Bản tin MXV Năng lượng 25/01: Tồn kho dầu Mỹ giảm mạnh hơn dự kiến kéo giá dầu tăng khoảng 1%
10:25 SA @ Thứ Năm - 25 Tháng Giêng, 2024

Kết thúc ngày giao dịch 24/1, giá dầu bật tăng khoảng 1% do tồn kho dầu Mỹ giảm mạnh hơn dự kiến. Ngoài ra, các biện pháp kích thích kinh tế của Trung Quốc làm gia tăng triển vọng lạc quan về nhu cầu tiêu thụ tại quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, cũng góp phần hỗ trợ giá dầu.

Chốt phiên, giá dầu WTI tăng 0,97% lên 75,09 USD/thùng. Dầu Brent tăng 0,62% lên 80,04 USD/thùng.

Theo báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho dầu thương mại của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 19/1 bất ngờ giảm mạnh 9,2 triệu thùng, giảm mạnh hơn nhiều so với mức giảm 6,6 triệu thùng theo số liệu của Viện Dầu khí Mỹ (API) và dự báo giảm 2,2 triệu thùng của Reuters. Trong khi đó, tồn kho xăng tăng 4,9 triệu thùng, thấp hơn nhiều so với mức tăng 7,2 triệu thùng theo dữ liệu của API. Tồn kho nhiên liệu chưng cất giảm 1,4 triệu thùng, so với kỳ vọng tăng 300.000 thùng của giới phân tích. 

Ngoài ra, tồn kho dầu tại trung tâm lưu trữ Cushing, Oklahoma, điểm giao hàng dầu kỳ hạn WTI của Mỹ, giảm 2 triệu thùng. Đáng chú ý, sản lượng dầu của Mỹ cũng bất ngờ giảm mạnh 1 triệu thùng/ngày xuống 12,3 triệu thùng/ngày. Nguồn cung tại Mỹ thắt chặt trong bối cảnh thời tiết lạnh giá gây gián đoạn cho hoạt động sản xuất, đã thúc đẩy lực mua mạnh mẽ trên thị trường.

Xét về yếu tố vĩ mô, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã tuyên bố rằng PBOC sẽ cắt giảm 0,5 điểm phần trăm đối với tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) vào ngày 5/2. Điều này nhấn mạnh sự cấp bách ngày càng tăng của chính phủ Trung Quốc trong việc củng cố nền kinh tế và ngăn chặn sự sụt giảm của thị trường chứng khoán. Kỳ vọng vào sự tăng trưởng tích cực của nền kinh tế Trung Quốc sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ dầu, củng cố đà tăng của giá dầu. 

Bên cạnh đó, dữ liệu kinh tế tích cực của Mỹ làm gia tăng kỳ vọng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ hạ cánh mềm trong tương lai. Báo cáo sơ bộ của S&P Global cho thấy hoạt động kinh doanh của Mỹ phục hồi rõ rệt trong tháng 1/2024, với chỉ số quản lý mua hàng (PMI) sản xuất đạt 50,3 điểm, cao hơn 2,4 điểm so với dự báo và là mức cao nhất kể từ tháng 11/2022. Trong khi đó, PMI dịch vụ đạt 52,9 điểm, cao hơn 1,9 điểm so với dự báo và là mức cao nhất kể từ tháng 7/2023.

Ở một diễn biến khác, giá khí tự nhiên tăng gần 8% do dự báo thời tiết lạnh hơn thúc đẩy nhu cầu sưởi ấm và sản lượng giảm trong bối cảnh thời tiết lạnh giá đóng băng giếng và các thiết bị khác. LSEG cho biết sản lượng khí đốt trung bình ở 48 bang của Mỹ đã giảm xuống 102,9 tỷ feet khối/ngày (bcfd) từ đầu tháng 1 đến nay, giảm so với mức kỷ lục hàng tháng là 108,0 bcfd trong tháng 12/2023.

Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị

Giá bật tăng mạnh mẽ sau khi backtest thành công MA50. Tuy nhiên, diễn biến giá tương đối giằng co khi phiên hôm trước tiếp tục đóng nến spinning top, phản ánh sự cân bằng giữa lực mua và lực bán. Đáng chú ý, giá đang gặp cản là kháng cự tâm lý MA200, trong khi hai đường %D và %K của Stoch RSI co hẹp lại và có dấu hiệu cắt xuống từ vùng quá mua. Trên khung 4H, giá bật tăng sau chuỗi tích lũy nhiều phiên liên tiếp. Đà tăng của giá được duy trì khi Stoch RSI khung 4H vẫn đang cắt lên. Trên khung 1H, giá giằng co đi ngang trong biên độ hẹp 75,2 - 75,5 USD. Dự báo đà tăng của giá có thể duy trì lên vùng 76 – 76,2 USD, nhưng áp lực bán gia tăng tại vùng kháng cự này có thể đẩy giá điều chỉnh giảm về vùng hỗ trợ 74 – 74,5 USD. 


Nguồn: