Bi kịch giá dầu và những nạn nhân
02:23 SA @ Thứ Năm - 07 Tháng Tư, 2016

Cho dù chi phí trung bình khai thác dầu ở Nga tính cho 1 thùng dầu chỉ là khoảng 2USD, còn chi phí khai thác ở nhưng nơi khó khai thác nhất và ở vùng ngoài khơi xa bờ cũng chỉ trên dưới 20USD/thùng như lời Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga Kiril Molodtsov “tâm sự” với tờ Rossiyskaya Gazeta, thì người ta vẫn không khỏi hoài nghi về sự hụt hơi của nước Nga khi giá dầu vẫn chưa có động lực rõ ràng để “an tâm” tăng lên một cách chắc chắn và cũng chưa biết đâu đã là đáy.

Mừng… hụt

Giá dầu tăng khoảng 50% trong hơn 1 tháng trở lại đây không chỉ khiến nhiều người khấp khởi mừng thầm mà ngay cả giới phân tích cũng chẳng tránh được việc đưa ra những dự đoán có phần hứng chí, bốc đồng.

bi kich gia dau va nhung nan nhan

Từ năm 2014 đến nay, tỷ giá đồng Rúp so với USD đã giảm khoảng 55%

Trong báo cáo thị trường dầu hằng tháng công bố vào trung tuần tháng 3-2016, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã đưa ra một nhận định cực kỳ lạc quan rằng: các yếu tố thị trường đã “làm được điều kỳ diệu” - giá dầu cuối cùng đã thoát đáy và đang hồi phục rõ rệt. Thị trường thế giới cũng ghi nhận cú quay đầu tăng giá ngoạn mục của “vàng đen”: Từ mức 26,21USD/thùng - thấp nhất trong 13 năm được thiết lập vào ngày 11-2-2016, giá dầu đã lần đầu tiên vượt 40USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 17-3-2016.

Ngoài việc thỏa thuận đóng băng sản lượng có điều kiện của Nga và Arập Xêút làm dấy lên kỳ vọng, thì sự thiếu hụt nguồn cung từ Iraq, Nigeria, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) và sản lượng dầu thô của Mỹ sụt giảm 5% so với mùa hè năm ngoái, cùng với đồng USD yếu cũng là một động lực khiến giá dầu “đảo chiều” đi lên. Cả thế giới dường như đã suýt tin rằng sự trở lại của Iran trên thị trường thế giới chẳng hề đáng sợ như những dự báo ban đầu.

PIMCO - một quỹ đầu tư trái phiếu lớn thứ hai thế giới sau Vanguar thì cho rằng, tiến trình tái cân bằng cung - cầu dầu mỏ vẫn đang tiếp tục do “nguyên lý” giá dầu thấp sẽ kích thích nhu cầu tăng cao và giá dầu có thể trở lại mức 50USD/thùng. Thậm chí, Hãng tư vấn Sanford C Bernstein & Co. còn kỳ vọng giá dầu năm tới có thể lên đến 70USD/thùng chứ không phải chỉ dừng ở mức 50USD/thùng.

Tuy nhiên, trong những ngày cuối tháng 3, cũng là trước thềm cuộc gặp gỡ của 15 nước khai thác dầu lớn trên thế giới tại Doha, giá dầu đã quay đầu rớt xuống dưới mức 40USD/thùng và giảm sâu nhất trong một tháng vào phiên giao dịch ngày 1-4, chấm dứt chuỗi thời gian khoảng 5 tuần tăng.

Khẳng định của Thái tử Arập Xêút, ông Mohammed bin Salman về việc “ông vua” của thế giới dầu mỏ này sẽ chỉ đồng ý giữ sản lượng ở mức của tháng 1-2016 nếu Iran và những nước xuất khẩu dầu lớn khác chấp thuận làm tương tự, cùng những tin tức về việc Nga và Mỹ vẫn tiếp tục bơm dầu với tốc độ cao kỷ lục ra thị trường, còn Iran vẫn cương quyết tiếp tục bơm ra thị trường 1 triệu thùng dầu/ngày trước thời điểm cuối năm nay đã khiến kỳ vọng vào thỏa thuận hạn chế tăng sản lượng trở nên nhạt nhòa hơn bao giờ hết.

Thị trường dầu mỏ như chợt tỉnh “cơn mơ hoang”, cạn kiệt hy vọng và trở lại với thực tại phũ phàng là nguồn cung tiếp tục dư thừa còn nhu cầu vẫn không đủ để hấp thụ sản lượng dư thừa. Dư địa cho sự hồi phục của giá dầu đã khó lại càng trở nên chật hẹp.

Nga bế tắc

Nhắc đến Nga như là nạn nhân đầu tiên của bi kịch giá dầu không chỉ bởi kinh tế Nga phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu dầu mỏ mà còn bởi Moskva được xem đại diện tiêu biểu nhất, “cứng đầu” nhất ở phía bên kia “chiến tuyến” trong các cuộc chiến địa chính trị, năng lượng với Mỹ, phương Tây và các đồng minh vùng Vịnh của họ.

Nga bắt đầu rơi vào khủng hoảng kinh tế từ cuối năm 2014 do hứng chịu cú sốc kép là giá dầu sụt giảm và đòn cấm vận của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Số liệu thống kê chính thức công bố ngày 1-4-2016 cho thấy, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này giảm 3,7% trong năm 2015. Từ năm 2014 đến nay, tỷ giá đồng rup so với USD đã giảm khoảng 55%. Thâm hụt ngân sách ở Nga hiện chiếm 7% GDP và chính phủ buộc phải cắt giảm chi tiêu.

Quỹ an sinh xã hội đang dần cạn tiền và phải hợp nhất với quỹ cơ sở hạ tầng của chính phủ để bổ sung thêm tiền. Cực chẳng đã, năm 2015, Nga đã phải tăng sản lượng khai thác dầu tới 7,4%, bình quân đạt 10,779 triệu thùng/ngày để cố gắng đảm bảo nguồn thu ngân sách. Thời gian qua Nga đã tìm mọi cách để đẩy giá dầu lên từ việc thúc đẩy đàm phán với Arập Xêút và các nước xuất khẩu dầu khác giảm lượng dầu khai thác, nhưng việc giá dầu tăng đột ngột trong thời gian ngắn rồi lại quay đầu giảm đã phần nào cho thấy sự “bất lực” của Moskva.

Kinh tế suy thoái làm đời sống xã hội đi xuống và làm gia tăng nguy cơ bất ổn xã hội. Tạp chí Newsweek dẫn số liệu từ cơ quan thống kê Liên bang Nga Rosstat cho biết, tính đến cuối năm 2015, số người Nga đang sống trong nghèo đói tăng thêm 3,1 triệu lên 19,2 triệu người. Đây là con số cao nhất kể từ năm 2006, khi Nga có 21,6 triệu người sống trong nghèo đói. Còn theo một cuộc thăm dò vào năm 2015 của cơ quan nhà nước Nga WCIOM, tình trạng đói nghèo ở Nga gia tăng nghiêm trọng. Khoảng 39% hộ gia đình cho biết họ không đủ khả năng mua thực phẩm hay mua quần áo mới trong tháng 12-2015.

Theo tin từ kênh tài chính CNBC, tình hình kinh tế Nga đang xấu đi đến nỗi Bộ Tài chính nước này đã phải đưa ra đề xuất đánh thuế cao hơn vào ngành công nghiệp dầu lửa nhằm hỗ trợ ngân sách, thay vì áp dụng các biện pháp cắt giảm chi phí mạnh tay - cách làm mà Moskva lo ngại có thể gây ra những hậu quả chính trị khó lường.

Tuy nhiên, kế sách này cũng “lợi bất cập hại”, bởi tăng thuế đánh vào ngành dầu lửa có thể mang lại lợi ích tức thời cho chính phủ Nga, nhưng sẽ gây thách thức cho ngành này cũng như triển vọng tăng trưởng kinh tế trong dài hạn của chính nước Nga. Nhiều khả năng các công ty năng lượng Nga sẽ vận động hành lang mạnh mẽ chống lại việc tăng thuế, nhưng Chính phủ Nga có thể sẽ thuyết phục họ bằng cách mở cánh cửa độc quyền tài nguyên hoặc hậu thuẫn trong cuộc cạnh tranh thâu tóm.

Các chuyên gia dự báo, vấn đề tăng thuế năng lượng sẽ đặc biệt “nóng” ở Nga trong mùa thu năm nay, khi nước này tiến hành các cuộc thảo luận về ngân sách năm 2017.

Nguồn: