi thì phải học nghề".

Ông nói, anh không dám cãi, không dám trình bày nhưng gọi là "tâm phục khẩu phục" thì không.

Cũng đã có lúc anh chán nản, muốn bỏ nghề nhưng bỏ thì đi đâu, làm gì, rồi còn liên quan đến miếng cơm, manh áo. Thế là cứ nghiến răng lại mà làm, mà học. Nhưng điều khổ tâm nhất là bố mẹ, gia đình và người thân lại không hiểu cho anh. Ai cũng tưởng rằng con mình tốt nghiệp đại học thì khi đi làm phải được ăn trắng mặc trơn, phải được cắp cặp, phải đồng hồ, kính, bút… Đằng này, thấy Khạnh về nhà quần áo lấm lem dầu mỡ, hôi rình, mặt mũi thì đen nhẻm nên cả nhà rất buồn.

Nhưng rồi cũng chỉ sau vài tháng, Đỗ Văn Khạnh đã cảm thấy giàn khoan với những vòng quay của cần khoan đã cuốn hút anh, không thể nào dứt ra được. Anh đã lao vào công việc với một sự đam mê - điều mà trước đây anh không hề nghĩ đến. Và cũng đến lúc này, anh mới thấy rằng cuộc đời mình thật là may mắn khi được những người như ông Ngữ "tộ" truyền nghề. Cho đến sau này, khi đã là Tổng giám đốc một Tổng Công ty Khoan danh tiếng, đã từng lập nên nhiều thành tích cho sự phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam, đã bươn chải trên nhiều công trình quan trọng của Tập đoàn, Đỗ Văn Khạnh vẫn thấy mình và giàn khoan, những giếng khoan dầu khí có một sự gắn bó thật đặc biệt…

Tổng giám đốc PVEP Đỗ Văn Khạnh tặng quà tết cho cán bộ, nhân viên trên tàu Amada

Anh nói với tôi rằng: "Nghề khoan này lạ lắm. Nếu như người thợ khoan không có tình yêu với mũi khoan, không đồng cảm và không có sự cảm nhận sâu sắc về từng vòng quay của mũi khoan thì không bao giờ trở thành người thợ giỏi được. Một mũi khoan xuyên sâu hàng cây số vào lòng đất, trên bản đồ địa chất ghi rõ mũi khoan sẽ xuyên qua tầng đá, tầng đất, tầng nước nào, nhưng tất cả chỉ là lý thuyết. Người thợ khoan bằng kiến thức, bằng kinh nghiệm, sự từng trải, và đặc biệt là sự mẫn cảm nghề nghiệp thì chỉ cần nghe tiếng máy là đã biết mũi khoan đang ở tầng đất nào. Khi có sự cố xảy ra, dù cách xa vị trí giàn khoan có khi hàng ngàn cây số, nhưng khi anh em báo về thì phải biết ngay là cần xử lý như thế nào. Người lãnh đạo một đơn vị sản xuất trong ngành dầu khí hầu như không có khái niệm "chỉ tay năm ngón" và ra lệnh cho cấp dưới rằng phải thế này, phải thế kia. Tất cả phải cụ thể, phải chỉ cho anh em biết cách xử lý sự cố một cách chính xác nhất, quyết đoán nhất".

Khi anh Khạnh nói điều này, tôi lại nhớ một lần anh Phùng Đình Thực, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam kể với tôi rằng ngày xưa, khi anh là Chánh kỹ sư của Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro hầu như không đêm nào anh được ngủ ngon giấc, bởi lẽ từ hàng chục giàn khoan ở ngoài biển, xảy ra bất cứ sự cố nào dù là nhỏ nhất, anh em đều báo cáo về chánh kỹ sư và lúc đấy, người chánh kỹ sư phải đưa ra được phương án xử lý, khắc phục nhanh nhất, sớm phút nào hay phút ấy. Bởi lẽ ở giàn khoan, chỉ cần một phút máy dừng hoạt động thì đã kéo theo không biết bao nhiêu hệ lụy khác phải giải quyết về sau.

Sau một thời gian làm việc ở Công ty Dầu khí 1 Thái Bình, nhận thấy khả năng của Khạnh, lãnh đạo điều anh về làm Trưởng đại diện Petrovietnam II tại Đà Nẵng - đơn vị này chính là tiền thân của Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí hiện nay.

Trong 2 năm từ 1990 đến 1992, anh được bổ nhiệm là Trưởng đại diện phụ trách Petrovietnam II tại Đà Nẵng đảm trách về các hoạt động thăm dò, tìm kiếm dầu khí tại vùng biển ngoài khơi khu vực miền Trung.

Đầu năm 1992, Khạnh được đưa đi học về Khoan khai thác Dầu khí tại Anh và khi trở về, anh được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc Công ty Liên doanh Dầu khí giữa PTSC và Na Uy (Odfjell Drilling). Tại đây, anh đã được làm việc trực tiếp với các đồng nghiệp là những chuyên gia giỏi đến từ các quốc gia có ngành Công nghiệp Dầu khí phát triển. Điều đó đã giúp anh gặt hái được nhiều kinh nghiệm quý báu trong công tác quản lý, điều hành. Đây là nền tảng giúp anh có được những quyết sách đúng đắn trong giai đoạn công tác sau này.

Nhưng trong những ngày làm việc ở Liên doanh với Na Uy, Đỗ Văn Khạnh nhận thấy một điều là nếu liên doanh như thế này thì không bao giờ ngành công nghiệp khoan dầu khí của chúng ta có thể phát triển một cách độc lập, tự chủ được. Chưa nói đến chuyện các kỹ sư nước ngoài khi làm việc ở liên doanh luôn giấu nghề mà cách làm việc của họ mang nặng tư tưởng của người đi làm thuê. Họ chỉ muốn dựa vào đó để có công việc, còn cái gọi là gắn bó lâu dài, hoặc có trách nhiệm với sự phát triển của ngành Dầu khí thì họ không để ý đến. Chính từ suy nghĩ này mà Đỗ Văn Khạnh đã đến trình bày với ông Nguyễn Xuân Nhậm - lúc đó là Tổng giám đốc PTSC. Sau khi nghe Khạnh trình bày những lý lẽ của mình về việc cần thiết phải thành lập một đơn vị dịch vụ khoan của riêng mình. Đơn vị vừa đi làm thuê cho các công ty trong ngành Dầu khí và phấn đấu sau này sẽ sở hữu và tự vận hành giàn khoan. Khạnh cũng nói rõ với ông rằng, khi đã đầu tư đóng giàn khoan tức là chúng ta lao vào dịch vụ công nghệ cao, mà phàm những gì liên quan đến công nghệ cao, nếu làm tốt sẽ lãi kinh khủng.

Tuy không giỏi về ngành khoan nhưng là một người luôn có tư tưởng đổi mới và cũng là người đau đáu, trăn trở với sự phát triển của ngành, nên ông Nhậm đồng ý ngay với ý tưởng của Đỗ Văn Khạnh. Nhưng ông vẫn băn khoăn hỏi lại: “Anh nghe thì thấy hay rồi, đúng rồi, nhưng liệu sức mình có làm được không?”. Khạnh trả lời khẳng khái: “Theo em là làm được. Trước mắt là ta nên cho dừng liên doanh và triển khai xây dựng một công ty dịch vụ khoan”.

Đầu năm 1994, phía Na Uy đề nghị chấm dứt hợp đồng liên doanh và thế là lãnh đạo Tập đoàn và PTSC cho thành lập Xí nghiệp Dịch vụ Dầu khí biển PTSC Offshore. Bộ máy của xí nghiệp lúc đầu chỉ có 3 người, gồm có Đỗ Văn Khạnh, một kế toán trưởng và một lái xe. Nhiệm vụ của xí nghiệp là làm dịch vụ kỹ thuật khoan và dịch vụ liên quan như sửa chữa, cho thuê thiết bị khoan. Chỉ trong một thời gian ngắn, xí nghiệp đã tụ họp được hơn 20 người.

Nhưng dịch vụ kỹ thuật khoan và sửa chữa thì cần phải có người giỏi. Đỗ Văn Khạnh đề xuất cho thuê một chuyên gia nước ngoài về phụ trách bộ phận kỹ thuật. Khi anh vừa nêu ý kiến thì đã bị phản đối rầm rầm, rằng chưa làm được gì đã thuê Tây. Rằng lương một chuyên gia nước ngoài bằng hơn 20 lần lương của tất cả anh em trong xí nghiệp cộng lại. Nhưng rồi, cuối cùng mọi người cũng đồng ý.

Vào thời điểm này, mọi công việc sửa chữa các thiết bị giàn khoan của chúng ta hầu hết phải mang đi Singapore, vừa tốn kém, vừa mất thì giờ. Trong một lần sang Anh công tác, Đỗ Văn Khạnh đến thăm một số cơ sở sửa chữa thiết bị khoan. Khi trao đổi với một ông kỹ sư người Anh, thấy ông này có tình cảm với Việt Nam và có vẻ cũng “hợp cạ”, Khạnh liền ngỏ ý mời ông về Việt Nam thành lập một xưởng sửa chữa. Ông đồng ý ngay. Lúc ấy, Khạnh gọi Phạm Tiến Dũng về để gây dựng xưởng. Cơ nghiệp của xưởng lúc này chỉ độc có một bãi đất trống, rộng khoảng 3.000m2.

Những bước đi táo bạo, sáng tạo và đúng định hướng của Đỗ Văn Khạnh đã làm cho xí nghiệp phát triển những bước thần kỳ. Xưởng sửa chữa thiết bị khoan lúc đầu chỉ có 3.000m2, nhưng một năm sau đã phải thuê thêm thành 10.000m2. Đến bây giờ, xưởng nằm trên một quy mô 3ha và là một xưởng sửa chữa thiết bị dầu khí vào loại lớn nhất Đông Nam Á hiện nay.

Lúc đó cũng có một số công ty nước ngoài mở xưởng sửa chữa và cũng cạnh tranh quyết liệt với xưởng của Khạnh. Trước “cuộc chiến đấu một mất một còn” trên thương trường này, Đỗ Văn Khạnh phải đi nghiên cứu xem các xưởng của nước ngoài làm ăn như thế nào. Anh phát hiện ra một điều là cách làm của họ rất lằng nhằng, manh mún. Ví dụ một cần khoan bị hỏng, đưa vào một xưởng để kiểm định xem hỏng gì, sau rồi lại chuyển sang một xưởng để sửa, sửa xong lại quay về kiểm định, rồi sau đó đưa vào khu kho riêng. Quy trình này của họ mất rất nhiều thời gian. Khạnh làm một phép tính, vậy nếu ta làm từ A đến Z thì sẽ giảm được chi phí tới gần một nửa và thời gian rút ngắn được 2/3. Vậy là anh đề ra cách làm mới “On stop shop” - tạm coi là ta làm từ A đến Z. Quả nhiên, với cách làm này, Xí nghiệp Sửa chữa thiết bị khoan của Khạnh đã đánh cho các Công ty nước ngoài “liêu xiêu” và một loạt đã phải đóng cửa.

Xưởng sửa chữa mới thành lập, chỉ có một ông Tây điều hành. Nhưng người Việt Nam làm ở đây thì toàn những người giỏi, có trình độ ngoại ngữ khá, từng đi làm ở nhiều công ty nước ngoài.

Có xưởng, xí nghiệp “hái ra tiền”. Nhưng cũng vào thời điểm đang ăn nên làm ra thì công ty ở bên Anh - nơi liên doanh với Khạnh bị phá sản, họ phải rút vốn về. Đỗ Văn Khạnh cho mua lại toàn bộ thiết bị với giá thấp hơn nhiều so với mua thiết bị mới vì nếu Khạnh không mua lại, họ phải chuyển đống thiết bị đó về Anh thì tiền vận chuyển có khi còn tốn hơn nhiều so với tiền mua thiết bị. Đến lúc này, Khạnh lại rút ra được một điều là: Liên doanh với nước ngoài chỉ hỗ trợ được ta trong giai đoạn đầu, còn thực chất nếu liên doanh kéo dài thì trong một số trường hợp có thể làm kìm hãm sự phát triển của chính chúng ta. Làm liên doanh, cái gì cũng phải có sự đồng thuận mà đạt được sự đồng thuận 100% trong một liên doanh là điều vô cùng khó.

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguồn: