Bản tin MXV Năng lượng 31/01: Tác động vĩ mô và rủi ro nguồn cung đẩy giá dầu đảo chiều tăng
09:30 SA @ Thứ Tư - 31 Tháng Giêng, 2024

Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/1, giá dầu đảo ngược mức giảm trong nửa đầu phiên giao dịch, bật tăng mạnh mẽ trở lại vào nửa cuối phiên trước các rủi ro địa chính trị tại khu vực Trung Đông và các lệnh trừng phạt của Mỹ áp đặt lên dầu mỏ của Venezuela. Ngoài ra, đánh giá tích cực của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) về tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong báo cáo mới nhất cũng đã hỗ trợ tích cực cho giá dầu.

Chốt phiên, giá dầu WTI tăng 1,35% lên 77,82 USD/thùng. Dầu Brent tăng 0,82% lên 82,5 USD/thùng.

Hamas hôm thứ Ba cho biết họ đang nghiên cứu một đề xuất mới về lệnh ngừng bắn và thả con tin ở Gaza, vốn được các nhà hòa giải đưa ra sau cuộc đàm phán với Israel. Tuy nhiên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ không rút quân khỏi Gaza cho đến khi "chiến thắng hoàn toàn". Đây dường như là một lời nhắc nhở về khoảng cách trong lập trường công khai của các bên tham chiến về những yêu cầu tạm dừng chiến đấu dù chỉ là tạm thời.

Tại khu vực Biển Đỏ, những gián đoạn tiếp tục xảy ra. Theo một báo cáo từ Oil Brokerage, số lượng tàu chở dầu chuyển hướng trong các chuyến đi dài hơn quanh Mũi Hảo Vọng hiện đã đạt 100 chiếc, tăng khoảng 45% so với ngày 24/1. Các tàu này đang chở khoảng 56 triệu thùng dầu thô và sản phẩm dầu.

Bên cạnh những căng thẳng tiếp diễn ở Trung Đông, giá dầu còn được hỗ trợ bởi thông tin Mỹ bắt đầu tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với dầu mỏ của Venezuela trong tuần này, khi tòa án tối cao của quốc gia Nam Mỹ này giữ nguyên lệnh cấm đối với ứng cử viên của phe đối lập hàng đầu trong cuộc bầu cử tổng thống vào cuối năm nay. Kể từ tháng 10, xuất khẩu dầu của Venezuela đã tăng nhẹ, và hướng tới mục tiêu 1 triệu thùng/ngày từ mức 786.000 thùng/ngày, với nhiều hàng hóa đến Mỹ và châu  u, vốn từng là thị trường ưa thích của nước này trước các lệnh trừng phạt. Việc tái thiết lập lệnh cấm vận sẽ khiến dòng chảy dầu từ Venezuela hạn chế, tạo ra rủi ro nguồn cung ngay trong thời điểm “nóng”.

Ngoài ra, lực mua cũng được thúc đẩy sau khi IMF nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2024 lên 3,1% trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới hàng quý công bố ngày 30/1, từ mức 2,9% trong báo cáo tháng 10/2023. Nguyên nhân được cho là nhờ kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt hơn dự kiến ​​và tác động từ các gói kích thích tài khóa ở Trung Quốc.

Rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, báo cáo từ Viện dầu khí độc lập (API) cho thấy tồn kho dầu thô thương mại Mỹ giảm 2,5 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 26/1. Tồn kho nhiên liệu chưng cất giảm mạnh hơn dự báo, trong khi tồn kho xăng tăng ít hơn dự báo, có thể hỗ trợ nhẹ cho giá dầu phiên mở cửa.

Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị

Giá dầu thất bại trong việc hình thành mẫu hình vai – đầu – vai để đảo chiều xu hướng, rút chân mạnh ở vùng giá 76 USD, tiếp tục kênh xu hướng tăng. Khu vực 76 – 76,4 USD xuất hiện loạt nến rút chân. Khung H4 có nến doji và theo sau là nến tăng mạnh, cho thấy lực mua áp đảo.  Giá vượt qua kháng cự 77,30 USD, hiện đang vượt lên trên đường SMA dải Bollinger Band khung H4 và H1. Nhiều khả năng giá sẽ backtest về vùng 77,3 – 77,5 USD trước khi hướng lên trơt lại vùng 79 USD. Nhà đầu tư có thể mở mua và chốt lời ở vùng này, cắt lỗ nếu giá rơi xuống 76,3 USD.


Nguồn: