'Hắt hủi' Quỹ bình ổn
08:58 SA @ Thứ Ba - 23 Tháng Tám, 2022

Một chuyên gia Nhật Bản gần đây gặp tôi hỏi han về kinh tế, lạm phát, trong đó có câu chuyện về giá cả, xăng dầu.

Ông ngạc nhiên khi thấy giá xăng tại Việt Nam thấp hơn tại đất nước ông, thấp hơn khá nhiều so với Trung Quốc, Campuchia và Lào.

Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã góp phần tạo nên sự khác biệt về giá xăng dầu của Việt Nam so với thế giới.

Tại Việt Nam, giá xăng, dầu tiếp tục tăng từ đầu 2022, sau khi đã tăng 40% trong 2021. Giá xăng đạt đỉnh vào cuối tháng 6, ở mức lần lượt 33.470 đồng/lít với xăng Ron 95 (tăng 40% so với đầu năm), 31.300 đồng/lít với xăng Ron 92 (tăng 34%); giá dầu DO lên mức 30.019 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 28.785 đồng/lít, dầu mazut 20.735 đồng/kg...

Việt Nam đã sử dụng tổng lực nhiều biện pháp can thiệp thị trường như giảm thuế, phí liên quan đến xăng dầu, dùng Quỹ bình ổn giá xăng dầu...

Đến nay, với đà giảm giá trên thế giới, giá xăng dầu trong nước dần hạ nhiệt và đang ở mức 25.340 đồng với xăng Ron 95; 23.270 đồng một lít với xăng Ron 92... Trong đợt điều chỉnh mới nhất (ngày 22/8), nhà quản lý không chi Quỹ bình ổn và giảm mức trích quỹ với xăng E5 RON 92 là 451 đồng (mức trích lập kỳ trước là 700 đồng/lít và thấp hơn đáng kể so với mức trích lập cao nhất là 950 đồng/lít của kỳ điều hành ngày 11/7 và 21/7).

Ông Cấn Văn Lực:'Thị trường tài chính Việt Nam cần minh bạch hơn' -  VnExpress Kinh doanh

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Cấn Văn Lực

Năm 2007, Chính phủ cho phép doanh nghiệp tự quyết định giá bán lẻ trên cơ sở thị trường. Đến 2009, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, giá xăng dầu thế giới tăng mạnh, Quỹ bình ổn giá xăng dầu được thành lập và vận hành với mục tiêu ổn định thị trường, bình ổn giá xăng dầu trong nước theo quy định của pháp luật.

Đây là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách Nhà nước, có từ việc trích lập một khoản tiền cụ thể. Doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu phải mở riêng tài khoản tại ngân hàng để hạch toán thu, chi liên quan đến quỹ này và có trách nhiệm công khai, minh bạch thu, chi từ quỹ.

Quỹ này hoạt động về cơ bản là "tiền từ túi nọ sang túi kia", tức là tiền của người tiêu dùng góp vào (khi giá xăng dầu giảm) rồi lại được bù giá (khi giá tăng mạnh). Nhờ đó, quỹ làm giảm "biên độ" biến động của giá xăng dầu, khiến người tiêu dùng cảm thấy bớt "sốc" hơn khi giá tăng hay giảm mạnh; đồng thời góp phần kiểm soát giá cả, lạm phát khi có biến động, tuy nhiên, mức đóng góp rất nhỏ bé, do mức độ trích lập, chi của quỹ khá nhỏ so với mức biến động của giá cả mặt hàng này và còn tùy thuộc vào mức trích lập so với mức chi từ quỹ nữa.

Từ góc độ người tiêu dùng, tôi thấy quỹ có nhiều nhược điểm. Cảm giác thiếu công bằng sẽ luôn hiện hữu khi mà mức trích lập, chi từ quỹ là như nhau đối với mỗi loại xăng dầu, nhưng mỗi người có nhu cầu tiêu dùng xăng hay dầu khác nhau (có người dùng nhiều dầu hơn, có người dùng nhiều xăng hơn...). Số liệu từ đầu năm đến nay cho thấy, mức độ "bình ổn" giá cho người dân không được bao nhiêu, thậm chí còn khiến giá xăng Ron 95 tăng thêm 1,2% (do lượng trích lập cho quỹ nhiều hơn so với lượng bù đắp giá tăng), nhưng lại giúp giá dầu hỏa giảm bớt 1,44% (do lượng trích lập quỹ nhỏ hơn so với lượng bù đắp giá tăng).

Ngoài ra, khi giá giảm, người tiêu dùng không được mua giá thấp hơn ngay vì cơ quan điều hành còn phải trích vào quỹ, bù đắp cho phần âm trước đó, chưa kể, cần có dư để chi cho những lúc giá tăng cao.

Doanh nghiệp cũng tốn nhiều công sức, thời gian với các thủ tục hành chính, kỹ thuật liên quan đến hạch toán thu - chi, báo cáo, công khai - minh bạch, điều chỉnh giá. Đặc biệt, khi quỹ âm, doanh nghiệp đầu mối sẽ phải giảm lợi nhuận hoặc vay ngân hàng để bù quỹ. Khi quỹ dương, tiền sẽ gửi vào ngân hàng, hưởng một chút lãi suất (bổ sung vào quỹ), để hạch toán riêng, doanh nghiệp không được sử dụng.

Nhìn từ góc độ cơ quan điều hành, sự can thiệp mang tính chất hành chính này chỉ khiến giá trong nước khó tiệm cận với giá xăng dầu trên thế giới, có thể làm méo mó tính thị trường.

Vì thế, tôi không ngạc nhiên khi quỹ bình ổn giá xăng dầu bị "hắt hủi"; phe đề nghị bỏ quỹ có vẻ thắng thế trong cuộc bàn luận để sửa đổi Luật Giá, đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến.

Nhưng nếu bỏ, cần có lộ trình cụ thể và "van" thay thế. Lộ trình bao lâu phụ thuộc vào những "van" thay thế này.

Thứ nhất, cần tăng năng lực dự trữ quốc gia. Hiện nay, kho dự trữ xăng dầu quốc gia chỉ duy trì nhu cầu sử dụng trong nước được khoảng 6,5 ngày. Lượng dự trữ tại nhiều quốc gia khác nhau nhưng thường là khoảng 2 đến 3 tháng (Mỹ 90 ngày, Trung Quốc 50 ngày và Thái Lan 60 ngày). Như vậy, với Việt Nam, xây dựng, mở rộng các kho chứa để đáp ứng nhu cầu sử dụng 1-2 tháng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia là điều cấp thiết. Đây cũng là phương án giải quyết bài toán kinh tế, vì với kho dự trữ lớn, Việt Nam có thể nhập thêm xăng dầu khi giá giảm sâu. Việc xây dựng các kho dự trữ cần thời gian, nhưng đã đến lúc không thể chậm trễ.

Thứ hai, đảm bảo dự trữ lưu thông, theo đó, các doanh nghiệp đầu mối phải đảm bảo lượng hàng lưu thông đủ 20 ngày tiêu thụ bình quân theo quy định hiện hành. Thực tế, vì nhiều lý do, đã có nhiều thời điểm, lượng dự trữ lưu thông của doanh nghiệp không đủ 20 ngày và cơ quan điều hành phải nhắc nhở, đôn đốc. Cũng trong khâu lưu thông này, lược bớt các khâu trung gian nhằm giảm giá mua cho người tiêu dùng là rất cần thiết.

Thứ ba, tăng cường thanh tra nhằm giảm thiểu tình trạng nhập khẩu xăng dầu thấp hơn hạn mức tối thiểu; tình trạng buôn lậu, đầu cơ, găm giữ, gian lận và làm giả mặt hàng này. Trong tháng 8, đã có doanh nghiệp bị xử phạt do không nhập khẩu, trong khi hạn mức nhập khẩu tối thiểu được giao là 6.000m3/tấn xăng dầu các loại.

Thứ tư, cần sự đồng bộ trong phối hợp giữa các cơ quan điều hành về đánh giá, phân tích những yếu tố về giá và thuế để điều chỉnh các loại thuế, phí liên quan đến xăng dầu cho phù hợp, sát tình hình, đảm bảo quyền lợi của cả ba bên: người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.

Cuối cùng, bài toán an ninh năng lượng cần được đặt ra và có kế hoạch, chiến lược dài hạn. Trong đó, đa dạng hóa nguồn cung, dịch chuyển năng lượng phù hợp, tăng năng lực sản xuất trong nước, tăng đầu tư cho hoạt động thăm dò, khai thác, lọc hóa dầu và dự trữ xăng dầu, năng lượng... là những đầu việc cần ưu tiên, luật hóa trong Luật Dầu khí sửa đổi đang được bàn thảo.

Câu hỏi sẽ không phải là nên bỏ quỹ này hay không mà là khi bỏ quỹ đi thì giải pháp bình ổn thị trường xăng dầu gắn với chiến lược an ninh năng lượng sẽ như thế nào.

Câu trả lời đã khá rõ.

Nguồn: