Nóng bỏng tình trạng buôn lậu xăng dầu trên biển
04:23 SA @ Thứ Tư - 01 Tháng Mười, 2014

Từ cuối năm 2013 trở lại đây, tình trạng buôn lậu xăng dầu trên biển diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là ở các vùng biển từ Hải Phòng, Quảng Ninh đến Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Kiên Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu...

Tàu NT 90139 TS bị phát hiện vận chuyển 200.000 lít dầu lậu.

Các lực lượng chống buôn lậu đã sử dụng đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ phá hàng loạt vụ buôn lậu xăng dầu có giá trị lớn, trong đó, một số vụ cực lớn như vụ tàu HADUCO 01 vận chuyển trên 2,1 triệu lít dầu (do lực lượng Cảnh sát Biển Vùng 4 bắt giữ ngày 9-12-2013); vụ chủ tàu NANG NUAL 27, quốc tịch Thái Lan, câu kết với tàu Ninh Thuận mang biển kiểm soát NT 90139 TS buôn lậu trên 200.000 lít dầu (lực lượng đặc nhiệm của Cảnh sát Biển bắt ngày 23-4-2014). Vụ tàu Mỹ Hòa 03-AG10558H vận chuyển trái phép 240.000 lít xăng A92 và 80.000 lít dầu DO (do Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan phối hợp với Đoàn Đặc nhiệm miền Nam - Cục PCTPMT, BĐBP phát hiện, bắt giữ vào cuối tháng 8-2014).

Mới đây nhất, ngày 14-9-2014, tại vùng biển tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tàu Hòa Bình 06 đã bị lực lượng trinh sát đặc nhiệm thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển phát hiện đang vận chuyển trái phép 70.000 lít dầu DO...

Theo các cơ quan có chức năng chống buôn lậu, gian lận thương mại, do đặc thù khu vực biên giới biển thì chỗ nào cũng có thể là "bến" vận chuyển xăng dầu lậu. Vì vậy, lực lượng chức năng khó có thể kiểm soát được tình trạng buôn lậu xăng dầu, nhất là khi quân số còn mỏng, dân buôn lậu lại đối phó rất tinh vi, nên rất khó bắt quả tang.

Thêm vào đó, cùng với hoạt động buôn lậu của các ông chủ cỡ lớn nêu ở trên, với quy mô nhỏ hơn, một số ngư dân đã bị lợi nhuận làm mờ mắt nên thường mua xăng dầu của các tàu chở dầu lậu với giá rẻ, rồi mang về bờ tiêu thụ, trong trường hợp bị kiểm tra, họ khai mua để sử dụng chứ không phải để bán kiếm lời. Các đối tượng này phần lớn là ngư dân tàu đánh cá xa bờ, vừa sản xuất trên biển, vừa tham gia "ăn hàng" lậu khi có điều kiện.

Đặc điểm của loại đối tượng này là phương tiện buôn lậu rất dễ ngụy trang, hoạt động theo kiểu "du kích", không theo một quy luật cụ thể nào. Hơn nữa, do lượng hàng lậu ít, khi bị bắt không bị khởi tố về hình sự, lại dễ cất giấu và che mắt các lực lượng chống buôn lậu trong quá trình vận chuyển. Đáng chú ý, qua đấu tranh các chuyên án buôn lậu xăng dầu cho thấy, nhiều chủ buôn lậu xăng dầu bỏ tiền thuê phương tiện của ngư dân ra biển vừa vờ đánh cá, câu mực, vừa làm nhiệm vụ cảnh giới khi phát hiện tàu chống buôn lậu của lực lượng Biên phòng, Hải quan... thì báo cho "tàu mẹ" chở hàng lậu thay đổi địa điểm.

Thường, mỗi chuyến "ăn hàng" xăng dầu lậu có quy mô từ vài trăm triệu đến hàng chục tỷ đồng không phải là hiếm và tiền lời bất chính mà các chủ buôn lậu thu về không nhỏ. Do vậy, các ông chủ sẵn sàng chi từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng cho mỗi "vệ tinh" hoạt động có hiệu quả trong một vụ trót lọt.

Hiện nay, chênh lệch giá xăng dầu buôn lậu so với giá Nhà nước quy định khoảng 3.000-5.000 đồng/lít nên mỗi phi vụ thành công, chủ buôn lậu có thể bỏ túi số tiền rất lớn. Theo một thống kê, chỉ tính riêng tỉnh Kiên Giang - địa phương trọng điểm về đánh bắt hải sản, tình trạng buôn lậu xăng dầu đã gây thất thu cho ngân sách Nhà nước khoảng 1.200 tỷ đồng/năm.

Rõ ràng, trên bình diện cả nước, buôn lậu xăng dầu càng gia tăng thì thiệt hại kinh tế cho đất nước càng lớn, bởi hiện nay, Chính phủ vẫn đang phải bỏ ra khoản tiền không nhỏ để bù lỗ cho ngành xăng dầu. Trong khi đó, ở địa phương, tình trạng buôn lậu xăng dầu vẫn diễn ra phức tạp khó lường, tuy ý thức rõ tác hại của nó, song việc ngăn chặn, chống buôn lậu xăng dầu vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Một cán bộ có trách nhiệm của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang cho rằng: "Khó khăn lớn nhất là sự thiếu thốn nhân lực và các phương tiện nghiệp vụ. Với vùng biển rộng lớn như vậy, thì với số lượng cán bộ công chức còn quá mỏng, chúng tôi không thể ngăn chặn hiệu quả vấn nạn buôn lậu xăng dầu...".

Tang vật một vụ buôn lậu xăng dầu trên biển.

Tuy nhiên, những ý kiến trên mới chỉ là nhận định của lực lượng chống buôn lậu. Mấu chốt của vấn đề vẫn là "đầu ra" của dòng chảy xăng dầu lậu được quản lý như thế nào? Trên thực tế, tại các địa bàn là "điểm nóng" buôn lậu xăng dầu, việc quản lý các điểm bán xăng dầu đang thực sự gặp nhiều khó khăn do thiếu những chế tài pháp luật rõ ràng. Đơn cử, theo quy định hiện hành, đối với một số loại hàng hóa, phương tiện, khi các lực lượng chức năng tạm giữ phương tiện vận chuyển chưa có hóa đơn chứng từ, thì lực lượng chức năng còn phải đi xác minh trong thời gian 72 giờ.

Quy định này dễ tạo kẽ hở để đối tượng có đủ thời gian hợp thức hóa hóa đơn, chứng từ cho hàng lậu. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lực lượng chống buôn lậu bắt cứ bắt, còn các cửa hàng vẫn cứ đều đều bán xăng dầu lậu. Đó là chưa kể đến những thủ đoạn "thô sơ" nhưng khá hiệu quả của bọn buôn lậu xăng dầu, như việc chúng tìm đến các khách hàng là chủ tàu đánh bắt xa bờ.

Do mỗi chuyến ra khơi, tàu đánh cá xa bờ phải ở trên biển từ hai đến ba tháng mới vào bờ nên để tiết kiệm chi phí, các tàu thường mua dầu nhập lậu trên biển. Đối tượng buôn lậu thường hẹn gặp người mua ở tọa độ, thời điểm được xác định rồi ráo riết bơm dầu cho ngư dân nhằm né tránh lực lượng chức năng. Sau khi "phi vụ" thành công, các chủ tàu cá thường lén lút thanh toán tiền cho đầu nậu trong bờ, khi có thông tin xác nhận đã tiếp nhận xong dầu ngoài khơi...

Theo một lãnh đạo Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển, trước đây, trong một thời gian dài, sở dĩ tình trạng buôn lậu xăng dầu trên biển lắng xuống là do các lực lượng chống buôn lậu đã xác định đúng và trúng mục tiêu đấu tranh, trấn áp kiên quyết, kịp thời hoạt động buôn lậu xăng dầu trên biển. Mấu chốt của sự thành công ban đầu là do lực lượng chống buôn lậu xác định rõ muốn chống buôn lậu xăng dầu trước hết phải chống từ nguồn tiêu thụ.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc một số vụ buôn lậu xăng dầu lớn trên biển được các lực lượng chống buôn lậu phát hiện, bắt giữ thời gian qua đã có tác dung răn đe và làm giảm bớt hoạt động liều lĩnh, trắng trợn của các đối tượng buôn lậu. Trong thời gian cuối năm, các lực lượng chống buôn lậu cần tăng cường phương tiện và các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương xây dựng nhiều phương án đánh bắt tốt, có như vậy mới ngăn chặn được buôn lậu xăng dầu đạt hiệu quả cao nhất.

Dư luận còn cho rằng, đối với buôn lậu xăng dầu - hoạt động gây ra sự thiệt hại lớn cho nền kinh tế, muốn nhổ tận gốc, rất cần những đối sách phù hợp, trong đó cần xây dựng cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các lực lượng chống buôn lậu nhằm đảm bảo kinh phí mua sắm trang thiết bị, phương tiện điều tra, trinh sát...

Nguồn: