Bản tin MXV Năng lượng 31/05: Rủi ro trần nợ công tiếp tục chi phối, giá dầu giảm sâu hơn 4%
02:29 SA @ Thứ Tư - 31 Tháng Năm, 2023

Lo ngại xoay quanh vấn đề trần nợ công của Mỹ tiếp tục gây áp lực tới thị trường tài chính trong phiên ngày 30/05, kéo giá của cả 2 mặt hàng dầu WTI và Brent đều sụt giảm hơn 4%. Cụ thể, giá dầu WTI đánh mất mốc 70 USD/thùng sau khi giảm 4,42%, dầu Brent giảm mạnh 4,25% xuống còn 73,71 USD/thùng.

Tổng thống đảng Dân chủ Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa Kevin McCarthy vẫn giữ sự lạc quan rằng thỏa thuận sơ bộ về trần nợ công sẽ được thông qua. Tuy nhiên, một số nhà lập pháp theo đường lối cứng rắn của Đảng Cộng hòa cho biết họ có thể phản đối thỏa thuận nâng trần nợ ở Mỹ.

Thỏa thuận này phải được Quốc hội Mỹ thông qua trước ngày 5/6, thời điểm Bộ Tài chính cho biết Mỹ sẽ không thể đáp ứng các nghĩa vụ tài chính của mình và trong trường hợp đó, sẽ làm gián đoạn thị trường tài chính. Điều này cho thấy khó khăn trên thị trường tài chính vẫn kéo dài. Sự thiếu chắc chắn đối với các yếu tố vĩ mô khiến tâm lý nhà đầu tư tiêu cực, thúc đẩy lực bán trên thị trường dầu thô.

Thời hạn nợ gần trùng với cuộc họp ngày 4/6 của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+), với những tín hiệu trái chiều từ các quan chức trong nhóm về kế hoạch sản lượng sắp tới.

Các chuyến hàng dầu thô đường biển trung bình trong 4 tuần từ Nga, giúp giảm bớt một số biến động về số lượng, đã giảm lần đầu tiên trong 6 tuần xuống 3,64 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc ngày 26/05. Nhưng dòng chảy dầu thô nhìn chung vẫn duy trì mức cao ổn định, cao hơn 1,4 triệu thùng/ngày so với cuối năm ngoái và cao hơn 270.000 thùng/ngày so với cuối tháng 2, tháng cơ sở cho việc cam kết cắt giảm. Nguồn cung dồi dào của Nga làm gia tăng sức ép bán trên thị trường dầu thô.

Trong khi đó, bất chấp tuyên bố cắt giảm sản lượng 500,000 thùng/ngày, Nga vẫn đặt mục tiêu tăng cường xuất khẩu dầu diesel từ các cảng quan trọng phía Tây thêm hơn 30% trong tháng 6 so với tháng 5, khi một số nhà máy lọc dầu tiếp tục hoạt động đủ công suất sau thời gian bảo trì theo mùa.

Tồn kho dự trữ tại điểm giao dầu thô kỳ hạn chuẩn của Mỹ đã tăng 1,05 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 26/05, theo trích dẫn từ Công ty khai thác dữ liệu Wood Mackenzie.

Thị trường tương lai cũng phản ánh nguồn cung dồi dào trong ngắn hạn khi chênh lệch giá WTI tháng trước tiến sâu vào trạng thái “bù hoãn mua”, tức là các hợp đồng ngắn hạn được giao dịch với giá chiết khấu so với các hợp đồng dài hạn.

Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị

Về mặt kỹ thuật, giá dầu giảm mạnh trong phiên hôm qua và phá vỡ mốc 70 USD sẽ là tiền đề cho giá hướng tới mục tiêu 68 USD. Tuy nhiên, trong sáng nay, Trung Quốc sẽ báo cáo dữ liệu sản xuất thông qua chỉ số PMI tháng 5, nhiều khả năng sẽ tác động mạnh tới giá. Trong trường hợp PMI tiêu cực hơn dự báo, giá dầu có thể test lại vùng 70 USD và giảm về vùng 68 USD. Nếu PMI tích cực hơn dự báo, giá dầu có thể quay trở lại trên 70 USD và hướng lên cạnh giữa dải Bollinger Band vùng 71,5 USD.

Nguồn: