Chuyện tìm dầu giữa rừng Amazon (Kỳ 3)
01:37 SA @ Thứ Tư - 11 Tháng Mười Hai, 2013

Chỉ trong vòng hơn một năm, Perenco và PVEP đã thực hiện được một khối lượng công việc khổng lồ. Họ đã xây dựng xong một giàn khoan và khoan được 8 giếng, xây dựng gần xong khu trung tâm chế biến, khu cảng hậu cần dịch vụ...

Chúng tôi đổ một vốc kem ra lòng bàn tay, rồi bắt đầu quệt lên mặt, lên cổ một lớp dày đặc. Tất cả những chỗ hở da thịt, dù là bàn tay, cổ, gáy, rồi kể cả mái tóc cũng phải xoa kem. Sau khi “trát kem” được dăm phút thì da dẻ hơi nóng lên như bôi dầu gió, nhưng chỉ dăm phút sau là hết. Bọn muỗi lao vào nhưng chúng không dám tấn công vì thuốc…

Nhưng dưới trời nắng oi khoảng 33 độ C, làm việc được một lúc thì mồ hôi chảy ra và lớp kem bắt đầu nhạt dần, lúc này lũ muỗi có cơ hội tấn công.

Muỗi ở đây có nhiều loại: có loại bé như con muỗi mắt (con dĩn ở ta) có loại như con muỗi vằn, nhưng lại có loại to gần bằng con ong mật.

Tôi đã từng được chứng kiến muỗi ở vùng bình nguyên cực Bắc nước Nga. Đó là loại muỗi rất to và chỉ cần chụp mũ có lưới chống muỗi là xong. Ở đây thì không thể đeo được loại lưới đó, vì có những loại muỗi bé tí len lỏi, chui vào đốt rất êm, nhưng sau đó tất cả các vết đốt đều phồng lên. Rồi lại có loại muỗi lao vào như kiểu “máy bay bỏ bom”, đang đứng tự nhiên thấy buốt giật sau gáy, thế là đã bị muỗi đốt. Vết muỗi đốt ở đây ngày đầu tiên không thấy có phản ứng gì, nhưng bắt đầu từ ngày thứ hai, thứ ba nốt cứ to dần, to dần, đỏ, rồi nước vàng chảy ra và sau đó thâm đen lại. Muỗi ở rừng Amazon khi đốt người mới đến để lại di chứng có đến vài tháng sau không hết.

Tổng giám đốc Petrovietnam Đỗ Văn Hậu tặng quà lưu niệm cho Thủ tướng Peru (4/2012)

Một chị cán bộ của PVEP hồi tháng 11 năm ngoái đến kiểm tra công tác tại khoan trường đã bị muỗi đốt. Và lần này, sau một năm trời, khi sang Peru, trên gương mặt chị vẫn còn những nốt muỗi đốt.

Ông Benoir, Giám đốc vùng của Perenco cứ một chốc lại thấy nhảy lên, tay xoa má, xoa gáy và quả nhiên, đến ngày hôm sau, trên nước da trắng hồng của ông đã có mấy chấm đỏ vì muỗi đốt. Ngày đầu tiên vết muỗi đốt sẽ sưng tấy lên, nhỏ thì như hạt tấm, lớn thì như hạt ngô, hơi ngưa ngứa. Ngày sau nữa thì mọng nước và vỡ ra, nếu không cẩn thận, có khi cả tháng không lành…

Tháng 4/2012, tôi đã chứng kiến cổ tay anh Nguyễn Vũ Trường Sơn, Phó tổng giám đốc Tập đoàn dày lên vì các nốt muỗi đốt. Muỗi ở ngoài bờ sông nhiều hơn trong rừng. Tại khu căn cứ hậu cần, dịch vụ trên cảng Curaray, muỗi nhiều tới mức cứ chiều đến, khi ra ngoài, mọi người có thói quen… ngậm miệng lại, vì sợ khi nói, muỗi chui vào miệng! Hệt như chuyện bão cát ở sa mạc Shahara.

Cứ khoảng 30 phút chúng tôi lại phải trát thuốc vào mặt, vào tay một lần. Ấy vậy mà có những lúc muỗi chui cả vào lỗ mũi.

Thật là khủng khiếp.

Khi ở khoan trường, tôi đã có ý định mon men mò ra bìa rừng cách khu nhà ở chừng 20m, nhưng không dám. Cây rừng ở đây tầng tầng lớp lớp. Có những cây cao tới 60-70m, gốc to cả chục người ôm không xuể, còn ở dưới chằng chịt dây leo, dày đặc. Rừng rậm thế này, thảo nào mưa nhiều như vậy mà quanh khu mỏ không thấy có úng ngập. Thảm rừng rậm như khối bông hút hết nước.

Niềm vui khi có dầu

Thú rừng ở đây nhiều vô kể. Buổi chiều tà, từng đàn vẹt Nam Mỹ tuyệt đẹp có những cái đuôi dài duyên dáng bay về đậu trên những tán cây cao quanh khoan trường, và từng đôi rỉa lông cánh, chăm chút cho nhau… Có lẽ đó là cảnh lãng mạn nhất ở đây. Còn thi thoảng, lại thấy những đàn lợn rừng vài chục con mon men ra gần khoan trường, ngó nghiêng lạ lẫm.

Nhìn cảnh ấy, tôi cứ nghĩ không biết nếu cho công nhân người Việt ta sang đây thì sẽ như thế nào nhỉ? Chắc chắn họ sẽ nghĩ đủ mưu, đủ kế để bẫy lợn rừng, và sẽ có những bữa lòng lợn tiết canh, sẽ tìm cách bẫy vẹt, rồi đi đào bới cây thuốc… Quả thật, nếu nói về phá rừng theo kiểu tận diệt, thì có lẽ Việt Nam đang đứng hàng đầu thế giới.

Nhìn rừng Amazon mới thấy xót xa cho những cánh rừng nguyên sinh ở Tây Bắc, Việt Nam đang bị chặt phá không thương tiếc để trồng cao su. Trong các loại cây, có lẽ tàn phá môi trường “ác” nhất là cây cao su. Rừng cao su không giữ được nước, tàn phá đất và đặc biệt là không có loại chim thú nào, kể cả chuột sống được trong rừng cao su. Xưa kia Peru đã từng phá rừng Amazon để trồng cao su, nhưng họ đã sớm tỉnh ngộ và cấm ngặt. Malaysia cũng vậy, họ đã cấm trồng cao su... Chỉ có Việt Nam ta, nô nức trồng cao su trên đồi, trên núi và cả nơi gió bão hoành hành. Peru tuy còn nghèo, nhưng họ đã biết giữ rừng, và không làm giầu bằng mọi giá như ta.

Trở lại việc tìm dầu ở Amazon, chỉ trong vòng hơn một năm, Perenco và PVEP đã làm được một khối lượng công việc khổng lồ.

Họ đã xây dựng xong một giàn khoan và đã khoan được 8 giếng, xây dựng gần xong khu trung tâm chế biến, khu cảng hậu cần dịch vụ. Tại giàn Piranha, giàn Dorado và Trung tâm xử lý hôm nào cũng có 700-800 công nhân làm việc, họ làm việc trong điều kiện mưa rừng như đổ nước, đường sá lầy lội như vậy thì mới biết sức lực con người đã bỏ ra thật vĩ đại.

Phó tổng giám đốc PVEP Trương Hồng Sơn và kỹ sư của Perenco kiểm tra xây dựng trung tâm xử lý dầu Piranha

Chiều ngày 21/11, vào lúc 13h30 (tức nửa đêm giờ Hà Nội) tại giàn Dorado, đã tiến hành lễ mở van đón dòng dầu thương mại, tôi thấy gương mặt của anh Trương Hồng Sơn, Phó tổng giám đốc PVEP, các cán bộ PVEP và kể cả ông Giám đốc dự án của Perenco lộ vẻ xúc động.

Dòng dầu từ từ chảy ra từ một vòi nhỏ, đặc quánh và đen như nhựa đường. Tôi đã được thấy dầu màu nâu cánh gián ở Bạch Hổ, được thấy dầu màu cà phê ở Sahara, được thấy dầu Consedat vàng óng như mật ong ở giàn Biển Đông 01. Dầu ở đây không tự phun lên được mà phải dùng một máy bơm giống như máy bơm “tõm” thời bao cấp hay dùng để đẩy dầu lên, sờ vào lại thấy hơi lạnh và đặc quánh lại.

Tất nhiên là chiếc “bơm tõm” này hiện đại hơn rất nhiều bởi vì nó phải hoạt động được bền bỉ hàng năm trời dưới độ sâu hơn 2km. Mỗi chiếc máy bơm kiểu này có đường kính 4,5inch, dài khoảng gần… 2m. Để đưa được chiếc máy này chui xuống túi dầu và đẩy dòng dầu đặc như… bột quấy cho trẻ lên khỏi mặt đất là cả một công nghệ rất phức tạp.

Như đã nói, dầu khai thác ở Lô 67 là loại dầu khá nặng. Dầu ở đây so với ở Lô 39 ở thung lũng Oricono (Venezuela) chỉ nhẹ hơn một chút. Chính vì vậy, để đảm bảo vận chuyển được dầu đến nơi tiêu thụ là việc hết sức phức tạp.

Dầu phải được pha loãng bằng một loại dầu nhẹ hơn. Loại dầu đó phải vận chuyển bằng đường sông, chở đến cảng, rồi được trộn ở một nhà máy và theo đường ống dẫn xuống tàu.

Curaray là một nhánh sông lớn của sông Amazon, tàu có trọng tải 10.000 thùng vào được cảng. Trung bình mỗi thùng dầu có dung tích 159 lít và 7,2 thùng là một tấn dầu. Như vậy là với mỗi con tàu chở được hơn 1.000 tấn dầu. Chính vì vậy, khi khu mỏ vào thời gian khai thác cao điểm là năm 2017, dòng sông trở nên quá chật hẹp vì lượng tàu vào nhiều.

Theo tính toán, vào năm 2017, lượng dầu khai thác ở đây sẽ đạt đỉnh, tức là khoảng hơn 100.000 thùng/ngày. Đến khi đó, vấn đề phức tạp nhất lại không phải là khai thác, mà là khâu vận chuyển.

Dầu nặng từ Piranha, Dorado được đưa lên trung tâm xử lý, pha loãng ra, rồi bơm vào đường ống, đi gần 50 cây số ra cảng dịch vụ và từ đó mới lên tàu dầu, chạy gần 900 cây số nữa để tới nơi xuất khẩu.

Bữa cơm tại giàn khoan Piranha

Hiện nay, PVEP và Perenco phải sử dụng khoảng 100 chiếc xuồng và tàu trọng tải từ 5 tấn đến 300 tấn để vận chuyển hàng hóa và các thiết bị về các giàn khoan. Việc điều phối quả thực là hết sức phức tạp. Điều may mắn cho anh em PVEP làm việc ở đây là những người lao động Peru khá chăm chỉ, lao động có trách nhiệm. Có thể nói rằng chất lượng lao động của người Peru là khá nhất ở khu vực Nam Mỹ. Những ai đã từng sang làm ở Venezuela mới thấy rằng chất lượng lao động của người Peru và người Venezuela khác nhau một trời một vực. Người Venezuela có tính tùy hứng rất cao. Khi họ quý, họ thích thì họ làm việc hăng hái, hết mình, nhưng bình thường thì họ làm việc khá là “thong thả”. Ở Peru thì lại khác hoàn toàn. Tôi đã được chứng kiến cảnh 4h sáng, những người công nhân Peru đã dậy, 4h30 họ ăn sáng và 6h đã có mặt ở vị trí làm việc. Mà các đội trưởng, người nào cũng có mấy câu buổi sáng giống nhau.

- Các anh ngủ ngon không?

Các công nhân đồng thanh:

- Rất ngon.

Lại hỏi:

- Chúa có đến với giấc ngủ các anh không?

- Có ạ!

Đội trưởng nói tiếp:

- Hôm qua, chúa đã phù hộ cho chúng ta làm việc năng suất cao. Hôm nay chúng ta hãy tiếp tục làm như vậy.

Phải nói thêm rằng, Perenco là một công ty tư nhân nên họ có cách quản lý cực kỳ tiết kiệm và ở một chừng mực nào đó, nếu nói họ vắt sức lao động của người công nhân hơi quá thì cũng không sai. Mỗi ngày, người công nhân phải làm 12 tiếng đồng hồ, đó là thời gian có mặt tại vị trí lao động. Người công nhân có suất ăn 30 đôla mỗi ngày. Từ tổng giám đốc, các kỹ sư chính đến những người công nhân lao động bình thường nhất đều ăn một tiêu chuẩn như vậy. Ở nhà ăn, cảnh Tổng giám đốc dự án ăn cơm cùng công nhân là hết sức bình thường.

Khoảng 19 giờ thì công nhân đã ăn xong bữa và họ giải trí quanh mấy bàn bi-a đã cũ nát hoặc ngồi chơi bài, hút thuốc lá, hay nghe nhạc từ những chiếc đầu đĩa bé như cuốn sổ. Hôm nào trời nắng sân khô, họ ra đá bóng... Người Peru rất thân thiện, cởi mở. Gặp nhau, bất kể lúc nào là họ chào trước “buenas”. Mỗi khi tôi quay phim, chụp ảnh là họ rất vui và thậm chí còn làm “diễn viên”. Công nhân làm ở đây cứ 4 tuần thì họ được về nhà một lần. Họ phải đi trực thăng ra Cảng dịch vụ trên không Curaray, rồi đi tàu về Iquitos, thời gian đi là mất đứt 2 ngày. Làm việc ở đây, tuyệt nhiên không có bia, rượu và rất ít người hút thuốc lá.

Cảng nhận thiết bị trên sông Arabela

Giá cả ở đây rất đắt đỏ. Chi 30 đôla tiền ăn cho ba bữa một ngày nhưng có lẽ thực chất bữa ăn chính ở đây cũng chỉ ngang với bữa ăn mà Petrosetco chuẩn bị cho những người làm việc ở Tòa nhà Viện Dầu khí. Có thứ nhiều hơn cả là trứng luộc, trứng rán và trứng quấy sền sệt, cùng với nước chanh leo, nước dưa… À, nhân chuyện ăn uống, tôi xin kể thêm câu chuyện này để bạn đọc cảnh giác với một thứ ta rất hay dùng - nhất là anh em dầu khí - ấy là mì ăn liền.

Phải công nhận là mì ăn liền dễ ăn, tiện dụng, đơn giản… chả thế mà anh em dầu khí của ta, chỗ nào cũng kè kè có mì dự trữ. Anh Phạm Ngọc Khuê, cán bộ của PVEP, người đã sang Peru đàm phán Lô 67 từ những ngày đầu tiên. Anh kể rằng có thời kỳ, anh em cứ mì ăn liền xơi cả tuần vì bận việc. Xơi lắm mì ăn liền, khi đi khám sức khỏe mới phát hoảng vì mỡ máu quá cao. Thuốc men chữa kiểu gì cũng không khỏi. Đến khi “cai” mì ăn liền chỉ 3 tháng, thế là hết mỡ máu. Cho nên anh em PVEP bây giờ, chỉ khi nào bất đắc dĩ mới phải “úp” mì ăn liền.

Thời tiết ở đây thay đổi mưa nắng thật khủng khiếp. Đang nắng hoe hoe, thoắt cái mây cuồn cuộn kéo tới, thế là lại mưa sầm sập. Nhưng dù mưa thế nào những người công nhân đang làm việc ngoài công trường vẫn tiếp tục làm việc. Họ vận chuyển, nối đường ống dẫn khí, đường ống dẫn nước, đường ống dẫn dầu. Họ làm đường, xây dựng khu chế biến…Và chỗ nào cũng là ngập trong bùn…

Còn anh em PVEP tại đây, số lượng người đếm không hết 10 đầu ngón tay, nhưng lại tham gia điều hành tất cả các công việc chính. Nhiều cán bộ PVEP ở đây được các chuyên gia của Perenco đánh giá rất cao. Thậm chí, có những người đã được Perenco “gạ” sang làm việc cho họ với mức lương cao gấp 10 lần lương PVEP trả.

Phó tổng giám đốc Trương Hồng Sơn nói với tôi: Gần đây, PVEP đã xin được thay đổi các chế độ cho anh em cán bộ làm việc tại nước ngoài, như được đưa vợ con đi theo, chế độ nghỉ phép… Chế độ đãi ngộ cũng khá hơn trước nhiều, nhưng nếu so sánh với các công ty dầu mỏ của nước ngoài thì thu nhập của anh em làm dầu khí ở đây chẳng đáng vào đâu. Trong khi đó, có những người tại văn phòng, trong bất kỳ cuộc họp nào bàn về giải pháp kỹ thuật mà vắng, các chuyên gia của Perenco cảm thấy thiếu vắng và không yên tâm.

Tây - Ta cùng lễ thần rừng Amazon

Trình độ của cán bộ kỹ sư PVEP tại đây không thua kém gì những chuyên gia Pháp, Bỉ hoặc Venezuela. Chỉ khác là họ được làm việc với chế độ đãi ngộ đặc biệt, còn anh em ta dù thế nào chăng nữa, cũng khó có thể theo kịp.

Perenco là một công ty tư nhân nên tất cả mọi việc đều được quyết đáp rất nhanh chóng. Quyết định chi hoặc đầu tư một khoản hàng triệu, hàng chục triệu đôla đối với họ thì chỉ vài ba ngày là xong. Nhưng đối với PVEP, một tổng công ty 100% vốn đầu tư của Nhà nước lại là một việc cực kỳ khó khăn.

Lê Đắc Hóa nói với tôi rằng: Cái khó nhất ở đây chưa phải là việc đối phó với thời tiết khắc nghiệt, với môi trường lao động đặc thù không giống ở bất cứ đâu mà là làm thế nào để có được sự hòa hiệp về mặt kinh tế, tài chính, đầu tư giữa một công ty 100% vốn nhà nước và một công ty tư nhân, giữa hai bên có phong cách làm việc hoàn toàn khác nhau.

Ấy vậy mà cho đến bây giờ, đã gần 2 năm trôi qua, mặc dù đã có những cuộc cãi vã, tranh luận nảy nửa, nhưng mọi việc vẫn đang suôn sẻ và đã vượt tiến độ đề ra.

Peru là một đất nước kỳ lạ. Nơi đây có một nền văn minh cổ còn tồn tại và đang được chính phủ bảo tồn một cách tuyệt đối. Những bộ tộc đang sinh sống trong rừng Amazon coi rừng không chỉ là nguồn sống, mà còn là thần linh che chở, là bạn bè, là người thân trong gia đình. Họ bảo vệ rừng bằng tất cả trái tim của mình. Chính phủ Peru cũng bảo vệ rừng một cách vô cùng nghiêm ngặt. Chính vì vậy, thành phố Iquitos có đến hơn 422 ngàn dân, nhưng lại là thành phố độc nhất vô nhị trên thế giới không có đường bộ đi vào thành phố. Bởi lẽ, muốn có đường bộ, người ta bắt buộc phải phá rừng Amazon, mà đó là điều Chính phủ Peru không muốn. Vì vậy, muốn đến được Iquitos, chỉ có thể đi máy bay, hoặc là đi đường sông.

Trong dự án khai thác dầu của Perenco và PVEP tại Lô 67, diện tích rừng chỗ nào bị phá đều được tính toán hết sức chặt chẽ và nghiêm ngặt. Có những chỗ, vừa phá xong vài ba tháng để làm việc gì đó, đến khi công việc hoàn thành, lập tức phải trồng rừng thay thế. Sông Curaray rộng mênh mông là thế, nhưng không thấy những tàu thuyền đánh cá ngược xuôi, vì câu cá trên sông cũng bị cấm.

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguồn: