Chính sách thuế với tăng trưởng xanh: Chưa đủ mạnh
02:14 SA @ Thứ Tư - 13 Tháng Ba, 2019

Mặc dù Việt Nam đã ban hành và áp dụng một số chính sách thuế liên quan đến mục tiêu tăng trưởng xanh song chính sách ưu đãi chưa đủ mạnh nhằm khuyến khích sản xuất, tiêu dùng xanh; chính sách hạn chế các sản phẩm nguy hại môi trường chưa phù hợp thực tiễn.

Chính sách thuế với tăng trưởng xanh:Chưa đủ mạnh

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đây là ý kiến tại Hội thảo công bố “Nghiên cứu sử dụng công cụ chính sách thuế nhằm điều tiết nền kinh tế hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững ở Việt Nam”, do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức.

Công cụ hữu hiệu

Trên thực tế, chính sách thuế được coi là công cụ hữu hiệu để tác động đến hành vi người sản xuất và người tiêu dùng, qua đó định hướng hành vi theo hướng xanh, thân thiện môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững.

Theo Trưởng ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội của CIEM kiêm Trưởng nhóm nghiên cứu Nguyễn Mạnh Hải, trên thế giới, rất nhiều quốc gia đã thực hiện tăng trưởng xanh thông qua việc áp dụng nhiều chính sách thúc đẩy tăng trưởng xanh, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh. Cụ thể, một số nước đã thực hiện miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải như Thái Lan, Malaysia…; ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp có hoạt động khoa học và công nghệ như Nhật Bản, Ba Lan…; ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp công nghệ cao hoặc ứng dụng công nghệ cao như Indonesia, Hàn Quốc.

Mặt khác, nhiều nước cũng áp dụng chính sách thuế nhằm hạn chế sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm gây nguy hại đối với môi trường. Đơn cử, tại Hà Lan, Na Uy, Thụy Điển… đã áp dụng thuế, phí đánh vào nguồn gây ô nhiễm; tại Malaysia, Lào, Campuchia… thực hiện thu thuế, phí môi trường đánh vào các sản phẩm gây ô nhiễm.

Ở Việt Nam cũng đã ban hành, áp dụng một số chính sách thuế liên quan đến mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo đó, chính sách thuế liên quan đến mục tiêu này bao gồm cả chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích sản xuất, tiêu dùng xanh, như chính sách thuế liên quan thu nhập doanh nghiệp (miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải; áp dụng thuế suất 10% đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực môi trường…); chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt (áp dụng thuế suất thấp hơn đối với xe ô tô chạy bằng xăng kết hợp năng lượng điện, năng lượng sinh học…)…

Ở chiều ngược lại, có nhiều chính sách nhằm hạn chế gây nguy hại đối với môi trường như quy định đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường gồm xăng, dầu, mỡ nhờn, than đá, túi nilon thuộc diện chịu thuế…; đối với xe ô tô dưới 24 chỗ ngồi, loại xe có dung tích xi lanh càng lớn thì mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt càng cao…

Mở rộng đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường

Theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), tỷ lệ thu thuế môi trường so với GDP năm 2014 của Việt Nam mới chỉ đạt 0,31%, thấp hơn Trung Quốc (1,33%), Nhật Bản (1,48%), Hàn Quốc (2,54%)… Cho rằng đây là “minh chứng cho hành động của mỗi nước” trong việc thực hiện tăng trưởng xanh, ông Hải đánh giá tỷ lệ này ở Việt Nam vẫn thấp.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là bởi chính sách ưu đãi về thuế chưa đủ mạnh để khuyến khích sản xuất, tiêu dùng xanh (liên quan thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt…).

Thêm vào đó, chính sách thuế nhằm hạn chế sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nguy hại đối với môi trường chưa phù hợp thực tiễn, số thu từ các sắc thuế này chưa tương xứng với những tổn hại do hoạt động sản xuất, tiêu dùng gây ra (thuế bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên…). “Việt Nam cũng thiếu điều tra, nghiên cứu để lượng hóa thiệt hại về môi trường do các sản phẩm này gây ra, chỉ khi có vụ việc lớn xảy ra mới có sự vào cuộc để đo mức độ nguy hại của các sản phẩm này như thế nào, thiệt hại môi trường ra sao”, đại diện nhóm nghiên cứu chỉ rõ.

Từ thực tế hiện nay, nhóm nghiên cứu của CIEM cho rằng, cần hoàn thiện chính sách thuế nhằm điều tiết nền kinh tế thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Cụ thể, hoàn thiện cả mức ưu đãi và thời gian ưu đãi đối với thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm thu hút có chọn lọc đầu tư vào phát triển các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, sử dụng công nghệ thân thiện môi trường; khuyến khích sản xuất năng lượng sạch và phát triển vận tải công cộng.

Bên cạnh đó, cần quy định mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng sinh học bằng 50% mức thuế suất đối với xăng khoáng nhằm tạo sự chênh lệch đáng kể giữa xăng sinh học và xăng khoáng; sửa đổi chính sách thuế giá trị gia tăng theo hướng quy định mức thuế suất 0% đối với dịch vụ duy trì vườn thú, vườn hoa, công viên, cây xanh đường phố cũng như vận chuyển hành khách bằng xe buýt, xe điện.

Ngoài ra, cần mở rộng phạm vi đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường để bao quát hết các sản phẩm gây tổn hại đến môi trường như phân bón hóa học, khí thải; tiếp cận theo cơ chế giá trị thị trường, bảo đảm nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền; hoàn thiện chính sách thuế tài nguyên và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế tài nguyên về sản lượng tinh thuế, giá tính thuế, thuế suất…

Đồng tình với ý kiến cho rằng chính sách thuế là công cụ hữu hiệu để thực hiện tăng trưởng xanh, song Thư ký Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ Đặng Thị Thu Hoài bổ sung, vai trò của công cụ thuế ở mỗi lĩnh vực là khác nhau. Do vậy, cần làm rõ vai trò của công cụ này trong từng lĩnh vực, qua đó có các chính sách cụ thể để điều chỉnh hành vi, hướng tới tăng trưởng xanh.

Các chuyên gia cũng chỉ rõ, chính sách thuế chỉ là một trong những công cụ để Nhà nước điều tiết hành vi nhằm hướng tới tăng trưởng xanh, bên cạnh các chính sách về tín dụng, chi ngân sách… Do vậy, để thực hiện tăng trưởng xanh, cần có nghiên cứu để kết hợp các chính sách này.

Nguồn: