Kỳ 2: Sức người thi gan bom đạn, cõng xăng vào chiến trường
03:25 SA @ Thứ Tư - 26 Tháng Bảy, 2017

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương Binh, Liệt sĩ (27/7), Tạp chí Khám phá trân trọng giới thiệu loạt bài về Đường ống dẫn xăng dầu xuyên dọc Trường Sơn phục vụ suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ, thống nhất đất nước. Đây là công trình vĩ đại ít người biết đến, kể cả người Mỹ, người Trung Quốc, thậm chí là cả với các chuyên gia Liên Xô trước đây. Loạt bài trích trong cuốn “5 đường mòn Hồ Chí Minh” của nhà nghiên cứu Đặng Phong do Nhà xuất bản Tri Thức ấn hành.

Chiến trường ngày càng phát triển thì cách vận chuyển xăng dầu thô sơ ngày càng tỏ ra bất cập. Tình hình bức bách của chiến trường đã dẫn tới ý tưởng táo bạo: phải tìm một con đường khác để vận chuyển xăng dầu liên tục, thường xuyên và an toàn hơn, có hiệu quả hơn.

Kỳ 2:Sức người thi gan bom đạn, cõng xăng vào chiến trường - 1

Tuyến đường Trường Sơn huyền thoại

Dùng ba lô, túi nhựa chỉ có thể là biện pháp cấp bách nhất thời. Sau đó các binh trạm đề nghị thay bằng can nhựa. 1.000 chiếc can 20 lít từ Hà Nội tức tốc đưa vào kịp thời. Hai trăm chiến sĩ khác tiếp tục. Kẻ cõng, người gánh liền 18 tiếng được 750 can. Qua suốt hai tuần được 11.525 can. Trừ sa sẩy, còn 230.115 lít, đủ cấp cho 2.876 xe tải đi về trên cung độ 100 km. Rõ ràng là biện pháp này cũng không ổn.

Chiến trường ngày càng phát triển thì cách vận chuyển thô sơ ngày càng tỏ ra bất cập. Tình trạng thiếu xăng ngày càng gây nhiều khó khăn cho chiến trường, nhất là từ sau cuộc Tổng tiến công Mậu Thân. Tình hình bức bách đã dẫn tới ý tưởng: phải tìm một con đường khác để vận chuyển xăng dầu liên tục, thường xuyên và an toàn hơn, có hiệu quả hơn.

Ai là người đầu tiên đưa ra ý tưởng lập đường ống dẫn xăng dầu? Điều thú vị là hình như sự "phát minh" này không phải chỉ do một người mà gần như cùng một lúc, ý tưởng được nảy ra từ nhiều người.

Theo lời kể lại của Đại tá Nguyễn Việt Phương thì người đầu tiên nghĩ đến việc sử dụng hệ thống ống xăng dầu trên chiến trường chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trong một lần đại tướng đi làm việc tại Liên Xô, ông đã được Liên Xô viện trợ cho 2 bộ đường ống dẫn xăng dầu dã chiến, loại phi 10 cm, mỗi bộ dài 100 km. Song, hệ thống đường ống này tuy đưa về Việt Nam nhưng cũng chỉ cất trong kho bởi chưa biết dùng vào việc gì. Từ khi chiến trường phía Nam có những phát triển sôi động, một lần họp với các tướng tá, đại tướng gợi ý rằng hiện có 2 bộ đường ống xăng dầu do Liên Xô viện trợ, đề nghị mọi người suy nghĩ xem có thể sử dụng tại chiến trường hay không.

Hầu hết các tướng tá đều lặng thinh, không đồng tình, nhưng cũng không phản đối, vì hình như ai cũng nghĩ rằng trên chiến trường dày đặc bom đạn, máy bay Mỹ đánh phá hàng ngày mà làm đường ống dẫn xăng dầu là điều phi thực tế. Riêng Trung tướng Đinh Đức Thiện thì hưởng ứng ngay, nhận lời và hứa với đại tướng sẽ tìm hiểu và khẩn trương thực thi.

Kỳ 2:Sức người thi gan bom đạn, cõng xăng vào chiến trường - 2

Bộ đội, thanh niên xung phong "cõng" xăng vượt Trường Sơn

Cũng trong thời gian đó, tại chiến trường, vấn đề vận chuyển xăng dầu quá khó khăn, đã có một đơn vị tự phát làm ống dẫn xăng dầu bằng bương tre.

Một trong những người đầu tiên có ý tưởng táo bạo này là Binh trạm trưởng Nguyễn Đàm. Vốn là cán bộ xăng dầu, anh nảy ra cách dùng cây bương, lồ ô làm ống dẫn xăng vòng qua "thác lửa" La Trọng. Một ý tưởng táo bạo, tốn khá nhiều sức cho công đoạn chuẩn bị: Đốn bương, vầu, thông mấu, quang ghép nối, giá đỡ, phễu nạp xăng, thùng tiếp nhận.

Khi cho chảy thử trên một đoạn ngắn hơn 100 m thì xăng chảy tốt. Nhưng đến khi thực hiện trên đoạn dài thì bao nhiêu sự cố ập đến: áp lực dòng xăng chảy trong ống lớn làm vỡ ống, giá đỡ xăng qua các đoạn địa hình phức tạp không đủ vững, ống bương tre không chịu nổi những chấn động của bom nổ... Kết quả là chẳng có giọt xăng nào tới đích, nhưng được đền đáp bằng "một gợi ý cho sau này"...

Năm 1968, Mỹ xuống thang từ vĩ tuyến 20 trở lên, để dồn sức đánh dứt điểm đoạn từ Nghệ An vào Vĩnh Linh. Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện trở lại Quảng Bình để kiểm tra và chỉ đạo cách đối phó với tình hình mới... Nghe báo cáo về việc có một đơn vị định lắp đường ống dẫn xăng bằng cây bương, ông liền đến trực tiếp thăm đơn vị đó và nghe các chiến sĩ trình bày. Nghe xong, ông nói:

"Ý tưởng của các cậu rất hay, nhưng cách làm của các cậu chẳng khoa học quái gì... Mà ở đây có cơ sở gì để làm cho có khoa học! Việc này thuộc chức trách của Bộ, của Tổng cục. Phải biến ý tưởng bắt dòng xăng cháy ngược lên Trường Sơn thành sự thật. Đúng là đã đến lúc không thể dùng ô tô chở hàng chục vạn phuy xăng dầu, vượt cả ngàn cây số như cũ được... Các cậu yên chí, Bộ sẽ có chủ trương giải quyết sớm khâu cơ bản này."

Như vậy là hệ thống đường ống xăng dầu được hình thành từ ba bộ óc: Ý tưởng đầu tiên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sự thử thách táo bạo của cơ sở, sự kết nối giữa ý tưởng của đại tướng với cơ sở thông qua bộ óc dám nghĩ dám làm của Trung tướng Đinh Đức Thiện.

Nguồn: