Chặng đường gian khó với những hồi ức sâu đậm (Kỳ cuối)
03:08 SA @ Thứ Tư - 06 Tháng Mười Một, 2019

Những cán bộ, chuyên gia dầu khí ngày nào cùng bám trụ, chia ngọt sẻ bùi, hết lòng vì dự án nay đã trưởng thành và tiếp tục đưa nhà máy vượt qua thách thức, đối đầu với những khó khăn hằng ngày để tồn tại và ngày càng đạt hiệu quả cao hơn, đóng góp nhiều hơn cho Tập đoàn và đất nước. Với niềm tự hào là “người lao động dầu khí”, họ đang tiếp bước đầy tự tin trên con đường mà thế hệ chúng tôi đã bước đầu tạo dựng để xây dựng ngành công nghiệp chế biến dầu khí Việt Nam vươn tới những tầm cao mới.

Tôi còn nhớ những ngày mới bắt đầu dự án, nhiều người còn không tin vào sự thành công của dự án do thấy có quá nhiều trắc trở và nhiều người cố gắng không tham gia vì nghĩ chẳng có kết quả gì, vất vả mà có khi lại mang “vạ” vào thân. Chỉ có sự quyết tâm, quan tâm của lãnh đạo các cấp và những cán bộ, kỹ sư trẻ, có đầy nhiệt huyết và say sưa với NMLD Việt Nam mới kiên trì bám dự án, kề vai sát cánh, vượt qua những lúc chán nản, mệt mỏi, cùng chia sẻ khó khăn để tiếp tục thực hiện dự án. Ở đây tôi muốn nhắc tới với sự trân trọng các cán bộ, chuyên gia của Phòng Chế biến Dầu khí và Ban QLDA NMLD số 1 Dung Quất.

chang duong gian kho voi nhung hoi uc sau dam ky cuoi
Toàn cảnh NMLD Dung Quất

Tôi còn nhớ rõ những ngày cùng các anh Đinh Văn Ngà, Lê Minh Tuân, Phạm Anh Tuấn, chị Võ Thị Liên… đi khảo sát bằng thuyền ngoài vịnh Việt Thanh dưới cái nắng chói chang của ngày hè miền Trung để nghiên cứu nơi nhập dầu thô, chiều về ai cũng đỏ như cua lột; rồi những buổi tranh luận, trao đổi vô tận của các kỹ sư Ngô Dương Hùng, Lê Xuân Huyên, Trần Ngọc Hà, Võ Thị Liên, Phạm Văn Bắc… về sơ đồ công nghệ, tổng mặt bằng nhà máy; nghe anh Nguyễn Hoài Giang say sưa trình bày về hệ thống C&I của nhà máy để làm việc với nhà thầu, rồi những ngày loay hoay xử lý sự cố “túi bùn” tại khu vực đê chắn sóng với những cuộc họp triền miên, đầy mệt mỏi; rồi những ngày “bị nhốt” tại Khách sạn Thắng Lợi, Khách sạn Công đoàn, Khu nhà nghỉ Hồ Tây… trước đó khi tham gia đấu thầu chọn nhà bản quyền công nghệ, nhà tư vấn quản lý dự án (PMC), tư vấn tài chính, đăng kiểm, các gói thầu EPC…

Rồi trong phiên họp cuối cùng của Tổ chuyên viên Hội đồng Công ty Vietross tại Khách sạn Horison Hà Nội đã kéo dài tới nửa đêm vì không thống nhất được nội dung biên bản họp, tạm ngả lưng trên nền nhà ngay tại phòng họp để rồi sáng sớm hôm sau hội ý tiếp nhưng rồi cũng không thống nhất được; rồi những ngày cùng Tổ kiểm tra hai phía xem tài liệu và chuẩn bị báo cáo trong tiếng gà gáy sáng vọng từ làn sương mờ lãng đãng buổi sáng sớm trên hồ Tây; rồi những ngày cùng anh Trương Văn Tuyến và đoàn cán bộ của chủ đầu tư đi họp “kickoff meeting” gói thầu EPC 1+4 tại trụ sở chính của nhà thầu, cả đoàn “ngã ngửa” khi đi ăn trưa về thấy tiền để trong cặp của mọi người bị móc sạch ngay tại trụ sở nhà thầu, mang tiếng là chủ đầu tư dự án tỷ USD nhưng hằng ngày làm việc xong cả đoàn lóc cóc đi metro về khách sạn do nhà thầu “tiết kiệm chuyến xe”, tức là chỉ bố trí xe đón buổi sáng, còn làm việc xong tự về; rồi những ngày cùng các anh Lương Đức Hảo, Nguyễn Công Tín… đi Indonesia và Rumania để xây dựng chương trình thực tập đào tạo OJT (On the Job Training) cho cán bộ vận hành nhà máy sau này; tiếp đó là những ngày ở Kuala Lumpur, Trung tâm Thiết kế chính của nhà thầu giúp đội dự án của chủ đầu tư tháo gỡ hàng trăm vướng mắc kỹ thuật, thương mại cụ thể khi xem xét, phê duyệt các bản vẽ thiết kế chi tiết; những ngày chuẩn bị báo cáo cật lực và những buổi họp đầy căng thẳng với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, khi đó là Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước về các dự án dầu khí trọng điểm Nhà nước để tháo gỡ ách tắc cho các gói thầu đê chắn sóng, khu cảng xuất sản phẩm...

Cả những đêm cùng cán bộ, kỹ sư của dự án đón giao thừa tại công trường khi bước vào giai đoạn cao điểm xây dựng; những ngày cùng anh Hà Huy Dĩnh, khi đó là Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam phát động phong trào thi đua lao động sản xuất sôi nổi trên công trường với những phần thưởng nóng ngay tại chỗ để khuyến khích, động viên người lao động; rồi những lần điện thoại trao đổi với anh Trần Ngọc Nguyên khi đó trực tiếp tham gia công tác chạy thử chuẩn bị nghiệm thu nhà máy do có nhiều phát sinh khi mẫu dầu thô thay đổi so với mẫu thiết kế cung cấp cho nhà thầu trước đó… và còn rất nhiều kỷ niệm thường nhật nhưng vô cùng sâu đậm, không thể nào quên.

Vậy mà đã gần 20 năm trôi qua kể từ ngày những cán bộ, chuyên gia về kỹ thuật, công nghệ, kinh tế và quản lý quy tụ về dưới một mái nhà chung tại Bình Sơn, Quảng Ngãi. Những khó khăn vất vả, những lúc bồn chồn, lo lắng chen lẫn niềm vui đã trôi qua. Trong số những người tôi đã cùng làm việc, chia sẻ ngọt bùi, nhiều người đã trưởng thành và đang làm việc tại nhà máy, nhiều người đã nghỉ hưu hoặc chuyển sang công tác khác nhưng thật tự hào vì chúng tôi đã cùng nhau vượt qua muôn vàn khó khăn, tạo dựng nên một công trình đầy tự hào cho đất nước. NMLD Dung Quất - đứa con “mang nặng đẻ đau” sau 13 năm thăng trầm, vất vả nhưng nay đã lớn mạnh và trưởng thành. Từ Dự án NMLD Dung Quất, người dầu khí đã rút ra được rất nhiều bài học quý báu về công tác nghiên cứu - chuẩn bị đầu tư dự án, công tác chọn đối tác, thu xếp vốn, đấu thầu, chọn tư vấn, chọn nhà bản quyền công nghệ, tổ chức quản lý - giám sát thực hiện dự án, đến công tác cán bộ, phát động các phong trào thi đua lao động sản xuất trên công trường, đặc biệt là sự quan tâm giải quyết, hỗ trợ kịp thời của Ban Chỉ đạo Nhà nước các dự án trọng điểm về Dầu khí.

Đã 10 năm trôi qua kể từ ngày NMLD Dung Quất xuất mẻ sản phẩm đầu tiên (năm 2009). Từ đó đến nay nhà máy hoạt động ổn định và luôn trên công suất thiết kế từ 3 đến 10%. Cùng với Lọc hóa dầu Nghi Sơn, NMLD Dung Quất đã trở thành một thành viên của “làng lọc dầu khu vực” và đang có trọng trách quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhiên liệu xăng dầu cho nền kinh tế và thực hiện chiến lược an ninh năng lượng cho đất nước. Theo báo cáo tổng kết của Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị quản lý NMLD Dung Quất, tính từ khi nhà máy vận hành thương mại đến hết năm 2018, nhà máy đã sản xuất 57,4 triệu tấn sản phẩm (chiếm tỷ lệ 40% nhu cầu xăng dầu cả nước); doanh thu đạt 994.670 tỷ đồng (tương đương hơn 40 tỷ USD); nộp ngân sách nhà nước khoảng 157.160 tỷ đồng, ứng với gần 7 tỷ USD, đây là con số cao hơn rất nhiều so với số tiền Petrovietnam đã đầu tư xây dựng nhà máy.

Với việc xây dựng thành công NMLD Dung Quất cùng với các nhà máy sản xuất phân bón từ khí, các tổ hợp hóa dầu, các nhà máy xử lý khí… theo Chiến lược phát triển, Petrovietnam đã từng bước tạo dựng ngành công nghiệp lọc hóa dầu và xây dựng ngành dầu khí Việt Nam thành một ngành công nghiệp hoàn chỉnh, theo một chu trình khép kín từ khâu thượng nguồn tới các khâu trung nguồn và hạ nguồn.

Hiện nay đất nước đang bước vào thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng thông qua các hiệp định thương mại tự do. Việc này tạo ra các cơ hội cũng như nhiều thách thức đối với các dự án lọc hóa dầu, trong đó có NMLD Dung Quất. Nguồn nguyên liệu dầu thô khai thác trong nước sẽ ít dần, sẽ phải tìm nguồn nguyên liệu nước ngoài phù hợp với nhà máy; thị trường xăng dầu trong nước ngày càng cạnh tranh gay gắt và sẽ càng gay gắt hơn khi từ năm 2024 thuế nhập khẩu xăng dầu hoàn toàn bị gỡ bỏ, các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm và môi trường sẽ ngày càng cao… Để tồn tại và phát triển, NMLD Dung Quất sẽ phải tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, tìm nguồn nguyên liệu dầu thô nước ngoài phù hợp và ổn định lâu dài, tối ưu hiệu quả quản trị doanh nghiệp và chế độ vận hành nhà máy, đồng thời nâng cấp, mở rộng nhà máy để đáp ứng các yêu cầu và thách thức trong thời đại hiện nay.

Tôi đã về nghỉ hưu sau 36 năm làm việc trong ngành dầu khí, tuy không còn làm việc nữa nhưng lúc nào cũng hướng về sự phát triển của ngành dầu khí Việt Nam và luôn tự hào về lòng yêu nước, ý chí sáng tạo, tinh thần trách nhiệm và nhiệt huyết đối với công việc của những người dầu khí. Những cán bộ, chuyên gia dầu khí ngày nào cùng bám trụ, chia ngọt sẻ bùi, hết lòng vì dự án nay đã trưởng thành và tiếp tục đưa nhà máy vượt qua thách thức, đối đầu với những khó khăn hằng ngày để tồn tại và ngày càng đạt hiệu quả cao hơn, đóng góp nhiều hơn cho Tập đoàn và đất nước. Với niềm tự hào là “người lao động dầu khí”, họ đang tiếp bước đầy tự tin trên con đường mà thế hệ chúng tôi đã bước đầu tạo dựng để xây dựng ngành công nghiệp chế biến dầu khí Việt Nam vươn tới những tầm cao mới.

Nguồn: