​“Ngân sách dầu mỏ”
02:47 SA @ Thứ Sáu - 05 Tháng Mười Hai, 2014

Giá dầu thế giới liên tục giảm và theo dự báo của nhiều chuyên gia trên thế giới, thời gian tới vẫn có thể giảm thêm.

Mặc dù nguồn thu ngân sách từ tài nguyên thiên nhiên và dầu thô phần nào đã giảm thời gian qua, nhưng trước thông tin giá dầu giảm 1 USD/thùng sẽ làm ngân sách thất thu 1.000 tỉ đồng thì cũng là điều đáng suy nghĩ.

Ngân sách quốc gia hiện rất eo hẹp, trong khi áp lực chi cho đầu tư phát triển và an sinh xã hội vẫn ở mức cao. Nếu không duy trì được nguồn thu, sẽ tác động không tốt đến tăng trưởng kinh tế và phúc lợi của người dân.

Nhưng cũng đừng quá bi quan khi nguồn thu bị ảnh hưởng do giá dầu giảm, mà nên xem đây là cơ hội để Chính phủ tái cấu trúc tư duy và chính sách.

Trước hết, trong ngắn hạn cho năm tài khóa sắp đến, Chính phủ cần phải cụ thể hóa những khoản mục đầu tư nào chưa cấp thiết hoặc không hiệu quả, lập hẳn thành một danh mục và kiên quyết cắt giảm không chần chừ.

Về lâu dài, điều quan trọng hàng đầu cho bài toán cân đối ngân sách trong thời gian tới là phải thoát khỏi tư duy dựa quá mức vào các nguồn thu từ việc bán tài nguyên, chấm dứt tư duy ”ngân sách dầu mỏ” để chuyển hẳn sang nguồn thu đến từ các hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước.

Tăng tỉ trọng nguồn thu từ các hoạt động sản xuất kinh doanh cho ngân sách quốc gia phải đến từ các chủ trương, chính sách thật sự đi vào cuộc sống và phải bắt đầu từ những việc nhỏ nhất cho đến những giải pháp mang tính dài hạn.

Chẳng hạn, việc giá dầu thế giới giảm liên tục nhưng giá cước vận tải vẫn đứng yên hoặc giá xăng dầu trong nước giảm nhỏ giọt là điều khó có thể chấp nhận được. Khi các cơ quan chức năng không có giải pháp xử lý tình trạng này, có khả năng dẫn đến hiệu ứng dây chuyền là các ngành nghề và lĩnh vực kinh doanh khác cũng phòng thân cho riêng mình và không giảm giá.

Giá dầu giảm nhưng mặt bằng giá chung không giảm, doanh nhân không thể tận dụng cơ hội để bung ra làm ăn, tăng trưởng kinh tế chậm thì lấy đâu nguồn thu ngân sách bổ sung cho thiếu hụt.

Do vậy, điều quan trọng hàng đầu cho bài toán ngân sách trong thời gian tới là Chính phủ phải có một giải pháp tổng thể, toàn diện và mang tính bước ngoặt để thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển.

Giải pháp mang tính bước ngoặt cho bài toán ngân sách quốc gia phải là những quyết sách thật sự có tầm nhìn dài hạn và nhân văn để thúc đẩy sản xuất phát triển.

Phải làm sao cho người dân có thể tự động và tự do kinh doanh bất kỳ lúc nào họ muốn. Làm được những điều này, khi đó ngân sách có được nguồn thu ổn định mà không phải lo lắng, hồi hộp trước các cơn nhức đầu, sổ mũi của giá cả tài nguyên, trong đó có dầu mỏ.