Chuyện tìm dầu giữa rừng Amazon (Kỳ cuối)
02:25 SA @ Thứ Sáu - 13 Tháng Mười Hai, 2013

Tôi cũng đã đến những nơi mà Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang thăm dò khai thác như vùng cực Bắc nước Nga; sa mạc lửa Sahara; vùng hoang vu, đầy rẫy bất ổn Venezuela và lần này là giữa rừng rậm Amazon, nơi nào cũng có những khó khăn, gian khổ riêng, nhưng những người thợ dầu khí vẫn đang đứng vững và vẫn cháy bỏng trong lòng một quyết tâm tìm dầu để làm giàu cho Tổ quốc.

Peru hoàn toàn khác với các quốc gia Nam Mỹ như Brazil, Columbia. Ở những quốc gia đó, đám tội phạm ma túy có thể phá hàng trăm, hàng ngàn hécta rừng để trồng ma túy, ở Peru thì không hề có chuyện đó. Tuy nhiên, thời gian gần đây tình hình đã có những thay đổi phức tạp. Trong vòng 10 năm qua, nền kinh tế Peru tăng trưởng khá đều đặn từ 6,5% đến 8%, lạm phát giảm, đồng tiền Nuevo Sol giữ vững về trị giá, đời sống nhân dân tăng cao.

Hiện nay, bình quân thu nhập ở Peru là khoảng 3.500USD, nhưng số hộ nghèo khổ ở Peru vẫn chiếm tỷ lệ cao, đặc biệt là ở các bộ tộc. Nhưng Chính phủ Peru hoàn toàn không muốn khai phá văn minh cho các bộ tộc này, mà vẫn muốn để họ sống như nguyên thủy từ xưa đến nay họ đã sống. Sự trợ giúp của chính phủ nếu có chỉ là thuốc men chữa bệnh và những vật dụng rất nhỏ. Không có chuyện chính phủ cho phép người dân phá rừng làm nương rẫy và chính bản thân người dân cũng không muốn làm như vậy. Họ không tìm cách xây nhà cao, cửa rộng trong rừng cho người dân ở. Người dân sống bằng nghề săn bắt, hái lượm từ ngàn đời nay như thế nào thì bây giờ vẫn tiếp tục sống như vậy. Đây cũng là một điều khác biệt, bởi Chính phủ Peru hiểu rõ rằng, muốn giữ được rừng thì phải để người dân đã sống với rừng như thế nào, bây giờ cứ tiếp tục sống như vậy. Ai không muốn ở trong rừng, chính phủ sẽ tạo điều kiện tối đa cho họ ra sống ngoài thành phố.

Chủ tịch HĐTV PVEP Hoàng Ngọc Đang (thứ ba từ phải sang) thăm công trường xây lắp Potoon

Do có đường biên giới với Columbia, đám tội phạm ở nước này tràn sang Peru khá đông. Peru gần đây đã trở thành vương quốc của nạn in tiền giả. Chẳng hiểu tại sao ở Peru, tội phạm sản xuất tiền giả chỉ bị xử ở mức khá nhẹ nhàng. Cao lắm thì cũng chỉ 6 năm, nhưng thường thì chỉ từ 2 năm đến 3 năm là đã được ra. Trước đây, Chính phủ Peru đã có một thời gian dài hỗn loạn. Nhưng gần đây, khi ông Alberto Fujimori lên làm Tổng thống thì ông đã đưa được phong cách làm việc của người Nhật vào chính quyền Peru, đó là: làm hết việc, chứ không phải là hết thời gian.

Tại văn phòng Perenco và PVEP tại thủ đô Lima vào giờ ăn trưa, tôi rất ngạc nhiên khi thấy những ông Tây chính cống cầm đũa rất thành thạo. Hỏi ra mới biết do làm việc ở đây đã lâu, khi ông Fujimori lên cầm quyền, các nhà hàng Nhật đã mở ra ở Peru khá đông nên phong trào ăn sashimi phát triển mạnh mẽ. Muốn ăn sashimi không có cách nào khác là phải ăn bằng đũa, chứ thìa, dĩa thì còn ra làm sao nữa. Vậy thế là những người Tây mê sashimi buộc phải tập ăn bằng đũa.

Ở Peru, người Việt cực kỳ ít, theo con số thống kê chưa chính xác thì chỉ có... 4 người, trong đó có 3 cô gái Việt đi học, lấy chồng người Peru. Còn tại thủ đô Lima, chỉ có duy nhất một người Việt và số phận anh ta vô cùng kỳ lạ. Đó là Nguyễn Tiến Văn. Anh ta bây giờ là chủ một cửa hàng chuyên món ăn Trung Quốc và Việt Nam tại Lima, nhưng ít ai biết rằng, đó là người có số phận không thể tưởng tượng nổi.

Nguyễn Tiến Văn sinh năm 1982, quê ở xã Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Năm 18 tuổi, anh làm thuê cho tàu Đài Loan với mức lương 200USD/tháng. Chủ tàu người Đài Loan bóc lột anh cực kỳ tàn nhẫn, có khi còn bị bỏ đói trong điều kiện phải làm việc có ngày lên đến 20 tiếng đồng hồ. Chịu không nổi, Nguyễn Tiến Văn và 3 thủy thủ khác quyết định bỏ trốn. Khi tàu cập bến Peru, Nguyễn Tiến Văn trốn xuống thủ đô Lima. Một nửa chữ Tây Ban Nha không biết, chỉ biết vài câu tiếng Tàu bập bẹ, Nguyễn Tiến Văn bắt đầu cuộc sống lang thang như một “con chó hoang” ở thủ đô Lima. Bằng cử chỉ, ánh mắt, Nguyễn Tiến Văn làm đủ nghề từ bán báo, bốc vác, dọn dẹp, miễn là có miếng ăn đút vào miệng. Ban ngày làm việc như vậy, rồi tìm chỗ có nước để tắm, tối thì ngủ ở công viên, vỉa hè. Vào mùa đông ở Lima, ban đêm có khi xuống tới dưới 100C. Khi ấy, Văn phải nhặt nhạnh đủ thứ quần áo bỏ, bìa các tông để quấn vào người. Cuộc sống cứ lang bạt như vậy gần 2 năm thì có một người Hoa thấy Văn chịu khó làm việc nên cho anh vào rửa bát ở nhà hàng. Được một thời gian, dành dụm được một ít tiền, Văn đi vay thêm để mở cửa hàng. Chỉ qua ba năm, bây giờ Văn đã mua được nhà cửa, tậu ôtô và mở một nhà hàng, rồi đưa được một số người Việt Nam là em út, họ hàng từ Việt Nam sang làm việc.

Trao đổi giữa cán bộ PVEP và Perenco

Cũng phải nói thêm rằng, từ xưa đến nay, người Việt ta vẫn có một tính ích kỷ, cục bộ, khác hẳn với người Trung Quốc. Người Trung Quốc đi đến đâu, thấy làm ăn được là kéo đàn, kéo lũ sang, thành lập bang, phường, hội để dựa vào nhau tồn tại, phát triển… Nhưng người Việt ta thì thấy ở đâu làm ăn được, lại hay giấu giếm, không muốn cho người khác biết. Tính cộng đồng người Việt ở nhiều quốc gia, đặc biệt là những quốc gia xa xôi này càng không có. Số lượng người Việt ở Nam Mỹ cực kỳ ít. Trong khi đó, người Trung Quốc vẫn ùn ùn kéo nhau sang Nam Mỹ.

Ở Peru, giá cả khá đắt đỏ. Tiền thuê một căn hộ cho anh em PVEP ở được tàm tạm cũng phải vài ba ngàn đô mỗi tháng. Anh em ở Lima làm việc khoảng 4 tuần, rồi xuống mỏ làm việc 4 tuần. Việc di chuyển chỉ có một phương tiện duy nhất là máy bay. Từ thủ đô Lima, phải mất 1,5 tiếng bay xuống thành phố Iquitos, rồi lại từ đi trực thăng xuống mỏ. Trong suốt 4 tuần đó, không có điện thoại, Internet thì hầu như chỉ sử dụng vào công việc chung của nhà điều hành. Tất nhiên, chẳng có tivi, chẳng có phim ảnh. Những cán bộ, kỹ sư PVEP xuống mỏ làm việc thì đúng nghĩa phải làm quần quật.

Trong dự án này, tuy cùng góp vốn, mỗi bên 50%, nhưng vị trí người điều hành chủ yếu thuộc về bên Perenco, còn PVEP chi nhánh Peru tham gia vào 5 vị trí chính là: quản lý dự án, địa chất giếng khoan, khoan thăm dò và khoan khai thác, tài chính, và thương mại.

Nói là tham gia 5 vị trí chính của dự án thì tưởng là sẽ phải có một đội quân “binh hùng tướng mạnh” nhưng thực chất ở đây mỗi vị trí chỉ có 1 đến 2 người chính và một số dự phòng để khi anh em về phép hoặc nghỉ ngơi thì có người đảm nhiệm thay thế ngay.

Cũng giống như Công trình Biển Đông 01, PVEP đã tung vào đây những cán bộ, chuyên viên có kiến thức, có tay nghề, nhưng đặc biệt là có sự từng trải. Trong số đó, cũng có cả những anh em trẻ nhưng khi nhìn họ làm việc thì quả thực tôi rất ngạc nhiên.

Tại buổi họp giữa Perenco và PVEP tại thủ đô Lima, tôi hết sức ngỡ ngàng khi thấy một anh chàng còn rất trẻ lên thuyết trình các vấn đề về địa chất giếng khoan bằng tiếng Anh hết sức lưu loát, thậm chí còn mang “phong cách” của một MC. Anh ta rất tự tin khi tranh luận những vấn đề kỹ thuật hóc búa về vấn đề địa chất giếng khoan với các chuyên gia sừng sỏ của Perenco.

Đó là Đặng Hồng Thông, kỹ sư địa chất giàn khoan.

Đặng Hồng Thông đang thuyết trình tại một buổi họp

Năm 2004, Thông tốt nghiệp Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh. Học xong, chưa có việc làm, Thông đi dạy tiếng Anh, rồi ứng tuyển vào một công ty của Mỹ có chi nhánh tại Malaysia, đang khoan thăm dò ở đây và đã trúng tuyển. Làm công ty này tuy không được lâu nhưng Thông cũng đã có thời gian để học hỏi kinh nghiệm, phong cách làm việc của các kỹ sư dầu khí nước ngoài. Sau đó, về làm ở Liên danh Trường Sơn JOC, với nhiệm vụ kỹ sư điều hành địa chất. Được một thời gian, anh lại chuyển sang làm kỹ sư chính điều hành địa chất ở Liên doanh Cửu Long JOC.

Tháng 12/2012, theo lời gọi của Lê Đắc Hóa, Thông xin nghỉ ở Cửu Long JOC để về đầu quân cho PVEP, rồi được cử sang Peru. Thời gian đầu xuống mỏ Piranha, suốt ngày lăn lộn ở các giếng khoan, Thông bị muỗi đốt sưng mặt, sau đó bị lở loét… Khi anh về thủ đô Lima nghỉ, một đồng chí lãnh đạo của PVEP sang kiểm tra công tác ở Peru đã suýt khóc khi thấy anh trong bộ dạng tiều tụy và mặt mũi, tay nổi u, nổi cục vì muỗi đốt.

Có những thời kỳ Thông ở dưới mỏ hàng tháng, không theo quy định là cứ làm 28 ngày thì được về thủ đô Lima nghỉ 14 ngày. Anh nói với tôi rằng, công việc khoan ở đây tuy không phức tạp như ở Sahara hay ở ngoài vùng biển của ta, nhưng cũng là nơi dễ xảy ra những sự cố lặt vặt về địa chất, nên đòi hỏi người kỹ sư địa chất giếng khoan phải luôn có mặt. Anh cho tôi biết, địa chất ở khu Maranhon tương đối đơn giản. Tại giàn khoan Piranha, đầu tiên là lớp cát và đất na ná giống như đất pha cát ở bãi sông, rồi tiếp theo là tầng sét kết, xen kẹp vào đó là có đá carbonat. Nhưng điều quan trọng ở đây là vành đai dầu nặng phát triển liên tục và di chuyển lên phía biên giới Ecuador. Do dầu nặng nên việc lấy dầu rất khó khăn. Ở đây có một tầng sét kết pozo có độ trương nở rất mạnh và là tầng chắn cho cả khu vực. Khi mũi khoan chọc qua tầng pozo này, rất dễ bị kẹt, bị bó cần khoan, thành giếng không ổn định. Vậy nên, khi khoan đến tầng này, người kỹ sư địa chất gần như lúc nào cũng phải có mặt trên giàn khoan.

Ngay tại giàn khoan Piranha, tôi còn gặp một người trẻ tuổi khác có gương mặt nom rất “ngầu” - đó là Mai Danh Giang. Giang quê ở Hậu Lộc, Thanh Hóa, cũng đã tốt nghiệp Đại học Mỏ Địa chất, ngành Khoan dầu khí và đã từng làm ở Liên doanh Thăng Long JOC. Hiện nay, anh là kỹ sư khoan, trợ lý của Chánh kỹ sư điều hành khoan.

Trợ lý điều hành khoan Mai Danh Giang

Một giàn khoan như ở Piranha có 4 người thay nhau điều hành khoan: một người Pháp, một người Peru, một người Venezuela và một người Bồ Đào Nha. Giang làm trợ lý cho điều hành khoan cho người Peru. Để có thể làm được chức vụ trợ lý cho người điều hành hoạt động khoan rất không đơn giản. Ngoài kiến thức, hiểu biết chuyên sâu, còn phải rất giỏi ngoại ngữ và bên cạnh đó cũng phải là người thạo nghề. Phải nói thêm rằng, nghề trợ lý của điều hành khoan không chỉ là người giúp việc lặt vặt theo nghĩa thông thường, mà nhiều khi phải xắn tay áo vào trực tiếp làm việc, xử lý những sự cố hoặc những công việc liên quan đến công tác khoan.

Lắp đặt đường ống dẫn dầu tại Piranha

Lê Đắc Hóa tiết lộ cho tôi một điều: Hiện nay anh đang lo lắng về Mai Danh Giang. Ấy là do Giang làm việc giỏi và được các nhà điều hành khoan rất yêu quý, nên đã có những lời mời chào hấp dẫn về mức lương và chế độ đãi ngộ. Nếu như chỉ nhìn vào sự đãi ngộ vật chất, thì quả thực chúng ta không thể nào so sánh được với các công ty dầu mỏ của nước ngoài. Lê Đắc Hóa lo ngại rằng việc cưỡng lại được lời mời của các công ty nước ngoài thật không đơn giản. Điều này thì tôi rất hiểu bởi ở các đơn vị như Vietsovpetro, PV Drilling, PVEP cũng đã có những người đi theo tiếng gọi của các công ty dầu khí nước ngoài. Nhưng cũng đã có những người sau một thời gian làm cho các công ty nước ngoài thì lại xin quay về, khi họ ngộ ra được một điều ở những nơi luôn phải xông vào công việc khó khăn, gian khổ, thì sự đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau là động lực tạo nên sức mạnh bền vững. Điều đó có ý nghĩa hơn việc lấy đồng tiền để mua chất xám.

Tuy còn trẻ, mới 30 tuổi, nhưng Giang lại để râu ria, thành ra nom gương mặt có vẻ hơi cổ quái. Khi tôi đến, Giang đã làm việc ở đây 2 tháng liên tục. Lẽ ra, anh đã được về thủ đô Lima nghỉ ngơi, nhưng do công việc đang vào giai đoạn nước rút nên anh phải bám giàn. Giang cho tôi biết, công việc hiện nay đang diễn ra rất đúng tiến độ. Một số giếng khoan đã hoàn thành trước thời gian. Dự kiến trong vòng 7 tháng sẽ phải khoan xong 9 giếng, gồm 8 giếng dầu và 1 giếng xả thải.

Các chuyên viên của PVEP và Perenco trong một cuộc họp tại Lima

Hỏi chuyện yêu đương, vợ con, Giang cười buồn buồn. Hóa ra anh cũng đã có vài mảnh tình vắt vai, nhưng chẳng có cô gái nào chịu được khi người yêu mình lúc thì ngoài biển, khi thì sang tận Nam Mỹ, cứ biền biệt nửa năm mới về một lần.

Tôi đùa, nói với Giang rằng: “Hay anh đưa ảnh chú mày lên mạng để xem con gái có xô đến không?”. Giang nói: “Nếu em ở Việt Nam thì chắc cũng lấy được vợ rồi. Nhưng cứ đi như thế này, con gái bây giờ họ chẳng chịu được đâu”.

Khó có thể kể hết được những nỗi khó khăn, vất vả của những người thợ dầu khí đang ở giữa rừng Amazon này. Nhưng quả thật, tuyệt nhiên tôi không thấy có lời than vãn, kêu ca nào. Tôi cũng đã đến những nơi mà Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang thăm dò khai thác như vùng cực Bắc nước Nga; sa mạc lửa Sahara; vùng hoang vu, đầy rẫy bất ổn Venezuela và lần này là giữa rừng rậm Amazon, nơi nào cũng có những khó khăn, gian khổ riêng, nhưng những người thợ dầu khí vẫn đang đứng vững và vẫn cháy bỏng trong lòng một quyết tâm tìm dầu để làm giàu cho Tổ quốc.

Nguồn: